Lũ lụt hoành hành các tỉnh Bắc Trung bộ: Đã có 6 người chết và mất tích ở các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2008 | 12:00:00 AM
Trong khi lũ ở các tỉnh Trung Trung bộ (từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi) đến chiều 30-10 đã xuống dưới mức báo động 2, người dân và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thì tại các tỉnh Bắc Trung bộ (từ Quảng Bình đến Nghệ An), lũ lụt đang dâng cao, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân.
Nước lũ làm ách tắc tuyến giao thông từ TP Đồng Hới đi huyện Lệ Thủy.
|
Đến chiều tối 30-10, mưa to tiếp tục xảy ra trên hầu hết các địa bàn từ Quảng Bình cho đến Nghệ An. Vì vậy, trong tối 30-10, lũ trên các sông này tiếp tục lên và đạt đỉnh trong sáng 31-10 ở mức báo động 2, báo động 3.
-
Hà Tĩnh: Sơ tán khẩn cấp 200 hộ dân
Đến 17 giờ chiều ngày 30-10, trên các tuyến đường nội thị thành phố Hà Tĩnh đều đã chìm trong nước lũ từ 1-1,5m, hệ thống giao thông bị tê liệt nhiều giờ liền. Đặc biệt tuyến đường đi huyện Hương Khê đã bị nước lũ chia cắt hơn 2km, hàng trăm mét taluy bị sạt lở nghiêm trọng.
Mưa lớn diễn ra trên diện rộng đã làm cho hàng ngàn hécta hoa màu của người dân các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Nghi Xuân, Đức Thọ, Vũ Quang... có nguy cơ bị mất trắng hoàn toàn. UBND huyện đã quyết định sơ tán khẩn cấp hơn 200 hộ dân của các xã Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương đến trú ẩn tại các trường học trên địa bàn...
Tại huyện Nghi Xuân, đã có 1 người chết và 1 người mất tích: Trưa ngày 30-10 ông Nguyễn Khắc Côn, 48 tuổi, trú tại xóm 11, xã Sơn Hòa trong khi đi chăn trâu ngoài đồng đã bị nước lũ cuốn trôi. Anh Trần Đình Sơn, 19 tuổi, trú tại xóm Thạch Nam, xã Sơn Tịnh bị mất tích.
-
Quảng Bình: trên 11.500 ngôi nhà ngập trong nước lũ
Tỉnh lộ 16 nối Quốc lộ 1A vào trung tâm huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) ngập sâu trong nước lũ trên 1m, giao thông chia cắt hoàn toàn. |
Tại huyện Lệ Thủy, hầu hết các tuyến đường liên xã đều bị chia cắt, nhiều nơi nước lũ ngập đến trên 1m. Từ sáng ngày 29-10, UBND huyện Lệ Thủy đã thông báo cho học sinh của 94 trường nghỉ học.
Toàn huyện có trên 11.500 ngôi nhà, 34 trường học, 18 trạm y tế, 9 chợ ngập sâu trong nước từ 0,5m đến trên 1m. 3 tuyến đê ngăn mặn của 3 xã Hồng Thủy, Thanh Thủy và Cam Thủy bị vỡ nhiều đoạn. Đặc biệt, nước lũ ngập sâu đã làm cho trên 82.500 người dân các xã bị ngập lụt thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Tại địa bàn xã Duy Ninh có 1 người mất tích là Nguyễn Viết Phong, sinh năm 1965. Tại bãi biển xã Hải Ninh ngư dân đã phát hiện được xác 1 người chết dạt vào bãi biển, hiện chưa xác định được danh tính.
-
Nghệ An: 2 người chết và mất tích
Đến chiều 30-10, mưa lũ cũng đã làm 2 người ở Nghệ An bị chết và mất tích. Đó là anh Phạm Văn Thỏa (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu), đi làm trên tàu NA2660TS, do tàu gặp nạn nên đã bị mất tích. Em Nguyễn Thị Hồng Anh (SN 1996, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ), trên đường đi học qua tràn nước, em Anh đã bị cuốn trôi.
Tuyến đê Tả Lam tại Đô Lương bị sạt trượt một đoạn khoảng 70m, rộng 10m, làm cho khoảng 400 nhà dân bị ngập chìm trong nước. Một số trường học tại Hưng Nguyên, Nam Đàn... học sinh tạm thời phải nghỉ học.
Do mưa lớn và kéo dài nên thành phố Vinh đã xảy ra tình trạng ngập lụt chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Các tuyến đường như Đinh Công Tráng, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ... bị ngập nặng. Lũ lụt cũng gây mất điện trên diện rộng.
-
Đà Nẵng: Bán đảo Sơn Trà bị sạt lở nghiêm trọng
Do mưa lớn liên tục xảy ra trong hơn 10 ngày qua, nên đến ngày 30-10, nhiều khu vực trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm mét khối đất đá từ trên sườn núi đổ xuống tuyến đường Hoàng Sa dẫn ra bán đảo Sơn Trà, gây ách tắc giao thông.
Bên cạnh đó, nước từ trên đỉnh núi chảy tràn qua mặt đường, gây nên tình trạng sạt lở rất nặng ở sườn đồi phía hướng ra biển, làm nguy hiểm cho các khu du lịch, như: biển Đông, Sơn Trà Resort đang hoạt động phía dưới.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Chi cục thú y tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện có virus cúm gia cầm H5N1 trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ gà Trung Quốc nhập lậu.
Ngày 29/10, trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Y tế đề nghị Phó Thủ tướng báo cáo Thường trực Chính phủ cho dừng thực hiện Quyết định số 33 và Quyết định số 34.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở thôn Phạ Thoọc, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái) năm 1987 chị Mông Thị Tư kết hôn cùng anh Lương Văn Đương ở thôn 1, xã Tân Lĩnh. Lấy nhau sau ba năm, anh chị đã sinh được hai cháu một trai, một gái. Nhờ tần tảo chịu khó làm ăn nên kinh tế gia đình anh chị được xếp vào diện khá trong thôn. Mái ấm ấy luôn tràn đầy hạnh phúc, nhưng cơn sốt đào đãi đá quý những năm 1989-1990 rộ lên đã làm đảo lộn cuộc sống của gia đình chị.
YBĐT - Để chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho học sinh, góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời giúp các gia đình giảm bớt khó khăn về kinh tế khi con em mình không may bị ốm đau, bệnh tật, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Yên Bái (Yên Bái), đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nhiều năm đều có tỷ lệ học sinh tham gia Bảo hiểm xã hội (BHYT) cao.