Trường mầm non Bình Minh Vượt khó để dạy tốt

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trường mầm non Bình Minh, xã Động Quan (huyện Lục Yên - Yên Bái) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9/2002. Ngày mới thành lập, nhà trường chỉ có 3 lớp với chưa đầy 40 cháu độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi và 8 giáo viên đứng lớp. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nhận thức của người dân về việc cho con em đến trường còn hạn chế; đội ngũ cán bộ giáo viên thiếu và yếu về năng lực chuyên môn; hệ thống trường lớp tại các thôn, bản lẻ chưa được xây dựng mà chủ yếu vẫn phải học nhờ các hội trường thôn.

Giờ học Luật an toàn giao thông của lớp mẫu giao 5 tuổi, trường mầm non Bình Minh.
Giờ học Luật an toàn giao thông của lớp mẫu giao 5 tuổi, trường mầm non Bình Minh.

Khắc phục mọi khó khăn, cô và trò nhà trường đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác giảng dạy. Đến nay, Trường mầm non Bình Minh đã có 12 lớp với 275 trẻ và 20 giáo viên đảm bảo tốt công tác dạy và học.

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, cô giáo Bùi Thị Nhự - Hiệu trưởng nhà trường kể: “Khi đó, nhà trường chỉ có vẻn vẹn 3 lớp học, tất cả các trang thiết bị như sách vở, bàn ghế không đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Còn bây giờ, cơ bản hệ thống khuôn viên nhà trường đã được xây dựng và tu bổ”. Chỉ sang dãy nhà mới tại khu trung tâm của trường, cô giáo Bùi Thị Nhự cho biết, đây là dãy nhà bếp mới được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2006 bằng nguồn vốn kiên cố hoá trường lớp học, còn dãy nhà cấp 4 bên kia cũng mới được sửa chữa lại từ năm 2007. Hệ thống cơ sở vật chất như: phòng học, các trang thiết bị vui chơi ngoài trời đã được trang bị. Tuy nhiên, nếu để đảm bảo yêu cầu cho công tác giảng dạy thì nhà trường vẫn rất cần sự đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành.

Do đặc thù của xã dân số đông với gần 6.000 khẩu, trên 54% là đồng bào dân tộc Dao, nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhiều gia đình mặc dù con cái đã quá tuổi đi nhà trẻ nhưng vẫn không chịu cho con đến trường. Thường thì mỗi năm nhà trường chỉ huy động được khoảng trên 80% số trẻ ra lớp, sau đó tỷ lệ này giảm dần, nhất là vào mùa nương rẫy. Do vậy, để có học sinh đến lớp, tại khu trung tâm và các phân hiệu lẻ của trường, giáo viên thường phải đến tận nhà để vận động và đưa các em đến lớp.

Với các thầy cô giáo ở đây, giỏi chuyên môn thôi chưa đủ mà còn phải là một cán bộ dân vận tốt để nói sao cho người dân hiểu được lợi ích của việc cho con em mình đi học đúng độ tuổi và đảm bảo duy trì sĩ số đến hết năm học. Bên cạnh đó, việc bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò cũng là một rào cản lớn trong công tác giảng dạy. Bởi, phần lớn giáo viên của trường đều từ miền xuôi lên công tác, do vậy để có thể truyền đạt kiến thức cho các cháu, ngoài chuyên môn, hầu hết các giáo viên đều phải tự mày mò học thêm  từ học sinh của mình để nghe và nói được tiếng Dao nhằm phục vụ tốt cho công tác giảng dạy kiến thức trên lớp. Từ chỗ không mấy mặn mà với việc học chữ, đến nay người dân đã hiểu và cho con em mình đến trường nhiều hơn. Bước vào năm học 2008 – 2009, nhà trường đã huy động được 275 trẻ ra lớp.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng nguồn vốn kiên cố hoá trường học nên một số phòng học đã được đầu tư xây dựng khang trang, khắc phục được tình trạng học nhờ, học tạm trước đây. Cùng với đó, phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp giảng dạy theo tinh thần chỉ đạo chung của ngành giáo dục, ngay từ những ngày đầu năm học 2008 - 2009, nhà trường đã thực hiện ký cam kết với phụ huynh học sinh không vi phạm trật tự an toàn giao thông, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Hai không”...

Nhiều sáng kiến cải tiến trong công tác giảng dạy luôn được Ban Giám hiệu nhà trường phát động tới từng tổ chuyên môn như việc lồng ghép, đưa Luật An toàn giao thông vào dạy trong những giờ học chính khoá; tổ chức các hội thi bé khoẻ bé ngoan với các điểm trường khác; thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Thông qua những hoạt động này chất lượng giảng dạy của trường từng bước được nâng lên. Qua đánh giá, tỷ lệ giáo viên giỏi cấp trường đạt 18%, khá 53%, số giáo viên khá cấp phòng đạt 18%; tỷ lệ bé chuyên cần đạt 97%, bé chăm ngoan 96%; kết quả theo dõi biểu đồ: kênh A đạt 92 %, kênh B đạt 10%.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ giáo viên, Trường mầm non Bình Minh quyết tâm đẩy mạnh phong trào dạy tốt học tốt, xứng đáng với niềm tin yêu, sự gửi gắm của các gia đình. 

                       Thanh  Tân

Các tin khác

YBĐT - Nằm ở độ cao trên 1500m, sâu trong những khu rừng nguyên sinh và cách trung tâm xã trên 7 giờ đi bộ. Làng Lao, xã Cát Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái) từ lâu đã được biết đến là một trong những thôn bản xa xôi, thuộc diện khó khăn nhất của huyện Văn Chấn. Những năm qua, ngoài một số cán bộ xã thỉnh thoảng tới thăm hỏi động viên, vận động nhân dân thì bà con người Mông nơi đây cũng ít khi tiếp xúc với bên ngoài.

YBĐT - Những năm qua, Toà án nhân dân huyện Văn Yên (Yên Bái) đã chủ động trang bị kiến thức cho cán bộ thẩm phán, thư ký, đoàn hội thẩm nhân dân, nâng cao chất lượng công tác xét xử đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trong tâm của Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2006-2010.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải chú trọng việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách người cao tuổi (NCT) trên địa bàn để đảm bảo cho NCT được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước; nếu có vướng mắc phải báo cáo kịp thời các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết.

Rừng đầu nguồn ở Sùng Đô (Văn Chấn) được khoanh nuôi, bảo vệ tốt.

YBĐT - Yên Bái là một tỉnh có diện tích rừng, đất rừng lớn, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác trồng, bảo vệ rừng, song do phong tục tập quán cùng với nhận thức của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế, tình trạng chặt phá, khai thác, xâm chiếm rừng, đất rừng vẫn còn xảy ra. Để công tác quản lý bảo vệ rừng hiệu quả Yên Bái đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ giống, phân bón, quy hoạch vùng phát triển, bảo vệ diện tích rừng ngày một phát triển tốt. Đặc biệt là sau hơn ba năm thực hiện Dự án “Chương trình thí điểm lâm nghiệp cộng đồng”, ý thức của người dân đã được nâng lên, diện tích rừng được bảo vệ tốt hơn rất nhiều.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục