Phụ nữ Nghĩa Lộ thi đua thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chị Đường Thị Lứn, bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) cho biết, những năm trước đây là một trong những hộ nghèo do thiếu vốn và kiến thức để sản xuất. Được sự quan tâm của Hội Phụ nữ cho vay vốn và tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn và đào ao thả cá.

Mô hình dệt thổ cẩm được nhiều hộ gia đình chị em lựa chọn để phát triển kinh tế.
Mô hình dệt thổ cẩm được nhiều hộ gia đình chị em lựa chọn để phát triển kinh tế.

Trên diện tích đất lúa 2 vụ, chị tập trung trồng lúa chất lượng cao, riêng vụ đông trồng ngô nếp và tận dụng đất vườn trồng rau màu để bán. Sau 2 năm, chị đã dần trả hết nợ ngân hàng và mua thêm được 1 con trâu cày kéo và lấy phân bón ruộng. Đến nay, mỗi năm chị xuất chuồng trên 2 tấn lợn thịt, gần 5 tạ cá và gia cầm. Lúa 2 vụ chất lượng cao, trồng cây màu vụ đông và chăn nuôi, trừ các khoản chi phí, mỗi năm chị còn dư trên 30 triệu đồng. Từ một hộ gia đình nghèo, chị đã có của ăn, của để, sửa chữa nhà cửa và mua sắm được những vật dụng đắt tiền khác.

Cũng như gia đình chị Đường Thị Lứn, chị Nguyễn Thị Mùi ở tổ 5, phường Pú Trạng là một hộ kinh doanh nhỏ lẻ thiếu phương tiện sản xuất. Năm 2006, chị được Hội Phụ nữ cho vay 7 triệu để đầu tư mua máy làm bánh phở, sau khi mua máy chị mở rộng địa bàn kinh doanh. Đến nay, mỗi ngày chị làm được 3 tạ bánh phở cung cấp cho các quán ăn trên địa bàn thị xã, ngoài ra còn đầu tư và mở thêm dịch vụ cho thuê đồ đám cưới. Do vậy, nhà chị đã tạo thêm việc làm cho 3 lao động, trừ các khoản chi phí mỗi năm còn dư trên 40 triệu đồng. Đó chỉ là một trong nhiều hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất đã được Hội Phụ nữ giúp đỡ vay vốn và kỹ thuật để thoát nghèo theo phong trào thi đua "Phụ nữ vượt khó giảm nghèo, sản xuất kinh doanh giỏi".

Để thực hiện tốt phong trào thi đua này, Hội Phụ nữ thị xã đã điều tra, phân loại tình trạng kinh tế, khả năng và năng lực của các hội viên; hướng dẫn Ban chấp hành hội cơ sở xây dựng sổ sách theo dõi và thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và gia đình hội viên; phát động phong trào thi đua tới từng cơ sở hội và vận động các hội viên đăng ký thi đua, cán bộ hội gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động. Cán bộ Hội đóng vai trò là người tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho các hội viên trong việc sử dụng vốn vay và đầu tư phát triển kinh tế, kế hoạch chi tiêu hiệu quả, tìm đầu ra ổn định cho hàng hóa, giới thiệu việc làm cho hội viên... Ngoài ra, Hội còn tổ chức các buổi sinh hoạt hội viên để tạo điều kiện cho chị em trao đổi những kinh nghiệm hay việc làm tốt trong cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế... góp phần quan trọng thực hiện tốt phong trào.

Để tạo điều kiện vốn sản xuất kinh doanh cho các hội viên, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội rà soát, thống kê hộ vay vốn, trả nợ đúng hạn, đăng ký vay mới. Từ năm 2006 đến nay, số hộ vay tăng 9,2 tỷ đồng với tổng số 2.773 lượt hộ vay. Các hộ được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, không để nợ quá hạn kéo dài. Đến nay, 7/7 xã, phường đều làm tốt công tác vay vốn, góp phần quan trọng giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

Trong sản xuất nông lâm nghiệp, Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp các chị em áp dụng các kỹ thuật tiến bộ, đưa giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, hiệu quả vào sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực cho các hộ, có hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường; chủ động tích cực trồng cây vụ đông, rau an toàn chất lượng cao. Chị em đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần tăng sản lượng lúa, cây trồng vật nuôi và một số cây trồng mới như lúa lai F1 đạt kết quả tốt; ứng dụng kỹ thuật mới như xây bể biogas trong chăn nuôi để giảm ô nhiễm môi trường, vừa có chất đốt và giảm công lao động cho phụ nữ, điển hình như chị Điêu Thị Xiêng, xã Nghĩa An.

Mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng mầu cho thu nhập cao có mô hình gia đình chị Hà Thị Vân xã Nghĩa Lợi, chị Hà Thị Òm ở phường Cầu Thia; mô hình VAC và nghề thủ công của chị Lò Thị Tươi, Hoàng Thị Chỉ ở phường Pú Trạng; mô hình chăn nuôi và làm dịch vụ như chị Đoàn Thị Thảo xã Nghĩa Phúc, Hoàng Thị Thư xã Nghĩa Lợi...

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhiều chị em đã năng động, sáng tạo trong kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em khác và làm giàu chính đáng. Đặc biệt, Câu lạc bộ "Nữ doanh nhân Mường Lò" với 30 thành viên luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định; thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước và tiêu biểu như: chị Vũ Thị Huệ, chị Lù Thị Pầng, Nguyễn Thị Minh ở phường Trung Tâm; chị Nguyễn Thị Minh Quý, phường Tân An; chị Phạm Thị Thảo, phường Pú Trạng... Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã được chị em phát huy, thành lập tổ sản xuất hàng thổ cẩm xã Nghĩa An bước đầu có hiệu quả; duy trì 18 quầy hàng thổ cẩm tại các chợ của các hộ gia đình hội viên đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động.

Với những việc làm và hoạt động cụ thể, thiết thực của chị em phụ nữ trong phong trào "Phụ nữ vượt khó giảm nghèo, sản xuất kinh doanh giỏi" đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo của địa phương; đời sống kinh tế từng bước ổn định và thoát nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể từ 25,1% năm 2006 xuống còn 20,85% năm 2007 và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã xuống còn 17% vào năm 2008.

Nguyễn Đức Phương

Các tin khác

Ngày 5.11, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe.

Tại hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 5 kết thúc hôm 5/11 tại Kobe, Nhật Bản, các đại biểu đã hoan nghênh và ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 tại Hà Nội vào năm 2010.

Bà Nguyễn Thị Minh - cán bộ chuyên trách dân số xã Việt Cường (Trấn Yên) tuyên truyền các biện pháp tránh thai đến người dân trong xã.

YBĐT - Công tác dân số là một việc làm không thể một sớm một chiều là có thể giải quyết được, đặc biệt là công tác dân số ở vùng cao. Những hủ tục, quan niệm lạc hậu đã có ảnh hưởng nhiều đến việc tuyên truyền vận động.

Giờ học môn Lịch sử của học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2006 - 2007, phần lịch sử địa phương (thuộc nội dung giáo dục địa phương) chính thức được đưa vào giảng dạy ở cấp tiểu học đối với lớp 4 và lớp 5. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một tài liệu chính thống nào phục vụ cho việc dạy và học này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục