Yên Bái: Những tồn tại trong thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đề án xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX) được triển khai tại Yên Bái từ năm 2005; đến hết năm 2008 có 110 xã chuẩn, đạt 61,1%. Mặc dù vậy, phấn đấu hết năm 2010, Yên Bái có 142 xã đạt chuẩn, đạt 78,8%/75% mục tiêu của Đề án, trong đó, năm 2009 có thêm ít nhất 17 xã được công nhận, các xã còn lại đạt ít nhất từ 50 – 70% số chuẩn đang là vấn đề khó.

Cán bộ y tế khám bệnh cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cán bộ y tế khám bệnh cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cấp uỷ, chính quyền cơ sở còn thờ ơ

Thực tế triển khai Đề án cho thấy, công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn hạn chế. Có những địa phương như Trạm Tấu do nhận thức chưa đầy đủ cho rằng chỉ tiêu do trên ép xuống hoặc Văn Chấn mãi tháng 7/2008 mới ký kết giao chỉ tiêu. Sự chỉ đạo của ngành dọc từ trên xuống cơ sở quá ít, chưa hiệu quả; việc phân công chỉ đạo cũng chưa hợp lý. Một số địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt; có nơi nghị quyết của Đảng có sau nghị quyết của HĐND; kế hoạch còn chung chung, chưa cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa mạnh; đánh giá kết quả của một số huyện chưa toàn diện. Các huyện, xã chưa đầu tư nhiều cho xây dựng chuẩn; nhiều xã không đầu tư gì ngoài kinh phí 119 theo qui định. Thời gian qua, việc xây dựng kế hoạch giao vốn xây dựng cơ bản hàng năm cho các trạm muộn. Công tác chỉ đạo ở một số xã được công nhận đạt chuẩn không liên tục, còn chủ quan, xem nhẹ. Hồ sơ lưu trữ, ghi chép không đầy đủ, thậm chí cá biệt có nơi còn lấy hồ sơ của năm trước sửa chữa thành năm 2008. Có trạm như Phúc Lợi (Lục Yên) tự chấm điểm quá cao thậm chí có huyện còn chấm trước điểm cho nợ...!

Người dân chưa có ý thức vệ sinh môi trường

 Trong các CQGVYTX hiện nay, khó khăn nhất vẫn là chuẩn về vệ sinh môi trường và truyền thông giáo dục sức khoẻ. Tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn dùng nước sạch mới đạt 73,1%, đặc biệt hố xí hợp vệ sinh mới đạt 37%; tỷ lệ xử lý phân gia súc hợp vệ sinh còn thấp. Nguyên nhân là do thói quen của người dân về vệ sinh môi trường chưa thay đổi. Không ít xã như: Phúc An (Yên Bình), An Phú (Lục Yên), Trạm Tấu (Trạm Tấu), chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể chưa tích cực chỉ đạo, người dân chưa nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều nơi làm xong công trình vệ sinh (hố xí, hố rác) dân không sử dụng, công trình nước sạch hỏng không sửa lại. Xảy ra tình trạng trên là do triển khai xây dựng các chuẩn chưa đồng bộ; điều kiện kinh tế, nếp sống, ý thức của người dân trong xây dựng và sử dụng công trình còn rất hạn chế.

Công tác tuyên tuyền hướng dẫn kỹ thuật của y tế chưa đầy đủ. Đây là chuẩn khó thực hiện nhất, tồn tại lớn nhất và đạt điểm thấp nhất. Các huyện, xã chưa tuyên truyền  rộng rãi; chủ yếu là cán bộ y tế xã thực hiện. Nội dung truyền thông chưa phù hợp với trình độ dân trí địa phương. Hệ thống loa chưa đến được thôn, bản; nhiều trạm y tế còn thiếu phòng truyền thông. Việc lồng ghép với công tác khác chưa nhiều, hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức. Kiến thức cũng như kỹ năng của cán bộ y tế, nhân viên y tế thôn, bản còn yếu; một số nơi do thiếu y tế thôn, bản và cộng tác viên nên chưa phát huy hiệu quả. Chất lượng công tác truyền thông chưa cao và toàn diện. Kiến thức chăm sóc sức khoẻ ban đầu qua phỏng vấn ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải chưa đạt yêu cầu; sự thay đổi hành vi của một số cán bộ lãnh đạo và người dân còn rất hạn chế.

Cơ sở vật chất thiếun và đầu tư chồng chéo

Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho xây dựng, nâng cấp cơ sở trạm còn ít; một số xã đạt chuẩn có trạm xây dựng từ lâu, nhà cấp 4 xuống cấp, dột, nát, thiếu phòng làm việc hoặc đủ phòng nhưng không hợp lý chưa được bổ sung. Các trạm y tế xã: Hoàng Thắng, An Bình (Văn Yên); Mai Sơn, An Lạc (Lục Yên); Tân Hương, Phú Thịnh (Yên Bình); Nghĩa Tâm, Sơn A, Sơn Thịnh, Phúc Sơn (Văn Chấn); Cầu Thia, Nghĩa An (Nghĩa Lộ) và ở thành phố Yên Bái đang nằm trong tình trạng trên. Không những vậy, các huyện Văn Chấn, Yên Bình xây dựng, sửa chữa trạm y tế có sự thay đổi so với kế hoạch hoặc chuyển đổi chủ đầu tư ở Trấn Yên, thành phố Yên Bái dẫn đến chậm tiến độ. Chất lượng xây dựng, sửa chữa ở một số nơi không hợp lý hoặc chưa cao. Hiện còn thị trấn Mù Cang Chải và thị trấn Trạm Tấu chưa có trạm y tế. Trạm Y tế thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) vẫn đang làm nhờ ở nhà ủy ban thị trấn; 14 trạm đang lồng ghép với phòng khám đa khoa khu vực. Các trạm mua trang thiết bị rất chậm do thủ tục.

Việc khảo sát, xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị cũng chồng chéo giữa các chương trình, dự án nên một số nơi có tới 2 – 3 bộ dụng cụ, có nơi lại không có. Chẳng hạn, Trạm Y tế xã An Thịnh (Văn Yên) giường quá cũ trong khi Trạm Y tế xã Việt Hồng (Trấn Yên) có tới 2 nơi đầu tư. Do cán bộ chưa được đào tạo thêm về chuyên môn nên các trang thiết bị như bộ dụng cụ khám răng, máy khí dung, bàn đẻ, nồi hấp vô trùng chưa được quản lý và khai thác hiệu quả. Các  trạm: Chế Cu Nha, Khao Mang (Mù Cang Chải) chưa có điện thoại. Đặc biệt túi thuốc của cán bộ y tế thôn, bản, dụng cụ và thuốc men, bông băng...chưa được bổ sung. Hiện chỉ có 120/180 trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch ở một số trạm còn thiếu.

Trình độ cán bộ còn bất cập

Hoạt động chuyên môn của các trạm y tế vẫn bộc lộ những yếu kém, do vậy, kế hoạch phòng chống dịch của một số xã còn chung chung, có nơi chưa được UBND xã phê duyệt. Báo cáo ca bệnh ở các trạm chưa thống nhất, bỏ sót nhiều. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt,  vẫn để xảy ra một vụ ngộ độc nghiêm trọng tại thị trấn Yên Thế (Lục Yên), nơi đạt chuẩn từ 2005. Dịch tay, chân, miệng vẫn xảy ra tại một số xã của huyện Yên Bình. Chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế; hồ sơ, bệnh án chưa đầy đủ, không đúng qui chế. Có những trạm như Pá Lau (Trạm Tấu) hoặc Tân An (Nghĩa Lộ) điều trị cho trẻ chưa đúng phác đồ, chưa sử dụng thuốc theo cân nặng. Nhiều xã chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi và tàn tật tại cộng đồng; công tác phục hồi chức năng hầu như chưa thực hiện.

Tại các xã vùng cao, dân tộc ít người do phong tục, tập quán nên tỷ lệ phụ nữ đi khám thai và sinh con tại trạm thấp nên việc quản lý thai nghén, đẻ tại trạm và chăm sóc sau sinh cũng như chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi khó khăn. Các trạm và y tế thôn, bản vẫn thiếu túi đẻ sạch. Nhiều xã ở Mù Cang Chải như: Pá Lau, Chế Cu Nha, Khao Mang...tỷ lệ đẻ tại nhà còn cao. Nhiều trạm y tế xã chưa thực hiện việc quản lý sức khoẻ tại hộ gia đình; hồ sơ, sổ sách còn chồng chéo, mang tính đối phó. Có những trạm cập nhật thuốc chưa đúng qui định hoặc để thuốc quá hạn; danh mục thuốc cấp cứu không phù hợp với thuốc hiện có.

Sự chỉ đạo chuyên môn của bệnh viện và trung tâm y tế huyện tới các trạm y tế chưa thường xuyên; một số đơn vị được phân công theo chỉ đạo điểm chưa làm đầy đủ theo yêu cầu, chủ yếu là hỗ trợ trang thiết bị cho cơ sở. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho trạm y tế thường quá muộn và gấp vào cuối năm; nội dung tập huấn chuẩn bị kỹ, nhưng phần thực hành kể cả máy móc thiết bị tại trạm chưa được hướng dẫn đầy đủ nên việc vận dụng tại cơ sở còn hạn chế.

Trạm Y tế xã Tân Phượng (Lục Yên) chưa đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

Làm gì để đạt mục tiêu năm 2010?

Thực trạng trên cho thấy, thực hiện CQGYTX đang tồn tại ở chuẩn I về xã hội hoá công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và truyền thông giáo dục sức khoẻ; chuẩn II về vệ sinh môi trường; chuẩn VII: cơ sở hạ tầng; chuẩn IV: y học cổ truyền và chuẩn VIII về nhân lực. Nguyên nhân do cấp uỷ Đảng, chính quyền các xã chưa thực sự vào cuộc; các nghị quyết, kế hoạch còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế địa phương. Người dân chưa thực sự nhận thức được lợi ích của việc vệ sinh môi trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng chậm, chồng chéo. Các xã chưa bảo đảm chất lượng vườn thuốc nam, điều trị bằng y học cổ truyền thấp. Tỷ lệ bác sĩ thấp do chuyển công tác, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý, nhân viên y tế thôn bản nhiều nơi chưa được đào tạo.

Để khắc phục được những hạn chế trên, trước hết cần tập trung vào các chuẩn khó thực hiện. Đồng thời, Đảng uỷ, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh, chỉ đạo; đưa chỉ tiêu xây dựng chuẩn vào nghị quyết của Đảng bộ, HĐND, UBND các cấp; tập trung nguồn lực đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án cho xây dựng chuẩn đồng bộ, trọng điểm không dàn trải, chắp vá, lãng phí; sớm nâng cấp, xây dựng các trạm y tế, triển khai chương trình nước sạch, mua trang thiết bị y tế...; điều chỉnh lại cơ cấu cán bộ trạm; tập huấn cho ban chỉ đạo huyện, xã và cán bộ trạm y tế; đào tạo chuyên khoa định hướng y học cổ truyền, phục hồi chức năng, nhân viên y tế thôn bản cho các trạm đang thiếu hoặc đang lồng ghép hoạt động nhân viên y tế thôn bản với cộng tác viên dân số; đẩy mạnh công tác giám sát, hỗ trợ ban chỉ đạo các cấp ở cơ sở, đưa nội dung chuẩn vào chương trình giám sát của HĐND các cấp và chuyên ngành  của tỉnh. Ban chỉ đạo các cấp cũng cần tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm từng giai đoạn có hình thức khen thưởng và nhắc nhở, xử lý những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm.

Giải pháp là vậy, nhưng mục tiêu đạt CQGYTX ở Yên Bái chỉ có thể đạt được khi có sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tạo ra chuyển biến về nhận thức trong người dân.

Đào Minh

Các tin khác

Ngày 24-3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ VN đã ký kết hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 1 triệu USD do Chính phủ Nhật Bản cấp vốn nhằm chuẩn bị cho dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn giúp giải quyết vấn đề đói nghèo ở các tỉnh miền núi phía BắcVới khoản viện trợ không hoàn lại này, một dự án sẽ được xây dựng nhằm giúp cộng đồng các dân tộc miền núi, vùng xa ở 15 tỉnh tiếp cận tốt hơn các thị trường, các dịch vụ xã hội, các trung tâm thương mại tiểu vùng cũng như cải thiện công tác quản lý môi trường và xã hội.

Ngày 24-3, tại hội nghị giao ban lần thứ II năm học 2008 - 2009 các Sở Giáo dục-Ðào tạo (GD-ÐT) năm thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ÐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trước ngày 30-3, Bộ sẽ có hướng dẫn về công tác tổ chức thi tốt nghiệp năm 2009 và hướng dẫn ba-rem chấm điểm các bài thi tự luận rõ ràng, để giáo viên dễ thực hiện, bảo đảm chính xác, công bằng với mọi học sinh.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009

Để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc Tổng điều tra dân số 2009 sẽ diễn ra vào ngày 1/4/2009, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai bước điều tra thu thập thông tin Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đã được tổ chức sáng 24/3. Đây là bước thứ hai trong các bước tiến hành Tổng điều tra cũng là bước quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của cuộc Tổng điều tra.

Điều chỉnh mức phí ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác giảm từ 0,06 phần trăm/tháng xuống còn 0,045 phần trăm/tháng tính trên dư nợ có thu được lãi, là nội dung bản thỏa thuận giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) và T.Ư Đoàn ký ngày 23/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục