Xác định lại dân tộc: Băn khoăn một chút cội nguồn
- Cập nhật: Thứ tư, 4/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Dân tộc - hai tiếng thiêng liêng nói lên dòng giống và cội nguồn của con người. Mỗi một người, từ khi sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời đều mang trong mình dòng máu của dân tộc mình, ông bà tổ tiên mình và đó cũng là niềm tự hào của bản thân mỗi chúng ta.
Thiếu nữ Mông
|
Hiện nay, cả nước có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm tỉ lệ lớn nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sau đó đến các dân tộc Tày, Thái, Nùng, Mường, Dao, Mông... Do những nguyên nhân lịch sử, xã hội và điều kiện hoàn cảnh tự nhiên nên các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau. Các dân tộc sống ở vùng thấp có trình độ phát triển kinh tế- xã hội cao hơn các dân tộc thiểu số, ít người sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt có những dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế - xã hội còn thấp kém do ở địa bàn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khó khăn, điều kiện canh tác nương rẫy không ổn định nên đời sống của đồng bào thường bấp bênh. Cuộc sống du canh du cư thường dẫn đến đói nghèo, bệnh tật. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Lời khẳng định trên như một chân lý vững chắc nhằm đảm bảo tất cả các dân tộc đều được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo để có đời sống kinh tế - xã hội ổn định, trình độ văn hoá - giáo dục đồng đều, con em các dân tộc thiểu số đều được cắp sách đến trường, được chăm sóc đầy đủ và toàn diện về thể chất cũng như tinh thần.
Quán triệt sâu sắc lời dạy trên, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều văn bản pháp luật quy định về các chế độ ưu tiên, ưu đãi đối với các dân tộc thiểu số, đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng cao, vùng xa, trong đó có quy định về quyền được xác định lại dân tộc được nêu tại Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định 158/2005/NĐ - CP. Trong đó, một người có quyền được xác định lại dân tộc của mình theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ. Sở dĩ Nhà nước ta cần ban hành các quy định về xác định lại dân tộc bởi trên thực tế, do sống gần nhau, các dân tộc ngày càng có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi về kinh tế - văn hoá, giáo dục - xã hội nên chuyện người dân tộc này kết hôn với người dân tộc khác càng ngày càng phổ biến. Nhưng không hiểu vì lý do gì, có thể do suy nghĩ mặc cảm, thành kiến hay vì một lý do nào đó mà một số không ít các bậc cha mẹ khi đăng ký khai sinh cho con lại thường đăng ký dân tộc Kinh của cha hoặc mẹ, khi trường hợp người cha mang dân tộc khác.
Trước kia, thẩm quyền xác định lại dân tộc là thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi công dân có hộ khẩu thường trú, do việc đi lại xa xôi, khó khăn nên thường không phát sinh nhiều vụ việc. Nhưng hiện nay, theo quy định của Nghị định 158/2008/NĐ - CP thì thẩm quyền xác định lại dân tộc được chuyển giao cho ủy ban nhân dân cấp huyện nơi công dân đăng ký hộ khẩu thường trú. Đây là một quy định mới nhằm chuyển giao bớt thẩm quyền cho cấp cơ sở để giúp nhân dân có thể thực hiện quyền lợi của mình một cách thuận tiện, nhanh chóng hơn. Chính vì các yếu tố trên cộng với việc con em các dân tộc thiểu số, đặc biệt các dân tộc thiểu số sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm và các chế độ ưu tiên, ưu đãi của Đảng và Nhà nước, nên từ năm 2005 đến nay, tức là từ khi Nghị định 158 có hiệu lực thi hành thì số lượt công dân đến ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị được xác định lại dân tộc tăng mạnh.
Có thể khẳng định rằng, xác định lại dân tộc là một yêu cầu chính đáng để mọi công dân có thể hưởng các quyền lợi, ưu tiên Nhà nước dành cho. Nhưng có một thực tế mà không biết nên buồn hay nên vui, đó là 100% các trường hợp đề nghị xác định lại dân tộc không phải với lý do vì muốn được trở về đúng với cội nguồn dân tộc mình (là một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng) mà việc đó chỉ phát sinh khi có một trong các sự kiện có liên quan đến việc hưởng quyền lợi của công dân như chuẩn bị đi học, xét hưởng chế độ ưu tiên, ưu đãi nào đó... Tuy nhiên thực tế cho thấy, có một bộ phận nhân dân trước đây luôn có thái độ kỳ thị, phân biệt và coi thường người dân tộc thiểu số thậm chí mặc cảm ở ngay chính bản thân người thiểu số đó.
