Giáo dục ý thức tự bảo vệ đôi mắt ở đồng bào vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Người đầu tiên tôi gặp ở là ông Sùng A Lử. Ông đang lúi húi xếp đống bao tải ngô hạt cỡ vài tấn chờ người dưới trung tâm huyện lên mua. Với thói quen nghề nghiệp, tôi dừng lại hỏi ông dăm ba câu chuyện về lúa, ngô, khoai sắn. Khi ông Lử ngửng lên, tôi giật mình vì mắt trái của ông bị hỏng và nổi lên một cục u khá to, tấy đỏ trùm cả hốc mắt.

Tôi trở lại xã Suối Giàng (Văn Chấn - Yên Bái) vào một ngày cuối thu. Tới đầu bản Cang Kỷ - một bản cửa ngõ của xã Suối Giàng vào quãng 9 giờ sáng nhưng trời vẫn mù sương. Người đầu tiên tôi gặp ở là ông Sùng A Lử. Ông đang lúi húi xếp đống bao tải ngô hạt cỡ vài tấn chờ người dưới trung tâm huyện lên mua. Với thói quen nghề nghiệp, tôi dừng lại hỏi ông dăm ba câu chuyện về lúa, ngô, khoai sắn. Khi ông Lử ngửng lên, tôi giật mình vì mắt trái của ông bị hỏng và nổi lên một cục u khá to, tấy đỏ trùm cả hốc mắt.

Chia tay ông Lử, tôi tiếp tục đi về bản Pang Cáng ở trung tâm xã. Không may cho tôi trong chuyến đi sáng tác ảnh, lại gặp hôm trời lại trở mưa rào nên đành phải ngồi ôm máy ảnh ngắm mưa tại nhà ông phó bản. Cũng lúc này, người dân hối hả kéo về nhà phó bản để bán chè cho tư thương. Tôi chợt thấy trong đám người ấy có một cậu thanh niên quãng mười chín đôi mươi, dáng đậm, khoẻ mạnh, khuôn mặt khá đầy đặn và nếu không bị hỏng một bên mắt thì chắc chắn rất đẹp trai. Một lát sau lại thêm hai phụ nữ nữa đến bán chè thì một chị bị mù một mắt và chị kia mắt bị đục thuỷ thể.

Tôi ngộ ra một điều, tại sao sáng nay vì trời mưa nên mới chỉ gặp quãng hơn hai chục con người ở đây mà đã có tới 4 người mắc các bệnh về mắt? Trò chuyện với ông phó bản và một số người ở đây được biết, ông Lử bị mù là do trước đây đi rừng bị ngã nên cây chọc hỏng mắt. Cậu thanh niên bị mù một mắt kia là do lúc nhỏ cha mẹ cho ngồi lên lưng trâu và khi trâu đi xuống dốc, cậu bị tuột xuống cổ trâu nên sừng trâu đâm hỏng mắt. Còn hai chị phụ nữ kia bị hỏng mắt không rõ vì lý do gì?

Chiều hôm ấy, tôi đến Trạm Y tế xã Suối Giàng và rất may gặp được Trạm trưởng Nguyễn Văn Thành. Bác sỹ Thành thừa nhận, những bệnh về mắt ở đây đúng là vấn đề khá nan giải, bởi đây là địa bàn 100% đồng bào Mông sinh sống. Ông Thành cho biết thêm, những bệnh về mắt thường chiếm khoảng trên 20% trong tổng số các loại bệnh được khám và điều trị trong mỗi năm tại Trạm Y tế xã. Tỷ lệ bệnh về mắt như vậy là khá cao so với tỷ lệ dân số của xã. Suối Giàng có địa hình rừng núi phức tạp, dân sống dựa vào rừng, leo trèo hái chè Shan tuyết...nhưng những bệnh về mắt do tai nạn thương tích như các trường hợp vừa nêu trên lại không phải là nhiều (bình quân 3-4 ca mỗi năm).

Nguyên nhân của các bệnh về mắt là do đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp...nên người dân chưa coi trọng đến bảo vệ và giữ gìn đôi mắt. Rất nhiều người dân ở đây không có thói quen rửa mặt buổi tối, buổi sáng hoặc sau khi lao động. Có những gia đình cả chục người nhưng chỉ rửa chung một khăn mặt nên một người bị dịch bệnh về mắt dễ lây ra cả nhà.

Tình trạng sử dụng chung nguồn nước mà không chú ý đến vệ sinh chung cũng dẫn đến nguyên nhân lây lan các bệnh về mắt cho cộng đồng. Nhưng, điều đáng lo ngại hơn cả vẫn là môi trường sống rất mất vệ sinh. Rất nhiều nhà dân không có hố xí và phải phóng uế ra quanh vườn; gia súc, gia cầm thường thả rông; xung quanh nhà ở không được dọn dẹp vệ sinh thường xuyên...khiến nguồn nước, môi trường sống bị nhiễm bẩn; côn trùng, ký sinh trùng phát triển, tạo nên các tác nhân gây bệnh. Khi bị đau mắt thì nhiều người chỉ chữa bằng thuốc dân gian và khi phải đến trạm y tế thì bệnh thường quá nặng... Trong đó, phổ biến nhất các bệnh về mắt ở đây là viêm kết mạc ở mọi lứa tuổi và bệnh đục thuỷ tinh thể ở lứa tuổi ngoài bốn mươi.

Trước thực trạng trên, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác khám chữa bệnh nói chung và phòng chống các bệnh về mắt nói riêng. Ông trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết, kết thúc mỗi tháng, Trạm có trách nhiệm tổng hợp các loại bệnh được khám và điều trị trong tháng. Nếu bệnh nào nổi cộm trong tháng thì báo cáo ngay với chính quyền cơ sở.

Đồng thời, viết bài tuyên truyền ngay về những bệnh đó bằng tiếng Mông trên loa truyền thanh của 4 bản ở quanh trung tâm xã. Những bản ở xa, không có loa truyền thanh thì gửi nội dung về cho đội ngũ y tế thôn bản để tuyên truyền đến dân kịp thời. Trạm và đội ngũ y tế thôn bản thường xuyên lồng ghép tuyên truyền cách phòng chống các bệnh về mắt trong các cuộc họp ở khu dân cư; khuyến cáo bà con khi mắc bệnh về mắt phải đến Trạm để điều trị ngay và mở các đợt điều trị mắt miễn phí tại Trạm Y tế. Thuốc phục vụ chữa trị các bệnh thông thường về mắt luôn đáp ứng tốt tình hình thực tế và được các thầy thuốc hướng dẫn điều trị rất chu đáo. Những đợt tỉnh tổ chức khám chữa bệnh về mắt cho nhân dân trong khu vực phía tây tại Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ hoặc Văn Chấn thì Trạm Y tế xã đều thông báo kịp thời cho nhân dân để ai có nhu cầu thì đến khám và điều trị...

Do những giải pháp tích cực nêu trên, các bệnh về mắt đối với bà con người Mông ở Suối Giàng qua nhiều năm nay dù vẫn còn cao nhưng nó đã được khống chế ở tỷ lệ trên dưới 20% trong tổng số các bệnh điều trị tại Trạm Y tế xã mỗi năm.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Thành-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Suối Giàng thì để hạn chế đến mức thấp nhất loại bệnh này đối với bà con người Mông trong xã nói riêng và ở vùng cao, vùng dân tộc ít người nói chung thì cùng với ngành y tế, các cấp, các tổ chức đoàn thể và ngành chức năng phải nỗ lực cùng đưa ra những giải pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức cho bà con hướng tới tính tự giác và biết cách tự bảo vệ đôi mắt của mình.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

YBĐT - An Thịnh là xã vùng thấp của huyện Văn Yên (Yên Bái), với 7 dân tộc anh em cùng chung sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao… Là địa phương trọng điểm về sản xuất lương thực của huyện, do vậy hàng năm, MTTQ xã và các ngành thành viên luôn chú trọng công tác tuyên truyền vận động nhân dân đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào gieo cấy đúng khung thời vụ, cùng với đó là chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngày 29-10, Tổng cục Tiêu chuẩn-Ðo lường-Chất lượng ban hành "Danh sách mũ bảo hiểm cho người đi mô-tô, xe máy đã công bố hợp quy theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN" (tính đến ngày 15-10).

Tình quân dân. (Ảnh: Thanh Hương)

YBĐT - Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận bằng các nội dung, hình thức phù hợp với đối tượng, địa bàn, lực lượng vũ trang tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo được niềm tin đối với nhân dân.

YBĐT - Nằm trong chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giai đoạn 2008 - 2012, năm 2008, huyện Văn Chấn (Yên Bái) xây mới 41 phòng học, 12 nhà công vụ ở 7 trường tại 8 xã, thị trấn là Sơn Thịnh, Bình Thuận, An Lương... với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước. Toàn bộ công trình trên do UBND huyện là chủ đầu tư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục