Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, phóng viên Báo Yên Bái điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Vượng – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo tỉnh Yên Bái về các vấn đề cần quan tâm trong thực hiện chính sách này.

Đồng bào Mông ở xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn giúp nhau dựng nhà. (Ảnh: Thanh Chi)
Đồng bào Mông ở xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn giúp nhau dựng nhà. (Ảnh: Thanh Chi)

- Thưa ông, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nhằm mục đích cùng với việc thực hiện các chính sách của Chính phủ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững, vậy điều kiện để các hộ được hưởng chính sách này là gì?

Theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, đối tượng được hỗ trợ nhà phải là hộ nghèo theo chuẩn quy định tại Quyết định 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010 đang cư trú tại địa phương, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành; hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở; hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định 134/2004/QĐ- TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác. Riêng những hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định của các chính sách, các chương trình khác nhưng nhà ở đã bị sập đổ do thiên tai mà chưa được sửa chữa, xây dựng lại và đối với những hộ gia đình nghèo có công với cách mạng đã có danh sách được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở; Quyết định số 117/TTg về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 118/TTg nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ thì được đưa vào diện đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Quyết định 167/TTg.

- Quyết định 167/TTg quy định diện các hộ thuộc đối tượng này phải là hộ đang cư trú tại khu vực không phải đô thị nhưng với đặc thù của Yên Bái hầu hết các địa phương người dân đô thị vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và còn là hộ nghèo, vấn đề này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào?

Trước hết, để được hưởng chính sách này thì việc bình xét các hộ dân thuộc diện được hỗ trợ nhà ở phải được tiến hành tại cơ sở thôn, bản. Các cuộc họp bình xét phải có sự tham gia của đại diện chính quyền cấp xã, ban giảm nghèo cấp xã, chi bộ Đảng, trưởng thôn, bản và đại diện các tổ chức đoàn thể như: MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... Đối với đặc thù của tỉnh Yên Bái chúng ta xác định rõ thêm đối tượng là các hộ sản xuất nông nghiệp, trừ các phường, thì sẽ tiến hành thống kê các hộ thuộc các thị trấn, ví dụ như thị xã Nghĩa Lộ nếu phường nào có hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở và gia đình họ là hộ sản xuất nông nghiệp thì vẫn chỉ đạo thống kê cả các hộ đó. Về vấn đề này, ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ kiến nghị thêm với Chính phủ.

Việc làm nhà phải phù hợp với phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền, bảo tồn bản sắc văn hoá của từng dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, vậy đối với Yên Bái, chúng ta sẽ lựa chọn hình thức nào để các hộ dân áp dụng thưa ông?

Trên nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng một căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 24m2, tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên, để người dân có được căn nhà phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ theo quy định của Quyết định 167/TTg, Ban chỉ đạo Tỉnh Yên Bái đã chuẩn bị 3 phương án để người dân có thể áp dụng.

Phương án thứ nhất là ngân sách Nhà nước cấp 10 cột bê tông, toàn bộ tấm lợp, tiền mua vật liệu, công kỹ thuật, công vận chuyển..., hộ gia đình san gạt nền, bao che.

Phương án 2 là áp dụng tiêu chuẩn làm nhà cho hộ nghèo theo Công văn số 1097/SXD- QLKT ngày 26/12/2008 của Sở Xây dựng Yên Bái với các thông số kỹ thuật: nhà cấp IV, diện tích xây dựng 34,55m2, diện tích sử dụng 24m2, móng xây gạch chỉ đặc, mái lợp Phibrô xi măng, xà gỗ, nền láng vữa xi măng, trát tường trong, ngoài, giá trị công trình 805.204 đồng/m2.

Phương án 3 là hỗ trợ trực tiếp ngân sách cho hộ nghèo và cộng đồng tổ chức thực hiện, đảm bảo tiêu chí nhà có diện tích tối thiểu 24 m2, thời gian sử dụng trên 10 năm. Về vấn đề này, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc để các hộ lựa chọn hình thức căn nhà, nếu nhà ở hiện tại của hộ nào bộ khung còn tốt thì không nhất thiết phải làm nhà mới mà tiền hỗ trợ làm nhà sẽ vẫn được cấp để tu sửa, nâng cấp nhà ở. Tuy nhiên, dù lựa chọn hình thức nào thì chính quyền địa phương phải giữ vai trò chủ trì trong chỉ đạo thực hiện chính sách này tại cơ sở. Trong thực hiện chính sách này, hộ gia đình có công với cách mạng, hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên giải quyết trước.

- Thưa ông, nguồn lực để thực hiện chính sách này được huy động ra sao?

Thời gian thực hiện Quyết định 167 sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2009 đến 31/12/2011, để hoàn thành đúng tiến độ đề ra thì nguồn lực phục vụ đóng vai trò rất quan trọng, trong thực hiện chính sách này, nguồn lực được xác định như sau: ngân sách Trung ương cấp 6 triệu đồng/ hộ khu vực vùng thấp, 7 triệu đồng/hộ vùng cao, tương tự, ngân sách tỉnh sẽ cấp 1,2 triệu đồng – 1,4 triệu đồng/hộ, Quỹ Ngày vì người nghèo cấp từ 1,2 triệu đồng – 1,4 triệu đồng, cấp huyện đóng góp 1 triệu đồng/hộ, huy động gia đình, cộng đồng khoảng 3 triệu đồng và vay ưu đãi ngân hàng chính sách 8 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ là 5 năm, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn vay.

Hiện nay tỉnh đang chỉ đạo xây dựng 27 căn nhà đầu tiên sẽ hoàn thành vào giữa tháng 3/2009 để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

Thành Trung (thực hiện)

 

Các tin khác

YBĐT - Bản Tà Ghênh hôm nay, trên các nẻo đường, những chùm hoa cúc quỳ nở muộn như muốn góp thêm sắc vàng rực rỡ của năm mới… Hoà vào mùa xuân nơi đây có màu xanh áo lính góp nên mùa xuân tươi thắm.

Chăn nuôi bò là một thế mạnh mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân ở vùng cao.

YBĐT - Với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển”, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2008 - 2013 được tổ chức tại Hà Hội đã thành công tốt đẹp. Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Thị Tuyết Nga - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu nông dân tỉnh Yên Bái tham dự Đại hội.

Xưởng chế biến gỗ rừng trồng ở huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Vào những ngày đầu năm 2009, chúng tôi đã có dịp trở lại thăm huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái). Suốt chặng đường từ chân núi Khau Phạ qua đỉnh đèo lên đến trung tâm huyện lỵ, đâu đâu cũng bắt gặp những khuôn mặt rặng rỡ của bà con người Mông bên đường, trên các sân cỏ vui chơi hội “Gầu tào”. Hoa mận, hoa đào, hoa Tớ dày và hoa chàm đang đua nhau khoe sắc tô thắm núi rừng và gợi một cảm nhận về một mùa xuân đang đến sớm ở nơi vùng cao này.

Các phương tiện đã sẵn sàng phục vụ tết.

YBĐT - Bao giờ cũng vậy, cứ từ 20 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng là nhu cầu đi lại của người dân lại tăng đột biến. Vì vậy, việc phục vụ và quản lý vận tải hành khách trong dịp tết Nguyên đán luôn đặt ra cấp thiết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục