Yên Bái: Gian nan xây dựng trường chuẩn quốc gia
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, giáo dục - đào tạo Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về quy mô trường lớp và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, trước năm 2006, toàn ngành chỉ có 23 trường và hầu hết các trường đã được công nhận đều nợ tiêu chí về cơ sở vật chất.
Chính vì vậy đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện đổi mới nội dung chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường. Về giáo dục - đào tạo, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt ra mục tiêu đến năm 2010, toàn tỉnh có 20% số trường đạt chuẩn quốc gia, tương đương với 122 trường.
Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2006 – 2010 do Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt cũng xác định: xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông gắn với quy hoạch phát triển giáo dục theo hướng “chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá”; gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương theo hướng phát triển bền vững để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của tỉnh và đất nước. Và mục tiêu của Đề án là phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố phải có từ 1-2 trường mầm non đạt chuẩn; đối với trường phổ thông ưu tiên đầu tư các trường có số tiêu chuẩn đạt yêu cầu cận chuẩn, bố trí cơ cấu hợp lý số trường đạt chuẩn quốc gia theo ngành học, bậc học, theo vùng miền để đến 2010 có trên 20% số trường đạt chuẩn.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, để đảm bảo tiến độ đề ra sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cho các trường đã có số lượng tiêu chuẩn đạt yêu cầu cận chuẩn và đầu tư theo hướng đảm bảo cho các trường này đạt mức cập chuẩn, sau đó từng bước nâng cao chất lượng trong giai đoạn tiếp theo. Với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất nhà trường và trang thiết bị dạy học sẽ được đầu tư; đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về trình độ; chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng cao; đồng thời công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh.
Để thực hiện thành công Đề án, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho ngành Giáo dục - Đào tạo chủ trì, phối hợp với các ngành hữu quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trên cơ sở rà soát các đơn vị nhà trường theo tiêu chí về trường chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành, năm học 2006 – 2007 kế hoạch giao xây dựng 34 trường đạt chuẩn; trong đó, mầm non là 10 trường, tiểu học 10 trường, trung học cơ sở l2 trường và 2 trường trung học phổ thông.
Kết thúc năm học, toàn tỉnh có 5 trường đạt chuẩn là: Trường Mầm non xã Phù Nham (huyện Văn Chấn); Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Mù Cang Chải); Trường Tiểu học Hoàng Văn Thọ, Trường Tiểu học Trần Phú B (huyện Văn Chấn); Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu (thị xã Nghĩa Lộ). Đến thời điểm tháng 7 - 2008, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 30 trường, tăng 7 trường so với năm 2005. Cụ thể là mầm non tăng 1 trường, tiểu học tăng 5 trường, trung học cơ sở tăng 1 trường và chưa có trường trung học phổ thông nào đạt chuẩn. Nhìn vào Đề án và Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2008 thì số trường chưa đạt theo tiến độ khá nhiều, một số trường còn phải đề nghị đưa ra khỏi Đề án để thay thế bằng trường khác, lại có trường đã đạt chuẩn nhưng có nguy cơ tụt chuẩn.
Đánh giá về vấn đề này, nhiều cán bộ của ngành giáo dục - đào tạo cho rằng do chưa làm tốt công tác tham mưu trong việc lựa chọn trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và cũng chưa có sự phối hợp tốt với các ngành chức năng. Về cơ sở vật chất trường học những năm gần đây được đầu tư nhiều từ chương trình kiên cố hoá và mục tiêu quốc gia song dàn trải thiếu tập trung, chưa đáp ứng yêu cầu của trường chuẩn, nhất là thiếu các phòng chức năng như: thư viện, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm... Đội ngũ quản lý giáo dục và giáo viên giảng dạy ngày càng được đào tạo chính quy, đạt chuẩn và trên chuẩn nhưng ở nhiều trường thiếu chỉ tiêu về giáo viên dạy giỏi hoặc còn thiếu so với định biên, chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn.
Đặc biệt hoạt động và chất lượng giáo dục vẫn là điều cần phải quan tâm. ở bậc tiểu học, việc tăng số lượng học sinh học 2 buổi/ngày và thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục chưa đạt 20% tổng số học sinh; tỷ lệ học sinh bỏ học cao hơn 1% và không đạt tỷ lệ học sinh giỏi 10%, học sinh tiên tiến 40%. Năm 2008 dự định xây dựng 2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia thì Trường THPT Nguyễn Huệ chưa có số học sinh học lực giỏi vượt quá 3% và Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành có tỷ lệ này khá cao lại chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất trường học.
Xây dựng trường chuẩn quốc gia là một chủ trương đúng và cần thiết, song phải chăng “trên nóng dưới lạnh”? Nhiều địa phương các cấp chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc và nhà trường thì chưa tích cực chủ động, nặng tư tưởng ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước mà chưa huy động được sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất trường học. Rồi có phải vì thực hiện cuộc vận động “Hai không” mà tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến giảm hay do việc bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh học lực yếu ở nhà trường chưa tốt? Thời gian để hoàn thành Đề án của UBND tỉnh không còn dài, ngành Giáo dục - Đào tạo đang tăng cường chỉ đạo các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục và tập trung đầu tư có trọng điểm xây dựng cơ sở vật chất trường học cho trường chuẩn quốc gia. việc xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng phải trở thành mục tiêu và trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương nhằm phát triển giáo dục - đào tạo theo hướng “chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá”.
Thế Quynh
Các tin khác
Trong khi lũ ở các tỉnh Trung Trung bộ (từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi) đến chiều 30-10 đã xuống dưới mức báo động 2, người dân và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thì tại các tỉnh Bắc Trung bộ (từ Quảng Bình đến Nghệ An), lũ lụt đang dâng cao, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân.
Chi cục thú y tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện có virus cúm gia cầm H5N1 trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ gà Trung Quốc nhập lậu.
Ngày 29/10, trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Y tế đề nghị Phó Thủ tướng báo cáo Thường trực Chính phủ cho dừng thực hiện Quyết định số 33 và Quyết định số 34.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở thôn Phạ Thoọc, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái) năm 1987 chị Mông Thị Tư kết hôn cùng anh Lương Văn Đương ở thôn 1, xã Tân Lĩnh. Lấy nhau sau ba năm, anh chị đã sinh được hai cháu một trai, một gái. Nhờ tần tảo chịu khó làm ăn nên kinh tế gia đình anh chị được xếp vào diện khá trong thôn. Mái ấm ấy luôn tràn đầy hạnh phúc, nhưng cơn sốt đào đãi đá quý những năm 1989-1990 rộ lên đã làm đảo lộn cuộc sống của gia đình chị.