Nghĩa An: Hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng nhà văn hóa khu dân cư
- Cập nhật: Thứ năm, 8/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hôm nay thôn Nậm Đông 2 - xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức họp thôn để vận động bà con tham gia san gạt làm đường giao thông nông thôn và triển khai sản xuất vụ xuân năm 2009.
Hội phụ nữ thôn Nậm Đông 2 đang luyện tập văn nghệ tại nhà văn hóa.
(Ảnh: Bùi Xuân Đông)
|
Cũng như mọi lần, ông Lường Văn Trực - trưởng thôn là người đến sớm hơn cả để mở cửa, bật điện và mở tăng âm loa đài ở nhà văn hóa để tạo không khí vui nhộn trước buổi họp. Đúng 19h30, căn nhà sàn văn hóa 3 gian bằng gỗ được xây dựng trong không gian thoáng đãng, rộng rãi đã kín người. Tất cả 56 người đại diện cho 56 hộ dân đã đến đủ và ngôi nhà sàn lại tràn ngập tiếng cười, tiếng nói, tiếng hát rộn rã cả xóm núi. Mấy cô, mấy chị còn tranh thủ mang theo vải, chỉ mầu để thêu vỏ gối, chăn đệm và hướng dẫn mẫu thêu mới cho nhau...
Trong những năm trước đây, thôn Nậm Đông 2 cũng như nhiều thôn bản khác trong xã chưa có nhà văn hóa thì việc sinh hoạt chi bộ, họp thôn bản và sinh hoạt văn hóa đều rất khó khăn vì phải đi mượn địa điểm của nhà dân nên cũng có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng triển khai các công việc, đặc biệt là, những việc cần phải giữ bí mật trong nội bộ; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, việc trang trí thông tin tuyên truyền, việc niêm yết các loại giấy tờ cần thiết để nhân dân biết theo Quy chế dân chủ ở cơ sở... đều rất khó khăn. Năm 2006, cùng với một số thôn bản khác, thôn Nậm Đông 2 đã được sự quan tâm của thị xã và sự hỗ trợ của Công ty TNHH Bình Dương đầu tư cho 100 triệu đồng để làm nhà văn hóa, nhân dân trong thôn đã đóng góp ngày công cũng như vật liệu làm nhà trị giá 55 triệu đồng. Sau 3 tháng căn nhà sàn văn hóa rộng rãi 3 gian bằng gỗ đã được khánh thành trong niềm vui và phấn khởi của bà con trong thôn. Đây là một trong những nhà văn hóa thôn đẹp nhất xã. Ông Lường Lãng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: hiện nay trên địa bàn xã có 5 nhà văn hóa, trong đó có 2 nhà văn hóa là nhà sàn bằng gỗ, còn 3 nhà văn hóa là nhà xây. Như vậy, các thôn bản ở khu lẻ, xa trung tâm, dân cư sống rải rác trên địa bàn xã đã có nhà văn hóa thôn, còn lại 4 bản: Đêu 1, Đêu 2, Đêu 3, Đêu 4 cùng sinh hoạt tại nhà sàn văn hóa trung tâm.
Để có được kết quả đó, UBND xã đã chủ động quy hoạch đất dựa trên tổng thể của thị xã; tổ chức thông báo rộng rãi về quy hoạch đất và mục đích sử dụng đất xây dựng nhà văn hóa trong nhân dân để tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong cộng đồng. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nhà văn hóa còn ít nên chủ yếu là dựa vào nguồn kinh phí vận động sự đóng góp của nhân dân. Xã đã tập trung vận động nhân dân đóng góp ngày công từ san gạt mặt bằng, vận chuyển vật liệu, khai thác cát sỏi xây dựng; tranh thủ sự đầu tư, giúp đỡ của doanh nghiệp, của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch nên việc xây dựng nhà văn hóa đã đạt kế hoạch đề ra.
Việc xây dựng nhà văn hóa khu dân cư đã khó, việc quản lý hoạt động của các nhà văn hóa lại càng khó khăn hơn. Để làm được việc đó, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo hợp tác xã trích một phần kinh phí từ quỹ phúc lợi chung để hỗ trợ các nhà văn hóa như: lắp điện chiếu sáng, xây bể nước, xây dựng công trình vệ sinh, mua ấm chén, bàn ghế để phục vụ việc sinh hoạt tại nhà văn hóa; chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng có hiệu quả các loại thiết bị như: ti vi, tăng âm loa đài đã được trang bị...; hướng dẫn các thôn bản chọn cử người quản lý, bảo vệ, huy động nhân dân đóng góp cây que làm rào quản lý, bảo vệ; xây dựng quy chế hoạt động của nhà văn hóa thôn bản; xây dựng lịch, phân công các tổ chức đoàn thể trong thôn bản thường xuyên dọn vệ sinh bảo đảm cho nhà văn hóa các thôn luôn sạch, đẹp. Ngoài ra, một số nhà văn hóa với quy mô rộng, đẹp đã được xã đưa vào kinh doanh, dịch vụ, trưng bày sản phẩm, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống, hoạt động dịch vụ ẩm thực, văn hóa, văn nghệ... là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước như: nhà văn hóa thôn Nậm Đông 2, nhà văn hóa trung tâm xã.
Với những cố gắng, sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong công tác xây dựng, quản lý đảm bảo chất lượng theo quy định, việc đưa vào sử dụng quản lý có hiệu quả nhà văn hóa các thôn bản đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân; công tác thông tin, tuyên truyền được nâng lên một tầm cao mới đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của đề án xây dựng xã Nghĩa An là xã văn hóa giai đoạn 2006-2009.
Nguyễn Đức Phương
Các tin khác
YBĐT - Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, những năm qua, hoạt động khuyến học của thành phố Yên Bái đã góp phần tích cực vào phong trào thi đua “Hai tốt” của thành phố: chất lượng giáo dục được giữ vững, tỷ lệ tốt nghiệp bậc tiểu học và THCS đạt cao, duy trì kết quả PCGDTH và PCGDTHCS trong nhiều năm liền. Hầu hết các bậc phụ huynh đều có nhận thức đúng đắn trong việc chăm lo học hành cho con cháu.
YBĐT - Trong Luật Hôn nhân & Gia đình (HN&GĐ) có quy định là nam từ 20 tuổi và nữ từ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn. Quy định này nhằm đảm bảo cho cả người nam và người nữ đều đã phát triển đầy đủ cả về thể chất cũng như tinh thần thì khi bước vào cuộc sống hôn nhân sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc phát triển nòi giống và duy trì hạnh phúc gia đình.
Trước thông tin một số thuốc ngoại nhập tăng giá, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam cho biết, sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra ngay. Nếu việc tăng giá này là bất hợp lý và chưa được phép của liên bộ Y tế và Tài chính thì doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tự ý tăng giá thuốc sẽ bị xử phạt, thậm chí cục sẽ rút số đăng ký của loại thuốc đó.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm tại Thanh Hoá gây ra trường hợp tử vong một bệnh nhân do nhiễm virus cúm A/H5N1, ngày 7.1, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát gửi công điện đến các địa phương nhằm kịp thời triển khai mọi biện pháp phòng dịch trước và sau Tết Kỷ Sửu.