Ngày càng nhiều người muốn học chữ Thái cổ
- Cập nhật: Thứ tư, 29/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Khi thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) xây dựng dự án rồi triển khai dạy chữ Thái cổ, lãnh đạo thị xã cũng như ngành văn hóa - thông tin lúc ấy cũng không thể tin rằng, việc dạy chữ Thái lại có kết quả ngoài sức tưởng tượng như bây giờ.
Ông Lò Văn Biến (thứ 3 từ phải sang) là người trực tiếp giảng dạy các lớp học chữ Thái cổ ở thị xã Nghĩa Lộ và vùng Mường Lò.
|
Mới qua hai năm giảng dạy, đã có 4 lớp học được hoàn thành. Lớp học đầu tiên chỉ có 10 người, học viên chủ yếu là lãnh đạo thị xã, các phòng, ban, xã, phường là người dân tộc Thái. Lớp này cũng chỉ nhằm mục đích tạo ra đội ngũ nòng cốt làm công tác quản lý Nhà nước, quản lý hoạt động văn hóa ở cơ sở trong thực hiện dự án khôi phục, bảo tồn chữ Thái cổ ở Nghĩa Lộ.
Ông Lò Văn Biến, dân tộc Thái, năm nay đã 75 tuổi và là người duy nhất ở Yên Bái dạy được chữ Thái cổ cho biết, kết quả của lớp học đầu tiên cũng không thực sự mỹ mãn lắm. Bởi lẽ, các học viên hầu hết đã lớn tuổi nên khả năng nhập tâm hạn chế. Một yếu tố nữa là tài liệu giảng đơn giản, phương pháp dạy còn lúng túng; học viên thường bận công tác đột xuất nên thời gian khá dài mà kết quả không đạt như mong muốn.
Thế nhưng, chỉ ngay sau lớp học này một thời gian ngắn thì một lớp học khác được triển khai và thu hút 36 học viên tham gia. Nhiều người nhận được thông tin muộn, không kịp học lớp này nên lãnh đạo thị xã quyết định mở tiếp lớp thứ ba với 24 học viên.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Nghĩa Lộ phụ trách lớp học phấn khởi cho biết: “Lớp học thứ hai không chỉ đông học viên mà còn có rất nhiều học viên nữ, nhiều người đang học phổ thông, gồm nhiều dân tộc và nhiều đối tượng, nghề nghiệp. Có chị người Kinh là cán bộ phường Cầu Thia; có chị là người Tày ở xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn; có cả người dân tộc Nùng ở huyện Lục Yên nhưng đang làm việc ở Nghĩa Lộ… đã hăng hái tham gia lớp học. Và họ đã học không hề thua kém những học viên dân tộc Thái”.
Với thời gian học tập khá dài nên Ban tổ chức lớp học đã tạo điều kiện cho học viên kết hợp giữa học chữ với sưu tầm vốn văn hóa dân gian dân tộc Thái để ghi chép lại. Mục đích nhằm đánh giá khả năng học, đọc chữ của mỗi học viên và sau khi đã biết chữ Thái cổ, họ có khả năng sưu tầm, khai thác và bảo tồn văn hóa dân gian Thái hay không. Kết quả nội dung sưu tầm rất khả quan. Nhiều học viên đã dùng chữ Thái cổ ghi chép lại nội dung các câu truyện dân gian qua truyền miệng hoặc ghi chép lại những bài dân ca Thái… Tiêu biểu là học viên Cầm Thị Nguyệt, lúc ấy đang học lớp 12, là dân tộc Thái ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn.
Đến lớp thứ tư gần đây nhất đã thu hút học viên đông nhất và có nhiều điểm mới đáng mừng. Ông Lò Văn Biến cho biết, số đăng ký là 68 người nhưng để bảo đảm chất lượng nên chỉ tiếp nhận 48 học viên. Lớp có rất nhiều cháu từ 12 đến 15 tuổi được cha mẹ đưa từ xa về học, có nhiều cháu đang học lớp 12. Ông Biến đã động viên các cháu đang học lớp 12 dành thời gian tập trung cho năm học cuối cấp nhưng các cháu vẫn quyết tâm theo lớp cũng như không để ảnh hưởng đến chương trình, kết quả học tập ở trường.
Khác với các lớp trước, thời gian học kéo dài 4 tháng, rồi giảm xuống 3 tháng, 2 tháng thì lớp thứ tư chỉ gói gọn trong 1 tháng. Việc rút ngắn thời gian là nhờ tài liệu giảng dạy đã hoàn thiện hơn; phương pháp giảng dạy cũng có thêm nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, nội dung giảng dạy có sự đổi mới đáng kể vì ông Biến đã kết hợp dạy chữ gắn với việc tiếp cận văn hóa dân gian dân tộc Thái qua tục ngữ, ca dao, dân ca về lao động sản xuất, qua những câu chuyện về tình yêu lứa đôi…
Thời gian gần đây, khi đến các tỉnh có đồng bào Thái sinh sống, ông Biến nhận thấy, các địa phương này sưu tầm được nhiều sách Thái cổ và đã in ấn, phổ biến rộng rãi bằng chữ Thái cổ nên ông dùng làm tài liệu phục vụ quá trình giảng dạy. Vì thế, học viên được tiếp cận với những truyện viết bằng chữ Thái cổ như: Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu), Khun Tính (chàng Tính), Pú táy xấc (Chuyện đánh giặc), Chương Han (Dựng nước)… Được học chữ, được đọc sách đã tạo niềm hứng thú học tập cho các học viên.
Ông Biến khẳng định, dù chỉ học trong một tháng nhưng kết quả của lớp học thứ tư không hề thua kém các lớp trước đây. Các học viên trẻ đều học rất khá và ông ấn tượng nhất với học viên Hoàng Văn Chải, dân tộc Thái là Trưởng bản Chao, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. Anh không chỉ học chữ giỏi mà còn có vốn hiểu biết về văn hóa Thái khá sâu rộng. Ông Biến nảy sinh ý định sẽ đề xuất ý kiến với lãnh đạo thị xã tập hợp một số học viên học giỏi như anh Chải để bồi dưỡng thành đội ngũ dạy về bảo tồn chữ Thái cổ.
Còn phát triển việc dạy chữ Thái cổ thì ông Biến nêu ý kiến rằng, nên đưa chương trình này vào dạy ở các trường phổ thông vì thời gian để học sinh học, hiểu và đọc được chữ Thái cổ chỉ cần hơn nửa tháng. Nếu làm được như vậy, chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu học chữ Thái cổ của đông đảo nhân dân. Đồng thời, học chữ Thái cổ không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa mà còn là động lực đưa các giá trị văn hóa trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong tương lai, đặc biệt đối với cộng đồng người Thái.
Sơn Nam - Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Sở Giáo dục - Đào tạo Yên Bái vừa tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ngành học mầm non. Tham dự hội thi có 57 giáo viên tiêu biểu ở 32 trường mầm non thuộc 9 huyện, thị, thành phố.
Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi các đơn vị trực thuộc, y tế các ngành tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn. Bộ cũng đã chuẩn bị 1.000 máy thở cấp cứu, 34 bộ xét nghiệm nhanh, hàng trăm nghìn gói thuốc khử trùng… đề phòng dịch cúm lợn H1N1 lây lan vào nước ta.
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo.
YBĐT - Cơ quan thi hành án tỉnh Yên Bái vừa phát động đợt thi hành án dân sự cao điểm năm 2009: đợt 1 từ ngày 25/4/2009 đến 25/5/2009, đợt 2 từ 26/5/2009 đến 30/8/2009, phấn đấu đạt chỉ tiêu 86% số việc thi hành xong, 63% số tiền thực thu so với số có điều kiện, làm giảm 10 - 15% án tồn đọng năm 2008.