Xin đơn cử hai ví dụ. Trường hợp thứ nhất, một cậu bé có cha là người Tày, mẹ là người Kinh, gia đình cậu thuộc hàng khá giả nơi phố huyện. Do cách nhìn lệch lạc nên người mẹ đã đăng ký khai sinh cho con theo dân tộc Kinh của mình, đồng thời thường xuyên nhồi nhét vào đầu con những định kiến không hay về người dân tộc thiểu số, rằng người dân tộc vừa ăn ở bẩn, vừa nghèo đói, lại lạc hậu, dốt nát nên chính bản thân cậu bé ngay từ nhỏ đã có nhận thức sai lầm về nguồn gốc dân tộc của cha mình và cậu luôn cảm thấy mặc cảm nếu ai đó biết rằng bố cậu là người dân tộc Tày. Chỉ đến khi chuẩn bị xét tuyển hồ sơ vào đại học thì mẹ con cậu mới ý thức được cái nguồn gốc dân tộc có giá trị đến thế nào. Do mải chơi bời, lêu lổng, không chịu học hành chăm chỉ nên cậu bị thiếu mất hai điểm so với điểm xét trúng tuyển của nhà trường mà theo quy định của Nhà nước, nếu là người dân tộc thiểu số, lại có hộ khẩu ở vùng sâu, vùng xa thì sẽ được xét cộng thêm mấy điểm ưu tiên. Như thế, cơ hội đỗ đại học là hoàn toàn có thể. Lúc này, mẹ con cậu mới vội vàng lo chạy giấy tờ thủ tục để xác định lại dân tộc cho con, chuyển từ dân tộc Kinh của mẹ thành dân tộc Tày của bố. May mà còn kịp thời gian nhập học.
Lại có trường hợp một cô bé có bố mẹ đều là người Kinh, đang có hộ khẩu thường trú và theo học ở thành phố, vậy mà đùng một cái cô được cha mẹ chuyển khẩu lên một xã tít vùng sâu, vùng xa của một huyện miền núi và được làm con nuôi của một gia đình người Dao. Sau đó, bố mẹ cô đã lên phòng tư pháp huyện nằng nặc đòi xác định lại dân tộc cho con theo dân tộc Dao của bố mẹ nuôi. Lý do thì chẳng gì khác ngoài việc hy vọng cô bé sẽ được cộng thêm mấy điểm ưu tiên khi thi đại học. Khi được cán bộ chuyên môn giải thích rằng, không thể xác định dân tộc cho con nuôi theo dân tộc của cha mẹ nuôi (trừ trường hợp không thể xác định cha mẹ đẻ của người con nuôi là ai) thì bà mẹ cô bé mới kêu giời lên rằng: “Trời ơi, mất bao nhiêu công sức lo lót, chạy chọt mãi. Biết thế này thì...”.
Theo số liệu thống kê, mỗi phòng tư pháp cấp huyện một năm cũng giải quyết ít nhất khoảng 40 - 60 trường hợp đề nghị xác định lại dân tộc. Phòng tiếp dân hầu như ngày nào cũng có người đến đề nghị việc này. Thậm chí có người còn nói vui rằng, cứ đà này chỉ năm, mười năm nữa thì người Kinh lại là dân tộc thiểu số, còn người Tày, người Dao, người Nùng lại là dân tộc chiếm đa số. Chắc lúc ấy, lại phải lo thủ tục đề nghị xác định lại từ người Tày, người Nùng, người Dao thành người Kinh! Vấn đề đặt ra là, nhiều khi chỉ vì những nhận thức sai lầm, những toan tính thực dụng như trên cùng với sự không hiểu biết pháp luật mà một số bậc cha mẹ đã vô tình đã đẩy con cái mình vào chỗ ỉ lại, dựa dẫm vào các chế độ ưu tiên, ưu đãi của Đảng và Nhà nước thay vì phải rèn luyện cho con tinh thần chăm chỉ học tập, tự lực cánh sinh.
Từ đó, nhồi nhét vào đầu con trẻ những nhận thức sai lầm về vấn đề dân tộc của mỗi con người, làm ảnh hưởng xấu đến giá trị nhân văn sâu sắc của hai tiếng “dân tộc”, đồng thời làm cho các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ ưu tiên, ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số trở thành một kẽ hở pháp luật, thành một thứ công cụ để một bộ phận nhân dân hợp lý hoá các quyền lợi chỉ dựa trên việc lo lót, chạy chọt giấy tờ chứ không phải bằng tri thức và sức lao động chân chính của bản thân. Thiết nghĩ, Nhà nước cần ban hành thêm các quy định mới nhằm xiết chặt hơn nữa trình tự, thủ tục và điều kiện xác định lại dân tộc để việc xác định lại dân tộc thực sự được mang một giá trị tinh thần và nhân đạo cao cả như đúng bản chất tốt đẹp ban đầu của nó.
Khánh Thư
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Công an xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, địa phương trong việc đề ra nhiều biện pháp giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Từ tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế của địa phương nên tình hình an ninh nông thôn luôn được giữ vững, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, số vụ việc vi phạm pháp luật giảm đáng kể.
YBĐT - Với trên 9.900 hội viên đang sinh hoạt tại 264 chi hội, trong năm qua, Hội Người cao tuổi (NCT) Yên Bình (Yên Bái) đã tích cực phát huy vai trò của NCT trong đời sống kinh tế - xã hội. Qua các hoạt động thiết thực tại địa phương, Hội NCT đã phát huy những kiến thức, kinh nghiệm nêu gương sáng trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Bình hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
YBĐT - Năm 2008 là một năm đặc biệt khó khăn đối với người nông dân trong toàn tỉnh nói chung và huyện Văn Chấn (Yên Bái) nói riêng. Do những diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết, trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài, huyện Văn Chấn đã bị chết 2.141 con trâu, bò; 54.564 kg mạ, thiệt hại 1.395 ha lúa mới cấy... Song, từ những khó khăn đó đã thể hiện rõ nét vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực vượt khó và khẳng định vai trò, vị thế của người nông dân Văn Chấn trong phát triển kinh tế – xã hội.
YBĐT - Vừa qua, tại Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009 dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh.