Ngày mới ở Sơn A

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò, xã Sơn A, huyện Văn Chấn được đất trời ban cho những cánh đồng trù phú, màu mỡ, địa hình bằng phẳng; có quốc lộ 32 chạy qua trung tâm xã; đồng bào các dân tộc có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời... Đó là những điều kiện thuận lợi để đồng bào Thái, đồng bào Mường, cùng người Kinh, người Tày, người Hoa ở đây chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Anh Sa Thanh Bình - Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ xã, một người Thái chính gốc kể cho chúng tôi nghe về những đổi thay lớn lao trong đời sống của đồng bào Sơn A: “Đồng bào mình đã không còn hộ đói ăn, đứt bữa mà tích cực lao động sản xuất để thoát nghèo và làm giàu chính đáng". Ông ngậm ngùi nhớ về một thời thiếu cái ăn, cái mặc, một thời đào củ mài, mót sắn ăn độn thay cơm. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giống lúa lai, giống lúa chất lượng cao đã được đưa vào gieo cấy năng suất cao hơn, tổng sản lượng lúa toàn xã mỗi năm đạt trên 1.000 tấn. Vụ đông, đồng bào tích cực trồng ngô, khoai lang, rau đậu. Nhiều hộ đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi với quy mô lớn, chuyển đổi cơ cấu giống đưa cây mướp đắng, cà chua, bắp cải xuống đồng hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự năng động, sáng tạo trong chuyển đổi cung cách làm ăn của đồng bào chính là sự đổi thay lớn lao mang lại cuộc sống mới hôm nay.

Ngược theo quốc lộ 32 thuộc địa bàn xã, mùa này cây vụ đông đang lên kín đất, xanh một màu ngăn ngắt của ngô, của rau bắp cải, cà chua, đậu đỗ các loại. Chị Ngọc Thị Kim Tuyền, người dân tộc Mường là cán bộ văn phòng của xã nhiệt tình đưa chúng tôi vào Gốc Bục. Đây là thôn có kinh tế phát triển khá của Sơn A, tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. Tìm vào nhà Trưởng thôn Đinh Văn Học, anh đi vắng, nhà chỉ có chị vợ và cháu nhỏ. Chị Tuyền và vợ anh Học chào hỏi, chuyện trò bằng tiếng Mường nghe câu được câu chăng. Hai người trao đổi một hồi, chị Tuyền mới quay ra nói: “Anh Học đang ở ngoài đồng”.

Chúng tôi ra đồng tìm anh, đi lòng vòng mãi rồi cũng gặp. Cùng anh đi giữa những đám ruộng ngô đông tốt bời bời, thi thoảng gặp mảnh ngô xấu, cây rụt lại dường như không phát triển, anh Học nói trong tiếc rẻ: “Mọi năm ngô đông ở đây tốt lắm, cây lên đều, bắp to, tiếc là năm nay một số diện tích bà con mua phải phân bón giả nên bón vào ngô không phát triển nữa". Tiếc thật! Vậy là người dân thiệt hại mất hai lần, mất tiền mua phân mà ngô thì không được thu hoạch. Điều này anh Học cũng đã phản ảnh lên chính quyền xã để có ý kiến với ngành chức năng, đồng thời khuyến cáo bà con cần thận trọng khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mua trên thị trường.

Thôn Gốc Bục có 117 hộ, đời sống văn hoá, tinh thần của người dân đã thay đổi đáng kể so với dăm năm về trước. Cả thôn giờ đã có 64 xe máy, trên 80 điện thoại, đây cũng là thôn có diện tích trồng cây vụ ba lớn nhất Sơn A. Hầu như nhà nào cũng trồng ngô đông, một vài hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi, thâm canh thêm các giống cây trồng khác như rau bắp cải, cà chua... Đây là vụ thứ hai gia đình anh Đinh Văn Toàn mạnh dạn trồng 1.000m2 rau bắp cải trên ruộng hai vụ lúa. Anh Toàn cho biết: Vụ đông năm 2007 mặc dù giá rau rẻ, chỉ có 2.000 đồng/kg nhưng tổng thu từ rau bắp cải cũng được khoảng 8 triệu đồng. Tôi nhẩm tính, năm nay rau đắt gấp năm, sáu lần năm ngoái thì ruộng bắp cải của gia đình anh Toàn quả là có giá. Ngay kế bên ruộng bắp cải của gia đình anh Toàn là mô hình trồng cà chua vụ ba của gia đình chị Sa Thị Mẳn. Anh Học giới thiệu: “Năm ngoái ruộng cà chua này tốt lắm, mùa quả chín cứ đỏ cả, không hiểu do năm nay rét sớm hay sao mà cà chua bị táp lá, phát triển chậm hơn". Dầu vậy, nhìn chị Mẳn vẫn vui lắm, chị hồ hởi cho biết: "Năm ngoái gia đình thu hoạch trên 5 tấn cà chua, giá bán chỉ được 3.000 đến 4.000 đồng/kg, nhưng cũng là thắng lớn. Năm nay cà chua kém hơn, nhưng giá bán tại vườn đã được 9.000 đồng/kg, mang đi bán lẻ còn được 12.000 đồng/kg. Mới vài lần hái đã được thu khoảng 2 triệu đồng”. Chỉ những quả cà chua đang chuyển màu vàng, đỏ, chị Mẳn phấn khởi tiếp lời: "Mai thôi là những quả này chín lại được hái rồi đấy, cứ 3 - 4 hôm một lần hái, mỗi lần cũng được 40 -50 kg”. Nguồn thu ấy quả là không nhỏ! Tôi xuýt xoa.

Chia tay chị Mẳn, anh Học, anh Toàn chúng tôi sang Ao Luông 1. Vẫn là một màu xanh của ngô, cây màu vụ đông. Ngay bên đường trang trại nuôi vịt của gia đình chị Nguyễn Thị Thắm hiện ra rất quy mô, khoa học. Mùa này thiếu nước việc chăm sóc đàn vịt thật không đơn giản, nhất là khâu đảm bảo vệ sinh phòng bệnh. Dù vậy, gia đình chị thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm phòng cho đàn vịt, giữ vệ sinh nguồn nước. Thấy nước có biểu hiện ô nhiễm gia đình chị tìm cách tách đàn để đảm bảo môi trường an toàn cho vịt phát triển. Với 4.000 con vịt mùa đẻ trứng, gia đình chị thu 800 - 1.000 quả trứng mỗi ngày... Gia đình chị cũng đã làm hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh về mô hình chăn nuôi quy mô lớn. Đó sẽ là nguồn khích lệ, là sự hỗ trợ thiết thực để mô hình chăn nuôi vịt của gia đình chị Thắm ngày một phát triển, để đồng bào ở Sơn A cũng như người dân trong vùng học tập, làm theo.

Những cánh đồng trù phú, những con người cần cù chịu khó, mạnh dạn chuyển đổi cung cách làm ăn như chị Thắm, chị Mẳn, anh Toàn, hay chị Hiên, chị Chăm ở Bản Viềng và còn nhiều điển hình khác nữa mà tôi chưa có điều kiện đi đến, đã và đang góp phần làm nên diện mạo mới trên quê hương Sơn A. Tình đất, tình người Sơn A đang ngày một đơm hoa kết trái xua đi cái đói, cái nghèo để vươn mình đón mùa xuân mới đầy khát vọng vào tương lai.

Ngọc Tú

Các tin khác
Người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn quây quần bên bếp lửa nghe các nghệ nhân hát sử thi.

YBĐT - Gần mà xa. Nghe tiếng hú to biết là Nghĩa Sơn (Văn Chấn). Năm mới vào thăm lại mảnh đất này. Bây giờ, từ quốc lộ 32, cạnh Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ, tôi như trong mơ, theo chiếc xe truyền hình lưu động YTV của Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, bon bon trên con đường bê tông phẳng lì... Nghĩa Sơn đang ở phía trước, không còn là vùng sâu, vùng xa nữa rồi.

Những đôi bàn tay vàng “Lương y như từ mẫu”. (Ảnh: Lê Bác Đạt)

YBĐT - Năm 2008 - năm có nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn đối với ngành y tế Yên Bái. Mỗi cán bộ, y bác sĩ, nhân viên ngành y tế không khỏi tự hào vì đã vượt lên khó khăn, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Vùng sản xuất chè nguyên liệu gần 2.000 ha.

YBĐT - Đến giữa nhiệm kỳ, Trấn Yên đã và có khả năng hoàn thành 8 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XIX đề ra, đó là: diện tích tre măng Bát độ, mục tiêu 1.000 ha, đến nay trồng được 1.025 ha; duy trì 47.447 ha rừng, độ che phủ đạt 68%, trồng rừng mới đạt 1.889 ha; 82,67% chi, đảng bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh; mỗi năm kết nạp đảng viên mới đạt 111%; 100% thôn bản cơ sở có chi bộ hoặc tổ đảng; diện tích lúa chất lượng cao đạt 1.500/2.000ha; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ xã có bác sỹ, số hộ dùng nước sạch; cơ sở có đoàn thể vững mạnh, tỷ lệ thu hút đoàn viên, hội viên.

Được mùa cam ở Minh An, Văn Chấn.

YBĐT - Trở lại huyện Văn Chấn vào những ngày cuối đông, dừng chân nơi đỉnh đèo bồng bềnh sương trắng, tôi miên man thả hồn mình vào đại ngàn hùng vĩ để tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú, vẻ đẹp riêng có khi đất trời vùng cao vào xuân. Dưới chân đèo, những ngôi nhà xây kiên cố, những cánh đồng lúa, ngô xanh đến mát mắt, gợi cảnh ấm no, hạnh phúc… Những cành đào chúm chím nụ. Những đồi chè nối tiếp nhau trùng trùng đang nảy lộc mới báo hiệu một mùa xuân mới đã về trên quê hương Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục