Quản lý nghiêm giá thuốc: Vì quyền lợi người tiêu dùng
- Cập nhật: Thứ năm, 23/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thời gian gần đây, do biến động chung về giá cả, giá cả các mặt hàng trong nước liên tục tăng cao, trong đó có mặt hàng thuốc chữa bệnh. Công tác quản lý giá thuốc đã được Chính phủ quan tâm để tránh tình trạng cạnh tranh trục lợi, lợi dụng tự ý nâng giá thuốc.
(Ảnh: Minh họa)
|
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Yên Bái, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc Nghị định 120/2004/NĐ-CP ngày 12/5/2004 về quản lý giá thuốc, Thông tư Liên tịch số 11/2007/TTLT-BYT-BTC, ngày 10/8/2007 của Bộ Y tế – Bộ Tài chính hướng dẫn “Quản lý Nhà nước về giá thuốc dùng cho người”. Sở y tế đã phối hợp với các ngành hữu quan thực hiện chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề dược, các công ty trách nhiệm hữu hạn trong tỉnh, Công ty cổ phần Dược phẩm tỉnh về việc “Thực hiện kê khai, niêm yết giá thuốc bán lẻ và bán buôn trên địa bàn toàn tỉnh, việc thực hiện cung ứng thuốc trong các cơ sở y tế công lập trong tỉnh”.
Qua kiểm tra trực tiếp cho thấy, việc mua thuốc đối với các cơ sở y tế công lập trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện việc mua thuốc theo kết quả đấu thầu đã được phê duyệt của UBND tỉnh, tuyệt đối không có hiện tượng tự ý nâng giá thuốc. Việc thực hiện kinh doanh thuốc đối với các đối tượng hành nghề về cơ bản đã thực hiện nghiêm việc kê khai, niêm yết giá. Vào thời điểm kiểm tra tháng 3 và tháng 8 năm 2008 tại tỉnh Yên Bái, thuốc về cơ bản có tăng giá, tỷ lệ tăng trung bình khoảng 10%, đặc biệt có những mặt hàng tăng 40% so với cùng kỳ năm 2007.
Để kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế khả năng các doanh nghiệp tự ý tăng giá thuốc hoặc tạo khan hiếm giả, găm hàng, bắt tay nhau khống chế giá, ngành y tế đã thực hiện tốt các giải pháp. Đối với các cơ sở y tế công lập trong tỉnh, Sở Y tế hướng dẫn mua thuốc theo kết quả đấu thầu đã được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường và thường xuyên kiểm tra, giám sát, do đó trong năm 2008 tuy giá thuốc có tăng nhưng không có hiện tượng tự tăng giá.
Với những mặt hàng thuốc tăng giá, doanh nghiệp phải tiến hành việc kê khai lại, gửi Cục Quản lý Dược Việt Nam xem xét và cơ sở phải thực hiện bán đúng với giá đã kê khai hoặc kê khai lại khi có biến động. Bộ Y tế, trực tiếp là Cục Quản lý Dược Việt Nam (ở tỉnh là Sở Y tế đối với các mặt hàng sản xuất tại địa phương), căn cứ vào tờ khai theo mẫu qui định, nếu thấy bất hợp lý sẽ có ý kiến bằng văn bản nêu rõ lý do và đề nghị cơ sở xem xét lại giá thuốc kê khai trên.
Hệ thống kinh doanh dược phẩm ở Yên Bái gồm: 6 công ty kinh doanh dược phẩm trong tỉnh, 37 nhà thuốc, 211 đại lý bán lẻ thuốc. Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện việc kê khai, niêm yết giá thuốc theo Thông tư Liên tịch số 11/TTLT-BYT-BTC “Về việc quản lý Nhà nước về thuốc dùng cho người”: các cơ sở kinh doanh phải thực hiện việc niêm yết giá thuốc và phải bán theo giá niêm yết. Đối với các cơ sở bán buôn, phải công khai giá bán buôn và chịu trách nhiệm với Nhà nước về giá đã kê khai niêm yết.
Việc quản lý Nhà nước, thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 11 có qui định: “Nhà nước quản lý giá thuốc theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước về giá thuốc theo qui định tại Luật Dược, Nghị định 79/2006/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược”. Nhưng đối với Việt Nam hiện nay, hầu như 100% các nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc đều nhập của nước ngoài, chính vì vậy chúng ta không chủ động được giá nguyên liệu, do đó khó kiểm soát được giá thuốc khi giá nguyên liệu nhập về tăng cao. Đối với những thuốc do chi phí sản xuất tăng, yêu cầu cơ sở kê khai lại giá, giải trình cấp có thẩm quyền (Cục Quản lý Dược Việt Nam, Sở Y tế) xem xét tính hợp lý của giá thuốc, cơ quan quản lý Nhà nước không thực hiện việc phê duyệt giá thuốc do cơ sở tự kê khai và kê khai lại.
Muốn điều tiết được giá, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế phải điều tiết được từ nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra từ nhà sản xuất. Mặt khác, đầu tư phát triển ngành công nghiệp dược trong nước, tiến tới giảm nhập nguyên liệu nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược trong nước phát triển, giúp ổn định giá thuốc. Bên cạnh đó, qui định giá trần cụ thể cho từng sản phẩm, giúp việc kiểm tra giá có hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp dược phẩm hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, nên tách các doanh nghiệp này khỏi ngành y tế thì hoạt động sẽ phù hợp, hiệu quả hơn. UBND tỉnh cần tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư để các doanh nghiệp dược trong tỉnh phát triển mạnh hơn.
Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là ngành y tế phải thường xuyên kiểm tra giá thuốc tại các công ty cũng như trên thị trường, chống đầu cơ nâng giá thuốc, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Trong mấy năm trở lại đây, công tác phòng chống xâm hại trẻ em tại cộng đồng ở Yên Bái được chú trọng quan tâm. Nhiều trẻ em lang thang, cơ nhỡ đã được các tổ chức xã hội nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng; tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, lao động trước tuổi, lao động trong môi trường độc hại và trẻ em bị lạm dụng tình dục tại cộng đồng đã có những dấu hiệu giảm, nhất là từ khi Đề án 19 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn lắm khó khăn và cần sự chung tay của các cấp, các ngành.
YBĐT - Thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần nghị quyết Đảng bộ xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đề ra đến 2012, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 1.320 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 350 kg/năm, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/năm…
Ngày 23/10, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP trung ương do Bộ Y tế chủ trì sẽ tổ chức họp bàn xử lý sữa, nguyên liệu sữa, các sản phẩm đã phát hiện nhiễm melamine.
Dự báo ngày và đêm 23/10, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc nước ta. Các tỉnh miền Bắc từ đêm mai trời trở lạnh.