Yên Bái: Một cái tết an vui

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Niềm vui tràn ngập trên mỗi góc phố, làng quê từ vùng thấp đến vùng cao; từ nông thôn tới thành thị ở Yên Bái bởi các hoạt động văn hoá mừng tết đến, xuân về. Những lo toan đời thường của năm cũ đã nhường chỗ cho niềm vui đón tết để mọi người, mọi nhà có một cái tết Kỷ Sửu an vui.

Múa hát mừng Đảng, mừng xuân. (Ảnh: Quỳnh Nga)
Múa hát mừng Đảng, mừng xuân. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Niềm vui lan toả

Ngay từ ngày 28 tết, tại thành phố Yên Bái mặc dù trời se lạnh, mưa xuân rắc dày, nhưng trên khắp các phố phường rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ vẫn tấp nập dòng người đi mua sắm. Bắt đầu từ sáng 29 tết, trời tạnh ráo, không khí chuẩn bị đón tết càng trở nên sôi động. Ở Nghĩa Lộ, thị xã miền Tây của tỉnh, đêm 29 tết không khí trước năm mới cũng náo nhiệt không kém. Đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Tày, Dao, Mông…ở thị xã Nghĩa Lộ cũng như các huyện lân cận như: Văn Chấn, Trạm Tấu…trong trang phục áo, váy sặc sỡ đổ về xem lễ hội “Đón chào xuân mới”.

Người dân Nghĩa Lộ cảm nhận, chưa có năm nào được thưởng thức không khí văn nghệ sớm và vui tươi như đón xuân này. Với 2 phần chính là “Sắc thái miền Tây” và “Vòng xoè bất tận”, trên 1000 diễn viên, nghệ nhân văn nghệ quần chúng với những vòng xoè và múa sạp, lời ca, tiếng hát rộn rã đã thể hiện sinh động sắc thái văn hoá của các dân tộc anh em trên quê hương Yên Bái. Bên cạnh đó còn có thêm nhiều tiết mục văn nghệ, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương Yên Bái, cũng như tình đoàn kết của các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Ngày 30 tết, người dân thành phố Yên Bái bên cạnh việc chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa, mọi người còn háo hức ra Quảng trường 19/8 và Công viên Yên Hoà từ rất sớm để xem chương trình truyền hình trực tiếp với chủ đề “Yên Bái mừng xuân, mừng Đảng” thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc cũng như phim tài liệu và thả đèn trời, bắn  pháo hoa chờ đón giao thừa. Sống trong âm sắc của những giờ phút thiêng liêng trước thềm xuân mới, trên gương mặt mỗi người ai cũng trào dâng hạnh phúc.

Những tiết mục văn nghệ làm ngắn đi khoảng thời gian chờ đón giao thừa. Và giờ phút thiêng liêng đã đến, trời đất giao hoà, những chiếc đèn trời vụt bay cao và những chùm pháo hoa muôn hồng ngàn tía toả sáng một khoảng trời giữa trung tâm thành phố. Biết bao ánh mắt và nụ cười hân hoan đón niềm vui hạnh phúc. Rồi những dòng người tấp nập rời Công viên Yên Hoà, hồ Hào Gia trở về nghe Chủ tịch nước Trần Đức Lương chúc tết rồi xông nhà và chúc mừng nhau những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới với nhiều niềm tin và hi vọng. Ngay sau đón giao thừa nhiều người đã đi lễ đầu năm để cầu sức khoẻ, tài lộc và bình an cho năm mới.

Cả ngày 30 và sáng mùng 1 tết ở thành phố Yên Bái trời có mưa phùn và rét đậm nên người đi lại thưa vắng. Bắt đầu từ trưa mùng 1, cả ngày mùng 2 và mùng 3 tết, trời hửng nắng và ấm dần đem lại thời tiết dễ chịu hơn. Để người dân đón tết, vui xuân lành mạnh, trong dịp tết này, ngành văn hoá đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ quần chúng như: thi giọng hát hay về mùa xuân tại Câu lạc bộ Hát với nhau cũng như sinh hoạt câu lạc bộ cờ tướng, thơ…diễn ra trong suốt những ngày vui đón xuân. Điều đáng ghi nhận là người dân đã thực hiện tốt Chỉ thị của Chính phủ về cấm tàng trữ, buôn bán và đốt pháo nổ nên trên khắp địa bàn thành phố không có tiếng pháo tép đì đẹt  trên đường phố.

Tết này, người dân đón tết an vui không chỉ bởi những hoạt động văn hoá vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm mà có lẽ càng tự hào hơn là sau một năm đầy khó khăn do thiên tai, lũ lụt, không ít gia đình lâm vào cảnh khó khăn đều có tết. Sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhà hảo tâm không chỉ thăm hỏi mà với những việc làm thiết thực đã giúp nhiều hộ gia đình ở các xã chịu thiệt hại do lũ như: Phúc Lộc (thành phố Yên Bái); Lâm Giang, Đông Cuông (Văn Yên) hay Lâm Thượng, Động Quan (Lục Yên)… có tết và được đón tết trong những ngôi nhà mới. Những công nhân, nông dân nghèo cùng với sự tương trợ của Nhà nước, tỉnh, đơn vị, cơ quan, cũng đều tự lo được một cái tết tươm tất.

Để tết sau vui hơn

Vậy là một cái tết an bình, vui vẻ, tiết kiệm đã đi qua nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận lại những gì không đáng có. Tục thả cá chép cúng ông Táo về trời là một nét đẹp văn hoá truyền thống, nếu biết phát huy sẽ góp phần làm trong sạch môi trường. Nhưng  nhiều người dân ở khu vực thành phố Yên Bái ngày 23 tháng Chạp vẫn chẳng khác mọi năm, cúng ông Táo sau khi thả cá chép tại các hồ ở Km5 quanh khu vực Hào Gia, Quảng trường 19/8, Cung thiếu nhi.. cũng như công viên Yên Hoà vẫn vứt túi ni lon bừa bãi vừa gây mất mỹ quan cũng như ô nhiễm môi trường. Nhiều người đã nêu kiến nghị rằng: “Sao Công ty Công trình và Môi trường đô thị thành phố không để tại các hồ công viên những thùng rác để người dân bỏ túi ni lon có đỡ công dọn dẹp?”.

Còn nữa, hái lộc cũng là nét đẹp truyền thống của dân tộc. Xưa, người ta thường đến các đền, chùa hay giếng nước hái một lộc nhỏ cầu may nhưng nhiều tết trở lại đây cũng như tết này, nhiều người đi hái lộc cứ nhằm vào các cây cối ở gần kho bạc, ngân hàng bẻ cành phá cây, nghĩ rằng hái lộc ở đây sẽ có nhiều tiền bạc trong năm mới khiến cây cối xác xơ, trụi cành trơ cội, chỉ khổ cho các nhân viên bảo vệ các cơ quan này trong đêm 30, khi giao thừa đến.

Không những thế, nhiều nam thanh, nữ tú ngày tết biến thành những "anh hùng xa lộ" lạng lách, đánh võng bất chấp đèn xanh đèn đỏ mặc dù cảnh sát giao thông đã phải căng hết lực lượng ra hoạt động nhưng…không xuể. Người nghiêm chỉnh thấy cảnh ấy thì đều lắc đầu, lè lưỡi nói với nhau: “Tốt nhất, những lúc ấy thì đừng đi ra đường kẻo mang vạ vào thân!”. Nói là vậy nhưng biết lúc nào là lúc ấy, bởi ai mà chẳng phải tham gia giao thông trên đường. Chỉ mong mỗi bạn trẻ, mỗi người dân nâng cao hơn nữa ý thức tham gia giao thông, đặc biệt trong những ngày vui tết đón xuân. Còn nữa, cảnh họp chợ bừa bãi trên các tuyến đường giao thông vào dịp tết vẫn là căn bệnh nhờn thuốc khó chữa.

Một cái tết an vui, tiết kiệm, nhưng cũng vẫn còn những điều phải suy ngẫm, bàn luận đã đi qua. Hy vọng trong những ngày vui tết đón xuân năm sau, chúng ta sẽ khắc phục các hạn chế, giữ gìn nét đẹp để mọi người, mọi nhà được hưởng trọn vẹn cái tết tiết kiệm, an vui!

Minh Đức

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa ban hành hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có mức lương thấp, đời sống khó khăn và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc năm 2009.

YBĐT - 5 tháng sau cơn lũ lịch sử tràn qua làng Đung Hạ, xã An Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái), cuộc sống người dân đã dần đi vào ổn định. Mặc dù dấu vết của lũ quét vẫn còn hiện hữu trên trên những cánh đồng, trong mỗi thôn xóm và trong cả tâm trí người dân nhưng tình làng nghĩa xóm, sự quan tâm của các cấp, các ngành trong huyện, trong tỉnh đã giúp nhiều gia đình đón tết Kỷ Sửu trong sự yên vui, đầm ấm.

YBĐT - Nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò, xã Sơn A, huyện Văn Chấn được đất trời ban cho những cánh đồng trù phú, màu mỡ, địa hình bằng phẳng; có quốc lộ 32 chạy qua trung tâm xã; đồng bào các dân tộc có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời... Đó là những điều kiện thuận lợi để đồng bào Thái, đồng bào Mường, cùng người Kinh, người Tày, người Hoa ở đây chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn quây quần bên bếp lửa nghe các nghệ nhân hát sử thi.

YBĐT - Gần mà xa. Nghe tiếng hú to biết là Nghĩa Sơn (Văn Chấn). Năm mới vào thăm lại mảnh đất này. Bây giờ, từ quốc lộ 32, cạnh Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ, tôi như trong mơ, theo chiếc xe truyền hình lưu động YTV của Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, bon bon trên con đường bê tông phẳng lì... Nghĩa Sơn đang ở phía trước, không còn là vùng sâu, vùng xa nữa rồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục