Suy ngẫm về dạy thêm học thêm

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cũng đã có quá nhiều bài báo nói về hiện tượng dạy thêm, học thêm, nhưng bản chất của nhu cầu dạy thêm xuất phát từ nhu cầu học thêm của người học. Họ thấy chưa đủ thì học thêm, mà như vậy là sự thoả thuận hợp pháp.

Ngày 29/2/2008 UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định yêu cầu các cấp chính quyền và các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các qui định  trong quản lí và tổ chức dạy thêm.
Ngày 29/2/2008 UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định yêu cầu các cấp chính quyền và các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các qui định trong quản lí và tổ chức dạy thêm.

Trong lí luận và thực tiễn dạy học, đã có nhiều ý tưởng và triết lí về quá trình giảng dạy của thầy và học của trò. Những quan niệm đó tuỳ theo mỗi một giai đoạn có những đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên đều hướng về việc làm thế nào để truyền đạt tri thức và nâng cao chất lượng cho người học.

Xưa, việc dạy học, dù là thầy đồ hay giáo khổ trường tư thì vẫn phải được tiến hành theo đơn vị lớp. Lớp học của thầy đồ có thể là chính ngôi nhà của thầy hay của một nhà khá giả nào đó trong làng xã. Lớp học trường tư là những ngôi nhà được thuê để làm địa điểm dạy học. Nhưng những lớp học như vậy, học sinh ít thì cũng phải có dăm bảy người, đông thì vài chục, học sinh học miệt mài lắm vì mục đích rất rõ: học dăm ba chữ để làm người, lười học là bị coi thường. Thầy dạy không tốt là học trò tìm thầy khác. Học trò đóng tiền học theo qui định, cũng có khi không có tiền thì đóng thóc, gạo, sản vật, nhưng không nhiều lắm, chủ yếu vì tấm lòng với thầy. Nghề dạy học từ trước không thể là nghề làm giàu. Thầy đồ là người có chữ, dạy chữ và dạy chữ "Đức" cho thiên hạ với đúng nghĩa "dạy làm người".

Ngày nay, trong cơ chế thị trường, nhiều nghề trong đó có nghề dạy học cũng đang cuốn vào guồng quay chung của xã hội, thầy cô giáo đi dạy thêm, điều đó thiết nghĩ cũng là bình thường. Trong số những giáo viên có thể dạy thêm, rất ít những giáo viên chưa có việc làm, vì họ không có học trò, lại chưa có kinh nghiệm giảng dạy. Không ai gửi con mình đi học những người như vậy.

Do vậy, giáo viên dạy thêm hiện nay đa phần là những giáo viên trong các trường của Nhà nước, ăn lương Nhà nước và đi làm thêm một cách nghiêm túc. Họ bỏ trí tuệ và sức lao động ra để truyền tải, bổ sung kiến thức còn hổng vì nhiều lí do cho một số đối tượng học sinh. Có thể đó là những học sinh đã thi mà chưa đỗ một trường nào đó theo ý nguyện, cũng có thể là học sinh đang học ở các cấp mà thấy cần phải học thêm cho đủ theo yêu cầu của học sinh và nhà trường, kể cả theo yêu cầu của bố mẹ, ông bà, gia đình.

Có giáo viên dạy theo lớp được tổ chức qui mô, mang tính tổ hợp, học sinh theo học rất đông, số này chỉ ở khu vực thành phố hoặc trung tâm tỉnh lị. Một số học theo các lớp do chính giáo viên và phụ huynh thoả thuận với nhau về môn học, địa điểm học và số tiền thu mỗi buổi cho các môn học. Một số khác, phụ huynh khá giả lại mời giáo viên về dạy con mình tại nhà. Thực tế là ở cấp tiểu học thì vừa dạy vừa làm bảo mẫu, trông trẻ luôn, để bố mẹ đi làm, trung học thì dạy bài cả cũ và mới, rồi quản lí giúp để các cháu không lêu lổng chơi bời bi-a, điện tử.

Đúng là "nhất cử lưỡng tiện", cũng xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra, có khi cao đến mức kinh ngạc. Cũng có số ít giáo viên chưa có chất lượng đi dạy thêm, làm ảnh hưởng đến nghề giáo, nhưng rồi cũng tan lớp vì người học không chấp nhận. Tất cả những hình thức dạy học này từ trước đến giờ chưa được ai và một cấp nào quản lí cả, cũng vì thế mà chưa thấy bất kì một ai phải chịu trách nhiệm về việc này. Đã có quá nhiều những ý kiến, hoặc bài báo phản ánh về sự lộn xộn, à uôm của các kiểu học này; phàn nàn của cha mẹ học sinh và xã hội về chất lượng các buổi học và cách dạy của giáo viên.

Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan đã làm nên sự bất bình đẳng trong dạy học, bởi sự phân hoá đối tượng không phải theo năng lực học mà theo túi tiền của phụ huynh, tạo nên những định kiến không mấy tốt đẹp về "nghề cao quý", về người dạy học, "con sâu bỏ rầu nồi canh" khi trong số họ nhiều người tâm huyết, chuyên môn giỏi và rất có lòng tự trọng nghề nghiệp.

Để chấm dứt tình trạng trên, ngày 29 tháng 02 năm 2008 UBND tỉnh đã có Quyết định số 02/QĐ-UBND yêu cầu các cấp chính quyền và các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các qui định  trong quản lí và tổ chức dạy thêm, yêu cầu chấn chỉnh các bước để thiết lập các lớp học thêm theo đúng đối tượng và mức độ cần phải học thêm, quản lí việc thu học phí học thêm.

Tuy nhiên đã qua hơn một năm, nhưng hình như các nội dung của Quyết định không mấy hiệu lực. Học sinh và phụ huynh biết con mình đang quá tải, không chỉ có chương trình, bài học, môn học quá tải như người ta vẫn kêu mà quá tải cả về thời gian học thêm, cách học và cả về sức học mặc dù điều này nguyên nhân chủ yếu là từ cha mẹ học sinh ép con đi học mà ra.

Đến ngày 16/2/2009, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) có Công văn số 76/SGD&ĐT-TTr hướng dẫn thực hiện Qui định dạy thêm học thêm gửi đến các phòng GD&ĐT và các nhà trường. Sở đã có những qui định và yêu cầu cụ thể cho công việc này. Dạy thêm phải được xác định lại về đối tượng: bồi dưỡng học sinh giỏi,  phụ đạo học sinh yếu kém, không được ép buộc học sinh học thêm bằng bất  cứ hình thức nào. Các trường, các lớp học thêm phải có kế hoạch, báo cáo bằng văn bản cho cấp có thẩm quyền, người dạy phải được cấp phép, người học phải có đơn và quan trọng là mức tiền thu đã được khống chế. Phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất các lớp học như bàn, ghế, ánh sáng, quạt mát, phải bảo đảm an ninh trật tự và không quá số buổi qui định trong một tuần.

Vấn đề lại nẩy sinh từ việc qui định nộp tiền học thêm. Cha mẹ học sinh thấy qui định đóng tiền không quá bốn nghìn đồng cho một buổi học, thay cho mười nghìn, mười lăm, hai mươi, thậm chí nhiều gấp mấy lần số đó thì vui có, buồn có, vì họ cũng nghĩ như thế thì hình như... hơi ít và liệu các giờ dạy học của giáo viên có theo quan niệm "tiền nào của ấy" hay không?

Nhưng người dạy lại là những giáo viên nếu được cấp phép, tất nhiên là những giáo viên giỏi, có thâm niên dạy học và luyện thi thì liệu có lăn tăn không? Và tất nhiên họ sẽ không mặn mà, thậm chí từ chối việc dạy ở trường vì đồng tiền công nhỏ bé ấy, bởi các lớp học thêm theo qui định chặt chẽ như vậy sẽ rất ít học sinh và như vậy sẽ rất ít tiền, không xứng đáng với trí tuệ và công sức của họ đã tích luỹ và bỏ ra trong bao nhiêu năm lăn lộn, hết lòng với nghề. Họ lại tìm một cách đi khác cho công việc của mình. Nếu ai buộc phải dạy liệu họ còn có động lực và tâm huyết để dạy nữa hay không?

Tác giả đã vào Bình Định công tác và đã đến thăm một trung tâm dạy thêm tư nhân ở thành phố Qui Nhơn, có đăng kí và được cấp phép để dạy thêm cho nhiều đối tượng. Ở đó họ mở công khai, phòng ốc đẹp và thoáng, đủ các điều kiện về dạy học theo văn bản. Họ đăng kí và nộp thuế. Giáo viên toàn những người có uy tín về nghề nghiệp, chắc chắn không thể có hiện tượng ép học sinh phải học. Mức thu tuỳ theo loại hình, cấp học, cha mẹ học sinh rất an tâm khi gửi con vào đó.

Cũng đã có quá nhiều bài báo nói về hiện tượng dạy thêm, học thêm, nhưng bản chất của nhu cầu dạy thêm xuất phát từ nhu cầu học thêm của người học. Họ thấy chưa đủ thì học thêm, mà như vậy là sự thoả thuận hợp pháp. Giáo viên là những người có tự trọng, chắc chắn họ cũng không đòi hỏi quá những gì mình được hưởng do công sức của mình mang lại.

Tôi biết nhiều giáo viên từ chối làm gia sư cho con những gia đình khá giả nhưng hư hỗn, mặc dù được trả rất nhiều tiền. Họ muốn việc làm của họ cũng được đối xử công bằng như bao công việc làm thêm khác trong xã hội hiện nay, cũng công khai và lành mạnh, để không có những định kiến không tốt cho nghề dạy học của họ và đồng nghiệp, giống như việc mở phòng mạch tư của các bác sĩ, hay việc ký những hợp đồng làm ngoài giờ của các kỹ sư... vì có "cầu" ắt có "cung". Những người thầy cũng muốn các cấp có thẩm quyền cho họ được phép cống hiến khi họ có năng lực chuyên môn và có cái tâm trong sáng đối với lớp trẻ.

Nguyễn Vĩnh Truyền

Các tin khác

Theo lịch trình, cuối tháng 3 này, Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường sẽ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường các kịch bản về biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng để thẩm định và công bố chính thức vào đầu tháng 4.

Lái xe ôm sẽ chỉ được đón khách tại khu vực được cho phép.

Theo dự thảo của Bộ Giao thông Vận tải, lái xe ôm sẽ phải xin cấp phép hoạt động tại phường xã hoặc bến tàu, bến xe. Tài xế chỉ đón khách trong khu vực quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Tuyên truyền công tác DS/KHHGĐ đến vùng cao của tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Đó là yêu cầu của đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 36 của HĐND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS/KHHGĐ) của tỉnh giai đoạn 2009 – 2012 tổ chức ngày 16/3/2008.

YBĐT - Mặc dù từ tháng 10/2008, Hội CCB thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái tiếp nhận thêm 6 hội cơ sở mới từ huyện Trấn Yên, đời sống hội viên ở các cơ sở này còn nhiều khó khăn, nhưng qua tổng hợp toàn hội chỉ còn 1,5% ở mức nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục