Hội Nông dân thành phố Yên Bái: Nhân tố quan trọng giúp hội viên vươn lên làm giàu
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2008, do những diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết, giá cả thị trường có nhiều biến động, giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân trên địa bàn thành phố Yên Bái. Song, với sự chỉ đạo chặt chẽ của Thành uỷ, sự điều hành của UBND thành phố và những nỗ lực của các cấp hội nông dân cũng như hội viên đã nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống và góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
![]() |
Gia đình ông bà Tĩnh Xuân ở xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) trồng rau an toàn để cung cấp cho các nhà hàng và trường học ban trú.
(Ảnh: Hoàng Nhâm)
|
Để vượt qua các giai đoạn khó khăn nhất trong năm qua, còn phải kể đến ý thức, sự nỗ lực của chính những người nông dân, những hội viên tích cực trên đồng ruộng, đoàn kết giúp đỡ nhau trong việc khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất. Trong đó, các hội viên nông dân đã tiến hành cấy lúa lại toàn bộ diện tích bị thiệt hại; chuyển đổi toàn bộ diện tích không trồng được lúa sang trồng ngô và các loại rau, màu khác; tập trung chăm sóc và thu hái gần 700 ha chè kinh doanh, tiếp tục tăng diện tích chè giống mới theo kế hoạch năm 2008 đã đề ra là 12 ha trên địa bàn các xã Tân Thịnh, Minh Bảo và các xã mới chuyển về từ huyện Trấn Yên; duy trì trồng và chăm sóc diện tích rau an toàn tại xã: Tân Thịnh, tiếp tục tăng diện tích rau xanh tại các xã: Văn Phú, Phúc Lộc, Giới Phiên, Hợp Minh; phát triển mạnh mô hình trồng các loại nấm Linh chi, nấm sò và mộc nhĩ; đầu tư trồng lại và chăm sóc hoa tươi tập trung và phân tán ở các xã, phường: Tuy Lộc, Tân Thịnh, Yên Ninh, Yên Thịnh; các hộ gia đình nuôi, trồng thuỷ sản tại 11 xã, phường cũ của thành phố đã tiếp nhận cá giống được hỗ trợ để tiếp tục phát triển; các mô hình trang trại tổng hợp ở các xã Nam Cường, Minh Bảo, Hợp Minh, Âu Lâu tiếp tục đầu tư mở rộng và phát triển...
Trong những cố gắng trên, Hội Nông dân thành phố đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào giúp cho người nông dân đổi mới tư duy phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất kinh doanh. Hội đã phối hợp tổ chức 54 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt cho 2.216 lượt hội viên tham gia; phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh- Xã hội mở 3 lớp dạy nghề cho 90 hội viên về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản ở Nam Cường, kỹ thuật chăn nuôi và công tác thú y tại xã Tân Thịnh, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc ngô, đậu, đỗ...
Đồng thời, để hỗ trợ cho các hộ hội viên có điều kiện đầu tư và phát triển sản xuất, tăng thu nhập, các cấp hội tiếp tục nhận, ký uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh vay vốn cho hội viên đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, tổng số dư nợ của tổ chức hội nông dân quản lý là trên 13 tỷ đồng cho 1.152 lượt hội viên vay. Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 2308 với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp hội cơ sở đã thành lập mới được 1 tổ vay vốn với 15 người vay, số tiền 70 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ sở hội có thể thế chấp tài sản vay vốn tại các điểm giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Yên Bái với số lượng vốn lớn để đầu tư phát triển sản xuất. Hội còn duy trì, quản lý vốn vay từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là 360 triệu đồng đầu tư cho sản xuất chế biến đũa gỗ xuất khẩu và chế biến chè.
Các cấp hội cơ sở còn năng động, sáng tạo trong việc tạo điều kiện cho hộ hội viên phát triển kinh tế như: cung ứng phân bón trả chậm, giúp nhau vay vốn, giống và vật tư không lãi... Điển hình như Hội Nông dân xã Văn Tiến đã đứng ra vay vốn ngân hàng mua phân bón và vật tư nông nghiệp về cung ứng trả chậm cho hội viên. Cá nhân hội viên Vũ Hữu Lê ở phường Hồng Hà đã đầu tư cho Hội Nông dân xã Nam Cường 1 máy chế biến chè trị giá 10 triệu đồng và cung cấp 2 tấn gừng giống cho hội viên nông dân trồng. Hiện nay, ông Lê còn sản xuất bịch nấm các loại cung cấp cho người có nhu cầu trồng nấm trên địa bàn. Hội viên Nguyễn Văn An ở xã Tân Thịnh đã ứng dụng hệ thống tưới phun mù và rau sạch đạt năng suất cao, đảm bảo cung ứng rau an toàn cho thị trường...
Qua những kết quả nêu trên cho thấy, Hội Nông dân thành phố đã tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy người nông dân từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ đó đã vinh dự được Hội Nông dân tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2008. Năm 2009, Hội Nông dân thành phố Yên Bái phấn đấu góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 15,3- 15,5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,32% (tiêu chí cũ) và có 85% hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Ngay sau khi có Đề án xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX) giai đoạn 2005 – 2010 trên địa bàn, huyện Trạm Tấu đã xây dựng kế hoạch và thành lập ban chỉ đạo thực hiện CQGVYTX do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Phòng Y tế huyện là đơn vị thường trực; các ban ngành, đoàn thể trong huyện làm thành viên. Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND huyện đã đưa vào nghị quyết và UBND huyện xây dựng kế hoạch giao cho các phòng, ban, các xã thực hiện.
YBĐT - Các doanh nghiệp đã quan tâm, chú trọng đầu tư kinh phí cho công tác ATVSLĐ, điều kiện làm việc của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái và cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng được cải thiện. Trong năm, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức 33 lớp huấn luyện ATVSLĐ-PCCN cho trên 3.420 người sử dụng lao động và người lao động.
![](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/51485_13-2 sua.jpg)
Hôm nay (13/2), Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phải có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế về sữa kém chất lượng
Sáng 12.2, Bộ Công an tổ chức họp báo thông báo phát động cuộc thi báo chí về đề tài an ninh trật tự năm 2009-2010.