Xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh
- Cập nhật: Thứ hai, 25/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mỗi con người một cảnh đời, một nỗi đau bất hạnh cần những tấm lòng hảo tâm săn sóc chở che; đó là những gì tôi cảm nhận được trong lần gặp gỡ các cụ già cô đơn không nơi nương tựa, những em bé mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lang thang cơ nhỡ và bị bỏ rơi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái.
Chị Nguyễn Thị Loan - nhân viên của Trung tâm chăm sóc bà Đỗ Thị Huệ đang ốm liệt giường.
|
Những con người có cảnh đời bất hạnh này đang là các đối tượng xã hội được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông Triệu Quốc Quỳnh - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Hiện nay, Trung tâm đang quản lý 64 đối tượng, trong đó có 12 người già cô đơn không nơi nương tựa tuổi từ 69 đến 94 tuổi, 46 trẻ mồ côi, thang thang, đặc biệt khó khăn và và 6 trẻ bị bỏ rơi. Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các địa phương trong tỉnh muốn đưa thêm các đối tượng vào Trung tâm nhưng do cơ sở chật chội không có chỗ ở nên Trung tâm cũng đành … chịu!".
Các cụ già ở đây mỗi người có một hoàn cảnh. Họ đều là những người hết tuổi lao động độc thân, không con, không vợ hoặc có vợ, con nhưng ốm đau, tai nạn đã ra đi trước…
Chị Đinh Thị Nguyệt - cán bộ quản lý Trung tâm dẫn tôi tới thăm bà Đỗ Thị Huệ, khi ấy chị Nguyễn Thị Loan - nhân viên phục vụ hợp đồng tại Trung tâm đang vệ sinh cho bà. Các chị cho biết: "Bị tai biến từ năm 2000 đến nay đã 9 năm, bà Huệ là người rất có nghị lực ít muốn phiền ai nên khi còn khoẻ bà tự mặc quần áo, xúc cơm ăn. Còn hôm nay bà đã liệt giường nên chị Loan vất vả hơn". Còn các em nhỏ đều là trẻ mồ côi không cha mẹ, anh em, họ hàng nuôi dưỡng, chiếm 70% là trẻ em người Mông ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải, còn lại là trẻ em dân tộc Kinh, Tày, Dao tại các địa phương khác trong tỉnh. Hầu hết cha mẹ các em chết do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, rắn cắn…
Tại đây tôi được gặp anh em Hờ A Vàng, Hờ A Sếnh, Hờ A Lao và Tráng A Bang, Tráng A Tống, Tráng A Vếnh ở xã Bản Mù (Trạm Tấu) là con của hai cặp vợ chồng chết do tai nạn giao thông trên tuyến đường Nghĩa Lộ - Trạm Tấu cách đây đã lâu. Còn em Sùng Thị Bê ở xã Bản Mù (Trạm Tấu) năm nay mới lên 9 tuổi đã phải chịu thiệt thòi; mẹ ốm mất, bố nghiện hút hiện đang ở Trung tâm cai nghiện tỉnh. Đầu năm 2009, em được đón nhận vào đây và được Trung tâm cho đi học lớp 1 ở Trường tiểu học Lê Văn Tám. Tất cả các trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ vào đây đều được Trung tâm cho đi học tại Trường tiểu học Lê Văn Tám, Trường THCS Yên Thịnh...
Từ cuối năm 2005, Trung tâm có thêm chức năng nhận và nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi đến 18 tuổi. Hầu hết các trẻ này bị bỏ rơi do nhiều hoàn cảnh. Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi thường có sức khoẻ yếu, có khi có trẻ còn bị nhiễm HIV. Kể từ khi thực hiện việc nhận trẻ bị bỏ rơi đến nay đã có 3 - 4 em ốm yếu và qua đời. Hiện trong số 6 trẻ bị bỏ rơi tại Trung tâm có 1 bé đang phải điều trị tại bệnh viện. Được biết, trong những năm qua số trẻ bị bỏ rơi đều được chuyển cho tổ chức nhận con nuôi của nước ngoài.
Hiện nay, Trung tâm chỉ có 7 cán bộ. Thiếu cơ sở vật chất, đơn vị chỉ có 3 dãy nhà cấp 4 làm nơi ở và chăm sóc các đối tượng xã hội. Bên cạnh đó, các đối tượng này hiện nay chỉ được hưởng tiền trợ cấp bình quân 240 nghìn đồng/người/tháng, tính trung bình mỗi người chỉ có 8000 đồng/ngày. Xoè tay bấm đốt ông Quỳnh cho biết: "Để bù thêm cho mỗi xuất ăn 2000 đồng/ngày cho mỗi người, Trung tâm đang phải chi thêm mỗi ngày 1 triệu 300 nghìn đồng cho 64 người, kinh phí được trích từ các nguồn tài trợ của tổ chức nước ngoài và các phật tử miền Nam ủng hộ".
Những em nhỏ, những cụ già với nhiều cảnh đời bất hạnh ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Yên Bái đang mong mỏi sự giúp đỡ của các cấp, ngành liên quan, các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm để dịu bớt đi nỗi đau trong cuộc sống hôm nay!
Minh Đức
Các tin khác
Ngoài việc được hưởng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm, người thất nghiệp còn được hưởng nhiều hỗ trợ khác từ Quỹ BHTN, trong đó được hỗ trợ học nghề tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng.
Ngày 24-5, Cục Quản lý dược Việt Nam đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm, khoa dược của các cơ sở khám chữa bệnh trong phạm vị địa bàn chuẩn bị cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại thuốc trong phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy cấp do khuẩn tả, các loại thuốc khử trùng vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh.
Do ảnh hưởng của áp thấp nóng lục địa châu Á, nắng nóng đã bắt đầu ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc Bắc bộ từ ngày 24-5, nhiệt độ cao nhất ở một số địa phương đã lên đến 35-37oC.
YBĐT - Liên tục trong các ngày từ 20 đến 24/5, ngoài bệnh nhân Hà Văn Ước đã có kết luận dương tính với phẩy khuẩn tả của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã tiếp nhận thêm 9 bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy, có dấu hiệu nhiễm phẩy khuẩn tả.