Nhìn lại 10 năm hoạt động của Tổ hoà giải ở cơ sở

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với mục tiêu thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đặc biệt nhằm giảm bớt các vụ khiếu kiện, xét xử tại toà án, trong 10 năm qua, các tổ hoà giải trên toàn tỉnh đã thụ lý gần 20 nghìn vụ việc. Trong đó, tổng số các vụ việc về hoà giải là 17.661 vụ, số việc hoà giải thành là 15.148 vụ, đạt 85%.

Các vụ việc chủ yếu là mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình về quan niệm sống, lối sống hoặc vụ việc tranh chấp nhỏ giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng về đất đai, đường đi, lối lại... trong cộng đồng dân cư. Hoạt động của các tổ hoà giải cơ sở với 85% số vụ hoà giải thành đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, củng cố, giữ vững sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư cũng như tình làng nghĩa xóm.

Hoạt động hoà giải ở cơ sở đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, vì thế các tổ hoà giải đã được thành lập ở hầu hết các thôn bản, tổ dân phố và các cụm dân cư. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 2.259 tổ hoà giải cơ sở với 10.726 tổ viên. Số lượng bình quân trên mỗi tổ hoà giải là 5 người, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có 13 tổ hoà giải cơ sở.

Từ khi có Pháp lệnh về Tổ chức và Hoạt động hoà giải ở cơ sở, hoạt động hoà giải đã phát triển sâu rộng hơn và đạt hiệu quả cao hơn, thể hiện qua các vụ việc hoà giải thành tăng. Đội ngũ làm công tác hoà giải đã có sự phát triển rộng khắp cả về số lượng và chất lượng. Đây cũng là những người có kinh nghiệm, có uy tín trong cộng đồng và am hiểu các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... Khi có vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn, tổ hoà giải với vai trò, trách nhiệm của mình đã đứng ra giải thích, thuyết phục, xoa dịu tình hình bằng lý lẽ trên cơ sở quy định của pháp luật để đôi bên có thể hiểu ra vấn đề mà đi tới thoả thuận hợp lý, hợp tình. Các vụ việc được các tổ hoà giải thụ lý chủ yếu là lĩnh vực hôn nhân gia đình chiếm 11%, về dân sự chiếm 16%, về đất đai chiếm 21%, các lĩnh vực khác chiếm 37%. Trung bình một năm hoà giải thành 1.514/1.766 vụ việc đạt 85%.

Để hoạt động hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả, Sở Tư pháp và Uỷ ban  Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã xây dựng Chương trình phối hợp về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hoà giải ở cơ sở. Chương trình phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ các cấp, phòng tư pháp các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch, chủ trì việc tổ chức triển khai công tác tuyên truyền và hoà giải ở cơ sở đồng bộ, kịp thời góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội ở cơ sở.

Đồng thời, Sở Tư pháp cũng đã tổ chức tập huấn về nghiệp vụ công tác hoà giải ở cơ sở tại các huyện: Văn Chấn, Lục Yên, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ. Qua đó, đội ngũ hoà giải viên, cán bộ làm công tác tư pháp, hộ tịch đã được trang bị, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hoạt động hoà giải ở cơ sở, có cơ hội tiếp xúc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoà giải qua đó tạo sự chuyển biến tích cực nhằm tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như công tác hoà giải ở cơ sở.

Có thể nói, công tác hoà giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết các dân tộc của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một nội dung gắn bó chặt chẽ trong việc xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở khu dân cư. Qua 10 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Hoà giải ở cơ sở, toàn tỉnh đã xây dựng được đội ngũ hoà giải viên rộng khắp. Các hoà giải viên ngày càng có kinh nghiệm, kỹ năng trong việc giải quyết những tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giúp giải quyết kịp thời, tại chỗ những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, không để những mâu thuẫn, tranh chấp đơn giản trở thành phức tạp, ngăn ngừa mầm mống phát sinh tội phạm hình sự, tranh chấp phức tạp về dân sự và các vi phạm pháp luật khác, hạn chế đơn thư khiếu nại của nhân dân; tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc của Nhà nước và nhân dân; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn trật tự kỷ cương xã hội; tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát huy dân chủ và thực hiện công bằng xã hội ở cơ sở. Hoạt động hoà giải ở cơ sở còn góp phần vào việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá... Đặc biệt, góp phần hiệu quả vào việc phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, từng bước nâng cao ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật của nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động hoà giải ở cơ sở còn gặp một số khó khăn đặc biệt là ở địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Phần lớn thành viên của tổ hoà giải là những già làng trưởng bản có uy tín trong dòng họ và cộng đồng, song trình độ am hiểu pháp luật hạn chế, thậm chí có những người còn không biết chữ, sẽ là một cản trở; việc mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các tuyên truyền viên, thành viên tổ hoà giải chưa được tổ chức thường xuyên; việc trang bị tài liệu tuyên truyền, sách pháp luật chưa được đầy đủ hay các điều kiện vật chất khác và nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt đồng hoà giải còn hạn hẹp... Những trở ngại này cần được nhìn nhận, điều chỉnh kịp thời để hoạt động hoà giải ở cơ sở phát huy tốt hiệu quả trong đời sống xã hội.

Hải Anh

Các tin khác
Lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Yên Bái kiểm tra các trang thiết bị phục vụ công tác điều trị về mắt mới được đầu tư.

YBĐT - Bệnh dại đã và vẫn tồn tại nhiều năm qua tại Yên Bái. Các huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái đang là những nơi có ổ dịch dại lưu hành.

Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ ông Nguyễn Văn Sự ở tổ 35, phường Đồng Tâm.

Phường Đồng Tâm: Làm mới 18 nhà Đại đoàn kết/ Ra mắt nhà sàn văn hóa dân tộc Thái

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ

Năm 2009, cùng với kỷ niệm các sự kiện chính trị của đất nước, tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức kỷ niệm 3 ngày lễ lớn là 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 100 năm Ngày thành lập tỉnh và 60 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh.

YBĐT - Đã 50 năm trôi qua, kể từ khi Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Yên Bái đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ luôn khắc ghi lời Người để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Để chính sách đi sâu vào cuộc sống, Nghĩa Lộ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân các tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục