Đồng bào Dao Tân Hương khắc khoải chờ điện

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ước mơ có dòng điện thắp sáng bản làng, sáng những con chữ cho lũ trẻ học bài; để được tiếp nhận với văn hoá nghe, nhìn, được xem cái ti vi, nghe cái đài nó nói, nó hát, nó dạy mà thêm sáng mắt, sáng lòng đã là ước mơ bao đời nay của đồng bào Dao ở 5 thôn Khe Mạ, Khe Moóc, Khe May, Khe Gáo và Đồi Hồi xã Tân Hương (Yên Bình - Yên Bái).

Khắc khoải chờ điện, đồng bào Dao ở Tân Hương đành chung thủy với đèn dầu và những bóng đèn tự chế.
Khắc khoải chờ điện, đồng bào Dao ở Tân Hương đành chung thủy với đèn dầu và những bóng đèn tự chế.

Cái khó ló cái khôn

Tới gia đình trưởng thôn Đặng Văn Kiến, thôn Khe May, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi một phương tiện chiếu sáng khá hiệu quả thay cho chiếc đèn dầu mà lâu nay đồng bào Dao ở đây vẫn thường sử dụng. Với mong ước tìm ra một nguồn sáng cho các cháu học bài, ông Đặng Văn Thanh - Bí thư Chi bộ thôn Khe May đã sáng chế ra chiếc đèn có ánh sáng trắng như những bóng điện nhỏ xíu.

Ông Thanh rất tâm đắc với sáng chế của mình: “Chỉ cần một chiếc đèn pin tháo lấy bóng đấu với 2 đôi pin trị giá 10 nghìn đồng là đã có một “bóng điện” cho các cháu học bài mà không sợ đổ dầu ra vở, không sợ bị khói (nếu dùng đèn dầu rất tối, muốn sáng thì phải vặn to mà vặn to thì sẽ khói - ông Thanh giải thích); để khi ăn cơm có một khoảng sáng đủ rộng cho cả gia đình và có cầm đi đâu cũng không sợ bị gió thổi tắt như đèn dầu”. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, trong “cái khó ló cái khôn”. Còn việc ước ao có một nguồn điện không chỉ để thắp sáng mà còn để cải thiện đời sống văn hoá tinh thần thì đã là ước mơ của đồng bào từ bao đời nay. 

Là những người dân được di chuyển về định cư tại Tân Hương nhường chỗ cho sự ra đời của Nhà máy Thủy điện Thác Bà, với lòng tự hào được đóng góp vì sự phát triển chung của đất nước và cũng với một niềm tin khi dòng điện sáng cũng có nghĩa bản làng sẽ sáng, về quê mới đồng bào chăm chỉ làm ăn, cái đòi cái nghèo dần đẩy lùi.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng uỷ, chính quyền xã Tân Hương đã nhận định, mặc dù đây là vùng đồng bào dân tộc ít người, trên 90% là đồng bào Dao song kinh tế phát triển khá so với các thôn khác trên địa bàn xã. Tuy nhiên, vì chưa có điện mà đời sống tinh thần của bà con không được cải thiện bao nhiêu. Cuộc sống sinh hoạt vẫn tối tăm theo đúng nghĩa đen của nó và thiệt thòi hơn là không được tiếp xúc với các phương tiện nghe nhìn.

Phó chủ tịch HĐND xã Lục Văn Khai là người thôn Khe Mạ tâm sự: “Hàng ngày tới trụ sở làm việc mọi người luôn kể chuyện rôm rả khi thì về một bộ phim hay đang chiếu trên truyền hình, khi là một trận bóng đá gay cấn, hay một vấn đề xã hội nóng bỏng, một chủ trương mới được phát trong chương trình thời sự tối hôm trước... còn mình thì chỉ ngồi im, nghe cũng chẳng hiểu gì”. 

Khắc khoải một lời hứa

Nói là không được quan tâm đầu tư xây dựng đường điện cũng không phải bởi từ năm 2001 tỉnh đã có dự án xây dựng đường điện 35 KV, trạm hạ thế được xây dựng từ đó, cho đến nay qua gần chục năm trời nó vẫn nằm im, các biển báo nguy hiểm, một số ốc vít đã hoen rỉ cùng nắng mưa. Cho đến tháng 3/2008, Dự án Năng lượng nông thôn II (RE II) vào khảo sát, xây dựng đường dây từ trạm hạ thế đi về các thôn. Tuy nhiên, sau nhiều tháng triển khai mới chỉ có những hàng cột chỏng trơ nằm im dọc tuyến, mặc dù bà con đã nghe lời hứa của nhà đầu tư: “Sẽ có điện vào dịp 2/9/2008”.

Lời hứa đó qua đi và rồi lại được chuyển đến cuối năm, rằng chắc chắn sẽ có điện trước tết cho bà con đón Tết Kỷ Sửu. Còn nhớ trong kỳ họp cuối năm 2008 - HĐND tỉnh khoá XVI, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh có nhắc tới ý kiến, kiến nghị về việc đầu tư xây dựng đường điện của cử tri ở Tân Hương, đồng chí cũng nói kiến nghị này sẽ được giải quyết để bà con có điện ăn tết. Nhưng rồi bà con vẫn đón tết cổ truyền cùng đèn dầu, bếp lửa và bóng điện tự chế như bao năm trước không có gì thay đổi.

Cũng đã có những hộ gia đình khá giả hơn họ chủ động đóng góp tiền kéo điện về từ các xã bạn cách xa vài km, tuy nhiên do đường dây không đảm bảo điện yếu hầu như không sử dụng được nhất là giờ cao điểm, cố lắm cũng chỉ đủ 1 bóng thắp sáng. Nhưng đường điện này hết sức nguy hiểm bởi hệ thống cột tạm đường dây rất thấp. Đã có trường hợp do mưa lớn dây điện đứt ngang đường làm giật chết một con trâu của gia đình anh Lý Văn Thành ở thôn Khe May.

Làm gì để 5 thôn người Dao có điện luôn là trăn trở của Đảng uỷ, Chính quyền xã bởi thế năm 2008 khi có nguồn vốn 135 giai đoạn II đầu tư cho 5 thôn, các đồng chí lãnh đạo xã đã kiến nghị với huyện dành một phần kinh phí này để xây dựng đường điện cho bà con, sao cho có điện sớm nhất. Đường điện từ nguồn vốn 135 được xây dựng khẩn trương, chỉ trong vài tháng đã hoàn chỉnh, và nằm chờ đấu vào đường điện mà Dự án RE II đảm nhận.

Tuy nhiên với tiến độ đào hố hàng tháng rồi mới lên đổ bê tông, có hố rồi hàng tháng sau mới lên dựng cột và cứ như thế cho đến nay RE II vẫn chưa hoàn thành hạng mục của mình: kéo dây dang dở và bỏ đấy... Giờ thì các đồng chí lãnh đạo xã lại lo lắng làm sao để bảo vệ tuyệt đối được đường điện đã kéo không để xảy ra mất trộm khi vẫn phải chờ Dự án RE II hoàn thành.  

Bao giờ cho đến ngày mai?

Không thể kế hết những bức xúc của người dân ở đây. Biết bao thế hệ đã hy vọng vào một ngày họ cũng được hưởng nguồn ánh sáng vô giá mà con người đã phát minh ra. Rồi thời gian cứ qua đi họ lại hy vọng niềm vui bất tận sẽ đến với đời con, đời cháu mình. Người dân ở đây đã làm đủ mọi cách: đơn thư kiến nghị gửi đi khắp nơi, đến mức họ đã như những “người hiền nổi giận” khi có biểu hiện đồng loạt chống đối sẽ không đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khoá XII; ra điều kiện với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khi đi tiếp xúc cử tri vận động tranh cử trước cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII...

Rồi mọi chuyện cũng đã tốt đẹp sau nhiều hội nghị liên chi bộ của Đảng uỷ, chính quyền xã làm công tác tư tưởng cho đồng bào và cũng phải có những lời hứa hẹn... Đồng bào lại đặt niềm tin vào một ngày mai dòng điện sẽ sáng. Nhưng ngày mai ấy là đến bao giờ? Câu hỏi ấy xin gửi lại các cấp, các ngành hữu quan hy vọng sẽ có một lời giải sớm, để niềm tin còn ở lại!

Ngọc Tú

Các tin khác
Lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền và Công an xã An Lương thường xuyên  xuống cơ sở nắm bắt tình hình an ninh trật tự. (Ảnh: Đình Tứ)

YBĐT - Là xã vùng cao của huyện Văn Chấn (Yên Bái), địa bàn rộng tới 6851 ha, lại giáp ranh với nhiều địa phương như: Mỏ Vàng, Nà Hẩu (Văn Yên), Hồng Ca (Trấn Yên), Suối Giàng, Suối Quyền, Sùng Đô (Văn Chấn), là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em là Dao, Tày, Mông… thế nhưng tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã An Lương nhiều năm qua luôn được duy trì ổn định, điều mà không nhiều địa phương vùng cao làm được.

YBĐT – Nhằm mở rộng, phát triển hơn nữa mô hình sản xuất, chế biến miến đao trên địa bàn xã Giới Phiên (TP Yên Bái), từ đầu năm đến nay Quỹ hộ trợ nông dân tỉnh Yên Bái đã cho 15 hộ hội viên nông dân xã Giới Phiên vay 150 triệu đồng, thời hạn 2 năm với lãi xuất 0,7%/tháng để mở rộng và phát triển ngành nghề.

Liên bộ Nội vụ - Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 04 quy định về việc điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã nghỉ việc. Theo đó, kể từ ngày 1-5-2009, cùng với việc Chính phủ tăng mức lương tối thiểu chung lên 650.000đ/tháng thì mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu nghỉ việc được tăng thêm 5%.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, trong dịp nghỉ lễ có khả năng sẽ xuất hiện bão nên người dân cần cập nhật thường xuyên dự báo thời tiết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục