Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chăm lo, xây dựng đội ngũ lao động nữ
- Cập nhật: Thứ hai, 3/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chiếm gần 50% lao động toàn ngành, phụ nữ ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tham gia trong mọi lĩnh vực.
Hàng năm, có tới 70% chị em được các cấp tặng danh hiệu phụ nữ "Hai giỏi"; nhiều chị được các cấp, các ngành tặng bằng khen, được đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý, lãnh đạo và được kết nạp Đảng.
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, để đội ngũ nữ CNVC-LĐ theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp là nhiệm vụ cấp thiết. Nhìn vào lực lượng lao động nữ, ở khối hành chính sự nghiệp có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ khá cao, còn ở khối sản xuất thì trình độ chuyên môn, tay nghề có phần hạn chế.
Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ về bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, thi nâng bậc, khám sức khỏe định kỳ thì trừ một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, còn lại cơ bản được bảo đảm. Những chị em có hoàn cảnh khó khăn được công đoàn vận động, hỗ trợ xóa 4 nhà tạm; giúp làm thủ tục vay 544 triệu đồng từ các quỹ phụ nữ nghèo; nguồn vốn 120 giúp hàng trăm chị phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Tuy vậy, do đặc thù nghề nghiệp, công nhân lao động nữ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, thiệt thòi, nhất là chị em làm việc trong các doanh nghiệp xây dựng thủy lợi, các lâm trường.
Chị Phạm Thị Hường - Chủ tịch Công đoàn Lâm trường Việt Hưng mong muốn: "Đề nghị tỉnh sớm sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp cho các lâm trường để doanh nghiệp được vay vốn đầu tư cho sản xuất. Về khám chữa bệnh, đối với bệnh thông thường phải nghỉ từ 1 đến 3 ngày, đề nghị cho chị em được khám và chứng nhận nghỉ ốm ở tuyến xã và đề nghị bảo hiểm y tế nghiên cứu, trích một phần kinh phí cho các lâm trường để lập tủ thuốc sơ cấp cứu những trường hợp bị tai nạn, rắn cắn… như trước đây. Mặt khác, đề nghị ngành giáo dục tổ chức hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo ở các khu vực gần nơi sản xuất để chị em có nơi gửi trẻ và bảo đảm quyền lợi cho trẻ em".
Trong xây dựng đội ngũ công nhân lao động, việc nâng cao hiểu biết về chính sách pháp luật để người lao động tự bảo vệ mình là trách nhiệm của người sử dụng lao động và của công đoàn ở nơi có tổ chức công đoàn. Song, đội ngũ lao động nữ hiện nay vẫn trong tình trạng không hiểu biết pháp luật còn khá phổ biến. Bởi thế, nhiều người vẫn chấp nhận làm việc miễn sao có thu nhập và nhiều trường hợp chỉ được ký hợp đồng lao động thời vụ dưới ba tháng một để doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội cùng các quyền lợi khác mà bản thân họ không biết.
Xây dựng đội ngũ công nhân lao động nữ chỉ đạt được mục tiêu đề ra khi có nhận thức và đánh giá đúng đắn, sát thực về vai trò, tình hình nữ CNVC- LĐ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó sẽ có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho chị em tiếp thu, học tập, nâng cao tri thức, trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và gia đình; phát hiện, giới thiệu nữ CNVC-LĐ xuất sắc để đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt và kết nạp Đảng, nhất là nữ công nhân lao động trực tiếp.
Bên cạnh đó, phải tăng cường và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, chế độ đối với lao động nữ; có chế tài xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của lao động nữ; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho những doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ và quan tâm đến quyền, lợi ích của họ; không ngừng chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, nhà ở, nhà trẻ, chăm sóc sức khỏe, giúp phụ nữ tiếp cận các quỹ xã hội, quỹ hỗ trợ tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Làm được như vậy, nữ CNVC-LĐ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phát huy tốt năng lực, trí tuệ, tích cực lao động, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh Yên Bái, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân lao động và tổ chức công đoàn vững mạnh.
Đại Việt
Các tin khác
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, việc nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng ngừa bệnh tật ở trong nước đã có những bước tiến khá dài. Hiện nay, Việt Nam có 30 loại vaccine đang được lưu hành, trong đó có 10 loại được các doanh nghiệp trong nước sản xuất với 16 số đăng ký trên tổng số 77 số đăng ký lưu hành vaccine còn hiệu lực.
Thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến hết ngày 2/11, mưa lũ đã làm 49 người thiệt mạng.
YBĐT - Năm 2007, thôn Khe Hóp, xã Yên Hợp (Văn Yên) được Uỷ ban MTTQ tỉnh chọn làm mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, giảm hộ nghèo không, có tệ nạn xã hội” để nhân ra diện rộng tại các địa phương khác trong toàn tỉnh.
Mưa lũ tại Hà Nội đã làm 18 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại vật chất khoảng 3.000 tỉ đồng. Có 31.517 hộ dân bị ngập, 4.439 hộ dân phải di dời, 52.139 ha lúa và cây vụ đông bị ngập.