MTTQ An Thịnh: Cầu nối khối đại đoàn kết các dân tộc
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - An Thịnh là xã vùng thấp của huyện Văn Yên (Yên Bái), với 7 dân tộc anh em cùng chung sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao… Là địa phương trọng điểm về sản xuất lương thực của huyện, do vậy hàng năm, MTTQ xã và các ngành thành viên luôn chú trọng công tác tuyên truyền vận động nhân dân đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào gieo cấy đúng khung thời vụ, cùng với đó là chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh.
Qua kết quả đánh giá nhiều năm qua, An Thịnh luôn đứng trong tốp những xã đi đầu về sản lượng lương thực có hạt, đã góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân trong xã.
Thực hiện chương trình thống nhất giữa chính quyền địa phương và các tổ chức thành viên, MTTQ xã đã tăng cường tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới tất cả các tầng lớp nhân dân. Nội dung tập trung vào nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND và các văn bản mới ban hành như: Luật Đất đai, Luật Cư trú, Luật Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, Nghị định 79 của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
MTTQ còn phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, truyền thống quê hương Yên Bái anh hùng, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao thường được tổ chức đã thu hút khối lượng lớn đông đảo nhân dân tham gia. Điểm nổi bật trong các phong trào đó là việc triển khai các cuộc vận động: “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Xác định đây là cuộc vận động lâu dài, MTTQ xã đã thông qua nội dung cuộc vận động, đến nay đã xây dựng được 4 thôn văn hoá gồm: Đại An, Cổng Trào, Đồng Vật, Gốc Nụ; 10 khu dân cư tiên tiến; trên 80% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 18/18 thôn đã xây dựng được nhà văn hoá với tổng trị giá lên tới 378 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 302 triệu đồng; 16/18 thôn không có tệ nạn xã hội; 18/18 thôn không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp.
Nhằm tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, MTTQ xã An Thịnh đã vận động nhân dân ở 18 thôn tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, phá bỏ vườn tạp trồng các cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, kết hợp với chăn nuôi…Do tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, đến nay 250 ha ruộng nước của xã đều được cấy bằng trên 95% là các giống lúa lai, lúa thuần cho năng suất chất lượng cao. Năm 2003 lương thực bình quân của xã đạt 305 kg/ người/ năm, thì năm 2008 đạt 507 kg/người/năm; thu nhập bình quân năm 2003 là 3,1 triệu đồng/người/năm, đến năm 2008 đạt trên 6 triệu đồng/người/năm. Tận dụng đất đồi, soi bãi và đất 2 vụ lúa, hàng năm nhân dân còn trồng được trên 200 ha ngô, góp phần tạo nguồn lương thực để chăn nuôi gia súc, gia cầm.
An Thịnh những năm gần đây là địa phương được đánh giá là tích cực trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác từ thiện nhân đạo giúp nhau phát triển kinh tế. Qua đánh giá của MTTQ xã, trong 5 năm từ (2003-2008), xã đã vận động nhân dân ủng hộ vào các nguồn quỹ được 167 triệu đồng. Số tiền trên xã đã sử dụng vào việc thăm hỏi tặng quà 215 lượt gia đình chính sách, thương bệnh binh, người có công với cách mạng với số tiền 21,5 triệu đồng; thăm hỏi hộ khó khăn thuộc diện nghèo 220 hộ với số tiền 15,2 triệu đồng; thăm hỏi hỗ trợ gia đình bị thiên tai do mưa lũ 48 hộ trị giá 18,9 triệu đồng…
Ngoài ra, MTTQ xã còn vận động nhân dân và các đoàn thể của địa phương thực hiện tốt cuộc vận động ủng hộ "Ngày vì người nghèo" được 17,5 triệu đồng và tiếp nhận sự hỗ trợ của Uỷ ban MTTQ huyện 7 triệu đồng. Cùng với sự đóng góp công sức và vật liệu của nhân dân số tiền trên đã được chi cho việc làm mới 1 nhà xây,4 nhà lá với tổng trị giá 37 triệu đồng. Sự đoàn kết hỗ trợ nhau giúp đỡ các gia đình chính sách, các gia đình nghèo, càng tạo sự gắn bó mối đoàn kết các dân tộc và tình làng nghĩa xóm cùng giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Để thực hiện tốt Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, MTTQ xã đã đẩy mạnh phong trào xây dựng họ đạo tiên tiến, giáo dân sản xuất kinh doanh giỏi, kính chúa yêu nước, đã thu hút được các gia đình giáo dân tham gia hưởng ứng. Bà con là đồng bào dân tộc còn được hưởng lợi từ các chương trình 134,135 của Chính phủ về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và các công trình công cộng như: điện, đường, trường, trạm… đã tạo đà cho đời sống nhân dân các dân tộc An Thịnh ngày thêm no ấm, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương đường lối lãnh đạo của Đảng, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Thạch Phong
Các tin khác
Ngày 29-10, Tổng cục Tiêu chuẩn-Ðo lường-Chất lượng ban hành "Danh sách mũ bảo hiểm cho người đi mô-tô, xe máy đã công bố hợp quy theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN" (tính đến ngày 15-10).
YBĐT - Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận bằng các nội dung, hình thức phù hợp với đối tượng, địa bàn, lực lượng vũ trang tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo được niềm tin đối với nhân dân.
YBĐT - Nằm trong chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giai đoạn 2008 - 2012, năm 2008, huyện Văn Chấn (Yên Bái) xây mới 41 phòng học, 12 nhà công vụ ở 7 trường tại 8 xã, thị trấn là Sơn Thịnh, Bình Thuận, An Lương... với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước. Toàn bộ công trình trên do UBND huyện là chủ đầu tư.
YBĐT - Trong những năm qua, giáo dục - đào tạo Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về quy mô trường lớp và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, trước năm 2006, toàn ngành chỉ có 23 trường và hầu hết các trường đã được công nhận đều nợ tiêu chí về cơ sở vật chất.