Yên Bái: Vì sao tốc độ giảm nghèo năm 2008 suy giảm ?

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2008 là năm thứ 3 tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện đề án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và đã huy động được 1.006 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, đạt 116% kế hoạch năm. Bằng nguồn lực này, chương trình đã thực hiện nhiều chính sách, dự án, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thu nhập bền vững, nâng cao năng lực cán bộ giảm nghèo, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo, vùng nghèo, hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo phát triển bền vững...

Nhờ đó, đã đưa số hộ nghèo toàn tỉnh năm 2008 giảm từ 40.043 hộ xuống còn 36.347 hộ, tương ứng giảm từ 24,16% xuống còn 21,31%. Song, với với tỉ lệ hộ nghèo giảm 2,85% như vậy đã không đạt chỉ tiêu giảm 4% đặt ra năm 2008 của chương trình và suy giảm so với hai năm trước.

Việc số hộ nghèo giảm chỉ đạt 71,25% kế hoạch đặt ra, trước hết phải kể đến nguyên nhân hộ nghèo phát sinh mới trong năm qua nhiều. Đợt rét đậm rét hại kéo dài đầu năm 2008 với nhiều thiệt hại nghiêm trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa đã làm phát sinh 310 hộ nghèo ở Trạm Tấu, 462 hộ ở Mù Cang Chải, 661 hộ ở Văn Chấn, 108 hộ ở Nghĩa Lộ... Tiếp đó, đợt lũ lụt do cơn bão số 4 hồi tháng 8 - 2008 đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của, tiếp tục làm phát sinh thêm nhiều hộ nghèo ở các địa phương (Yên Bình phát sinh 625 hộ, Văn Yên 752 hộ, Lục Yên  741 hộ, Trấn Yên 598 hộ). Vì vậy, tuy các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo đã giúp cho 8.247 hộ nghèo với 37.723 khẩu thoát nghèo, nhưng lại có tới 4.539 hộ với 18.374 khẩu nghèo mới phát sinh. Mặt khác, việc điều chỉnh địa giới hành chính (Trấn Yên tách 7 xã, thành phố Yên Bái sáp nhập 6 xã, Yên Bình sáp nhập 1 xã) cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu giảm nghèo của các địa phương.

Năm vừa qua còn là năm chịu ảnh hưởng của lạm phát kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng tăng 150%, làm ảnh hưởng đến sức mua của đồng tiền, người dân gặp khó khăn trong mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày cũng như đầu tư phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất... làm ảnh hưởng tiêu cực đến lao động, sản xuất và đời sống của người dân, nhất là hộ nghèo.

Ngoài những yếu tố khách quan trên thì quá trình thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo có nơi, có phần chưa hiệu quả. Công tác chỉ đạo điều hành chương trình giảm nghèo nhìn chung đã được nâng cao một bước bằng việc kịp thời kiện toàn lại ban chỉ đạo từ cấp tỉnh cho đến cơ sở để phù hợp với tình hình mới. Trong ban chỉ đạo đã có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành thành viên theo dõi, giám sát các địa phương trong triển khai thực hiện chính sách, dự án giảm nghèo. Song, bệnh quan liêu, hình thức trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai công tác giảm nghèo vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: qua kiểm tra một số xã cho thấy, các xã khi xây dựng kế hoạch giảm nghèo năm 2008 đề ra tỷ lệ giảm nghèo chung chung, không chỉ ra địa chỉ cụ thể hộ nghèo nào cần tập trung giúp đỡ thoát nghèo trong năm; không phân công cá nhân, đoàn thể trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo, đặc biệt là không có sự ưu tiên hỗ trợ cho vay hộ nghèo. Ban chỉ đạo giảm nghèo của nhiều xã buông lỏng chức năng quản lý Nhà nước về chính sách đối với hộ nghèo; không tham gia xét duyệt danh sách hộ đề nghị vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn cho vay người nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội. Chính sách ưu đãi tín dụng được coi là một trong những nguồn lực to lớn, hiệu quả nhất để hộ nghèo có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; tuy nhiên, qua kiểm tra điểm ở một số xã thì tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn rất thấp, chỉ đạt bình quân 17,53%. Như vậy, số hộ nghèo được tiếp cận với chính sách này còn ở mức thấp chứ chưa nói gì đến chuyện sử dụng hiệu quả đồng vốn vay để thoát nghèo.

Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến cho tốc độ giảm nghèo có xu hướng chững lại là do chủ thể giảm nghèo là các hộ nghèo hiện nay đang là nhóm dân cư có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất, trong đó phải kể đến vấn đề nhận thức và trình độ dân trí. Theo kết quả điều tra xã hội học thì hầu hết đồng bào nghèo không quan tâm đến đời sống kinh tế - chính trị đang diễn ra hiện nay; có 16,25% người không biết đến tên chủ tịch xã mình; 43,25% người không biết xã mình có bao nhiêu thôn bản; 85,7% hộ nghèo không biết chuẩn nghèo quy định ở địa phương như thế nào; 46,2% hộ nghèo không bao giờ phát biểu ý kiến trong các cuộc họp thôn, bản; 70,2% hộ nghèo nói chưa bao giờ được hỗ trợ tín dụng ưu đãi; chỉ có 48,25% hộ nghèo có nhu cầu được học nghề; 23% hộ nghèo không xác định được hướng thoát nghèo cho gia đình mình... Những hạn chế về nhận thức, trình độ dân trí và sự thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo của bản thân hộ nghèo cũng đã làm giảm hiệu quả nhiều chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.

Giảm 4% hộ nghèo vẫn là mục tiêu tiếp tục được đặt ra trong năm thứ tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, tương ứng với trên 6000 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,31% hiện nay xuống còn 17,31% cuối năm 2009. Để đạt được mục tiêu này, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân cần tiếp tục tuyên truyền thường xuyên, liên tục sâu rộng công tác giảm nghèo, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có việc làm phát huy khả năng của bản thân, nỗ lực phấn đấu vượt qua đói nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Việc xây dựng và giao kế hoạch giảm nghèo cho các huyện, thị xã, thành phố phải sát với yêu cầu thực tế.

Trên cơ sở đó, bố trí nguồn nhân lực, tăng cường sự chỉ đạo thực hiện của các cấp uỷ, chính quyền và các ngành, huy động sức mạnh của toàn dân tích cực tham gia xoá đói giảm nhèo. Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp phải tiếp tục chỉ đạo đôn đốc thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, vùng nghèo theo kế hoạch năm, phấn đấu huy động nguồn lực kinh phí vượt chỉ tiêu đặt ra. Đồng thời, triển khai Đề án phát triển kinh tế, xã hội của huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải theo chương trình hỗ trợ 61 xã nghèo toàn quốc của Chính phủ...

P.V

Các tin khác

YBĐT - Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Tư lệnh Quân khu II, cùng với lực lượng vũ trang trong cả nước, sáng 1/3/2009, tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái tổ chức lễ ra quân huấn luyện năm 2009 và phát động phong trào thi đua đột kích. Tới dự có Đại tá Nguyễn Văn Tuấn- Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu II, chỉ huy các đơn vị trực thuộc.

YBĐT - Thời gian gần đây, nhất là từ sau tết Nguyên đán, Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái liên tục tiếp nhận những bệnh nhân bị sốt phát ban dạng sởi. Điều đáng nói là đã có bệnh nhân được xác định có dương tính với sởi.

YBĐT – Sau khi vừa ăn xong, cả 3 người đều thấy đầu óc quay cuồng, ngã vật ra đất, sùi bọt mép. Ông An cố sức gọi được người cháu nhà ở gần đó là anh Vi Văn Hiện sang.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà nhận 25 bộ máy tính từ Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hương Trà.

YBĐT - Sáng 28/2, Đoàn công tác của Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hương Trà đã lên thăm và trao tặng 25 bộ máy vi tính cho các em học sinh trường PTCS dân tộc nội trú xã Mường Lai, huyện Lục Yên. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Yên Bái, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chân trọng đón tiếp đoàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục