Sau một năm thực hiện dự án ở xã Tân Thịnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2008, Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) chọn xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) là một trong hai đơn vị thực hiện dự án "Hỗ trợ nâng cao kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS và chăm sóc phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình" do Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới tài trợ. Xã đã chọn thôn Lương Thịnh 3 và thôn Thanh Hùng 1 làm điểm chỉ đạo, sau đó nhân rộng ra địa bàn cả 9 thôn.

Tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình trực tiếp tại hộ dân ở thôn Thanh Hùng 1.
Tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình trực tiếp tại hộ dân ở thôn Thanh Hùng 1.

Hoạt động dự án đã mở các lớp tập huấn về quản lý dự án, tư vấn cho các thành viên là nạn nhân của bạo lực gia đình; tập huấn truyền thông thay đổi hành vi thông qua hình thức nghệ thuật và kỹ năng truyền thông, tư vấn, làm việc với nạn nhân của bạo lực gia đình. Đồng thời tổ chức lớp tập huấn cho nam giới và người trong cuộc tìm hiểu về bạo lực gia đình; tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các điều luật có liên quan; trực tiếp tư vấn cho 68 lượt người gây ra bạo lực và nạn nhân của bạo lực gia đình. Ban dự án cấp xã tham gia cuộc hội thảo với nội dung xây dựng mô hình hợp tác toàn diện bảo vệ quyền phụ nữ cho nạn nhân bạo hành gia đình; xác định vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Hoạt động dự án tại xã đã thành lập 2 nhóm tư vấn tại 2 thôn với 6 thành viên tham gia nhằm hỗ trợ tinh thần, chia sẻ thông tin về bạo lực gia đình, quyền của phụ nữ và xây dựng kế hoạch an toàn, tư vấn về các thủ tục pháp lý, cung cấp địa chỉ hỗ trợ cho nạn nhân.

Ông Nguyễn Văn Lương - Trưởng thôn Thanh Hùng 1 cho biết:  “Trước đây, Thanh Hùng là điểm nóng về tình trạng bạo lực gia đình, nhất là đối với các gia đình trẻ do điều kiện kinh tế khó khăn, không chịu làm ăn lại đua đòi, rượu chè, ngoại tình, ghen tuông vô cớ thường về nhà gây sự, đánh đập vợ con, ảnh hưởng đến trật tự an ninh thôn xóm. Được tập huấn, tuyên truyền, tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, người dân đã hiểu rằng, bạo hành gia đình ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, sức khỏe, tinh thần và  tâm lý của con cái. Chị em đã mạnh dạn hơn, khi vợ chồng có mâu thuẫn đã tìm đến cán bộ tư vấn để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình".

Tân Thịnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: phát tờ rơi, tài liệu, tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình trên hệ thống đài truyền thanh của xã; tư vấn trực tiếp cho 68 lượt người gây ra bạo lực và nạn nhân của bạo lực gia đình. Hiệu quả từ công tác tuyên truyền và hoạt động tích cực của nhóm tư vấn là năm qua, xã đã hòa giải 68 trường hợp xảy ra bạo lực gia đình; đã hòa thuận được 80% số vụ và có 1 trường hợp đã rút đơn ly hôn. Hiện nay, số vụ bạo hành gia đình trong xã đã giảm đáng kể. Đặc biệt, hai thôn được chọn làm điểm đã giảm 80% số vụ việc so với trước đây.

Bà Nguyễn Thị Mai Liên - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thịnh, thành viên nhóm tư vấn cho biết thêm: “Tại các thôn, nạn nhân bạo lực gia đình đều được tư vấn, cấp phát thuốc, chăm sóc sức khỏe và động viên, chia sẻ về tinh thần để xoa dịu những tổn thương. Chúng tôi cũng dành thời gian tâm tình, giúp các chị biết cách cư xử tế nhị trong mối quan hệ vợ chồng để cùng chăm lo, bảo vệ, xây dựng hạnh phúc gia đình”. Cùng với các hoạt động truyền thông tư vấn, Ban điều hành dự án còn mở 16 lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, chăm sóc gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng hoa, khởi sự doanh nghiệp, bán hàng có hiệu quả cho trên 400 lượt người. Mặt khác, hỗ trợ 10 nạn nhân bạo lực gia đình có hoàn cảnh khó khăn mỗi mô hình 2 triệu đồng bằng hiện vật là gà giống nhập nội, thức ăn và thuốc phòng bệnh để phát triển chăn nuôi. Các hộ đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đạt hiệu quả nên sau chu kỳ chăn nuôi, mỗi hộ lãi bình quân 470.000 đồng, tiêu biểu như hộ chị Nguyễn Thị Tuyến, Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Thanh Hùng 1; chị Nguyễn Thị Quý ở thôn Lương Thịnh 3. Việc hỗ trợ này đã giúp cho phụ nữ nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cũng như có thêm thu nhập, có thêm điều kiện chăm lo cho con cái học tập và cải thiện điều kiện sống, giảm nguy cơ bạo lực do nguyên nhân về kinh tế. 

 Năm nay, xã tiếp tục được đầu tư giai đoạn II của dự án, mở rộng địa bàn hưởng lợi ở 2 thôn: Thanh Hùng 2, Lương Thịnh 2. Từ hoạt động thăm quan, học tập kinh nghiệm tổ chức  mô hình “Câu lạc bộ Chia sẻ” tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội về phòng chống bạo lực gia đình, sắp tới, Tân Thịnh sẽ ra mắt và đi vào hoạt động “Câu lạc bộ Chia sẻ”. Đây là điều kiện thuận lợi để Ban điều hành dự án cấp xã tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả các mục tiêu dự án đã đề ra.

Kim Tiến

Các tin khác

YBĐT - Mặt trận Tổ quốc phường Minh Tân, TP Yên Bái (Yên Bái) trong những năm qua đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại các khu dân cư.

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 nhằm phục vụ việc hoạch định chủ trương, chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020.

YBĐT - Đến hết ngày 12/3/2009 đã kết thúc 23 lớp tập huấn nghiệp vụ ở các huyện, thị, trong đó có 20 lớp cho điều tra viên điều tra toàn bộ và 3 lớp điều tra viên địa bàn mẫu. Tại các huyện, thị của Yên Bái đã tổ chức tập huấn được 36 lớp với 1.608 điều tra viên, 491 tổ trưởng, trong đó 9 lớp điều tra mẫu với 460 điều tra viên và 143 tổ trưởng...

YBĐT - Năm học 2008 - 2009, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái có 53 thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ở 9 bộ môn gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh vật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh và Tin học. Kết quả có 22 thí sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải nhì, 5 giải ba và 16 giải khuyến khích.

Theo dự thảo Nghị định tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng và trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng do Bộ LĐTB-XH vừa hoàn thiện để trình Chính phủ, Nhà nước khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng. Với người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện, chủ tịch UBND cấp xã được áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục