Giảng dạy lịch sử địa phương bậc tiểu học: Mong sớm có nguồn tài liệu chính thống!

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2006 - 2007, phần lịch sử địa phương (thuộc nội dung giáo dục địa phương) chính thức được đưa vào giảng dạy ở cấp tiểu học đối với lớp 4 và lớp 5. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một tài liệu chính thống nào phục vụ cho việc dạy và học này.

Giờ học môn Lịch sử của học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái.
Giờ học môn Lịch sử của học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái.

Trong hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện chương trình các môn học cấp tiểu học được gửi tới các trường từ năm học 2006 - 2007, đối với nội dung giảng dạy lịch sử địa phương, chỉ bao gồm những gợi ý sau: "Giáo viên cần thực hiện phân phối chương trình một cách linh hoạt. Cụ thể, không nhất thiết đến các tuần 31, 32 mới giới thiệu nội dung giáo dục địa phương. Nội dung này nên được lồng ghép trong các bài học cụ thể có nội dung liên quan đến địa phương, nếu điều kiện cho phép cũng có thể dạy bài học này trên thực địa, hoặc giáo viên có thể biên soạn một nội dung về lịch sử địa phương với dung lượng tương ứng các tiết học nói trên để giới thiệu".

Thời gian qua, nội dung lịch sử địa phương đã được các trường tiểu học quan tâm đưa vào giảng dạy bằng các hình thức: liên hệ với nội dung bài học, trên thực địa hay trong những tiết học riêng như hướng dẫn. Song nhìn chung, để có được những kiến thức truyền đạt tới học sinh, các thầy cô giáo đã gặp rất nhiều khó khăn.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Lan, Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái cho biết: "Để có được những kiến thức căn bản về lịch sử địa phương trong giảng dạy, chúng tôi đã phải tự tìm tòi, tham khảo rất nhiều tài liệu liên quan. Nhưng ngay việc tìm được những tài liệu này cũng rất khó khăn, chúng tôi phải tìm ở cả thư viện của trường, của tỉnh, hay của cả Ban Tuyên giáo mà nhiều khi cũng chưa tìm thấy được tài liệu theo mong muốn".

Đối với Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, ngay trong việc để có được những nội dung đầy đủ, sâu sắc về chí sĩ yêu nước mà trường mang tên nhằm giáo dục truyền thống cho các em, thầy cô của trường đã phải tìm tòi, sưu tầm nhiều tài liệu từ sách, báo, tài liệu sử địa phương dành cho bậc trung học cơ sở cho đến tra cứu từ internet.

Theo cô Đinh Thị Quỳnh Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng thì: "Việc các thầy cô tự tìm tòi, mày mò tài liệu về sử địa phương là một khó khăn đối với họ, nhất là khi phải tìm nguồn tài liệu trong quỹ thời gian ngoài giờ eo hẹp của một giáo viên tiểu học. Ngoài ra, quả thực, các thầy cô cũng sẽ không thực sự tự tin trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh bằng nguồn tài liệu bản thân tìm kiếm và biên soạn".

Không những khó khăn về tìm kiếm tài liệu, việc tổ chức dạy học lịch sử địa phương tại thực địa cũng không phải là dễ dàng thực hiện đối với nhiều trường. Trên địa bàn thành phố, ngay như đối với Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học có được thuận lợi là gần Khu Tưởng niệm Nguyễn Thái Học nhưng thầy Trần Văn Tần - Hiệu trưởng nhà trường giãi bày: "Quá trình đưa các em đi thực tế đòi hỏi đảm bảo an toàn về mọi mặt, trong khi nhà trường không có phương tiện riêng. Do đó, nếu tổ chức dạy học tại thực địa, chúng tôi chỉ có thể tổ chức từng nhóm nhỏ học sinh nhưng quĩ thời gian dành cho việc này lại không nhiều". Vì vậy, dù rất muốn song nhiều trường khó có thể tổ chức dạy học tại thực địa, nhất là các trường ở xa các khu di tích lịch sử, bảo tàng.

Dạy sử địa phương trong các tiết học riêng vẫn là hình thức giảng dạy phù hợp nhất mà nhiều trường mong muốn, bởi sẽ giúp học sinh có cái nhìn tổng thể, đầy đủ cũng như các thầy cô có điều kiện củng cố kiến thức cho học sinh, mang lại hiệu quả giảng dạy cao. Nhưng nhiều trường cũng cho rằng, việc tự tìm và biên soạn tài liệu lịch sử địa phương cho các tiết học riêng như hiện nay là quá tầm với một giáo viên. Vì vậy, tổ chức dạy lịch sử địa phương trong các tiết học riêng và có một tài liệu chính thống được biên soạn cho việc giảng dạy này là hết sức cần thiết.

Được biết, hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đang xúc tiến việc biên soạn tài liệu cho 2 tiết sử địa phương. Tài liệu này được đưa vào giảng dạy sớm ngày nào sẽ mang lại thuận lợi, hiệu quả cho việc dạy và học lịch sử địa phương ngày đó, góp phần hun đúc lòng tự hào của các em về truyền thống quê hương.

P.V

Các tin khác

YBĐT - "Tùng, tùng, tùng" - tiếng trống vang lên báo hiệu một năm học mới bắt đầu với biết bao niềm vui đang đón đợi. Nhưng trong lòng Hạ Chi lại có một nỗi buồn mênh mang, xa thẳm.

Đó là nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, chuyển đổi phương tiện cho các đối tượng có phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông theo quy định về quản lý xe công nông, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư (NCHMF) cho hay, hiện ở phía bắc đang có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống phía nam và nhiều khả năng bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta từ đêm 6.11.

Ngày 5-11, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo có thêm các sản phẩm bánh kẹo, sữa có melamine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục