Phát triển trang trại chăn nuôi: Người chăn nuôi mong có "cần câu"

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Có nhiều chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn từng nói, chăn nuôi đã khó, nhưng chăn nuôi trang trại lớn càng khó hơn, do hàng loạt những rủi ro đặc thù mà chỉ chăn nuôi gặp phải, và gặp rồi thì rất khó để gượng dậy. Người đi lên từ chăn nuôi phải là người có bản lĩnh, không dao động trước những thay đổi chóng mặt của thị trường. Và quan trọng hơn là phải đi dần từ thấp đến cao...

Đầu năm 2008, khi biết tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển các trang trại chăn nuôi, từ vay vốn đến hỗ trợ 30 triệu đồng làm chuồng trại, mua con giống ... thì một doanh nghiệp xây dựng có tiếng ở Văn Chấn quay sang đầu tư trang trại chăn nuôi lợn quy mô 200 con. Bỏ ra cả trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống... nhưng trước khi xuất chuồng một tháng thì gặp phải một đợt dịch bệnh, mà thực chất đây là những căn bệnh thường gặp theo mùa ở địa phương, người dân vẫn có thể tự chữa, nhưng doanh nghiệp lúng túng, chưa kịp xoay xở chữa bệnh thì quá nửa đã chết, số còn lại vội vàng bán tháo gỡ lại chút vốn và cho đến nay cũng chưa dám phát triển lại, cả khu chuồng trại rộng lớn chỉ để nuôi vài con lợn rừng.

Việc một doanh nghiệp chuyên xây dựng công trình, quen tay gạch, tay vữa chuyển sang bưng cám nuôi lợn, thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về chăn nuôi thì thất bại là điều tất yếu. Tất nhiên, thua lỗ là chuyện của doanh nghiệp, còn tiền Nhà nước hỗ trợ theo đó mà đi thì chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả! Cũng có doanh nghiệp đã rất thành công khi chuyển sang chăn nuôi như Tổng công ty Hoà Bình Minh (TP Yên Bái). Đây cũng là một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ và xây dựng, tuy nhiên khi chuyển sang chăn nuôi doanh nghiệp đã có những bước đệm rất tốt, chuẩn bị kỹ về con người, kỹ thuật và thử nghiệm trước khi phát triển quy mô lớn như hiện nay.

Phát triển chăn nuôi nhìn từ góc độ kinh tế hộ gia đình cũng có những vấn đề tương tự. Hầu như ở các vùng nông thôn hay ngay các thành phố, thị xã, thị trấn các hộ đều có chuồng trại chăn nuôi, nhưng quy mô dưới 10 đầu lợn là chủ yếu. Số ít trong đó đã từng bước phát triển lên thành trang trại lớn quy mô trên 100 con (toàn tỉnh có 97 trang trại), song trong đó số trên 200 con cũng chỉ đếm đầu ngón tay. Có thể thấy, ngành chăn nuôi ở Yên Bái những năm qua mặc dù đã có những bước phát triển, nhưng mới chỉ là khởi đầu. Tiềm năng thì có nhưng làm sao để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá thì dường như vẫn còn nhiều khó khăn. 

Để khuyến khích phát triển chăn nuôi hàng hoá, tỉnh đã mạnh dạn đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như: cho vay vốn, hỗ trợ làm chuồng trại, mua giống, thụ tinh nhân tạo... Tuy nhiên, những sự hỗ trợ đó cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người chăn nuôi hiện nay. Để có một trang trại quy mô lớn theo hướng hàng hoá thì không phải ai cũng làm được và không phải có tiền là làm được ngay.

Chị Nguyễn Thị Huyền-xã Văn Phú, thành phố Yên Bái là một chủ trang trại lớn quy mô lớn, mỗi năm trang trại xuất 2 lứa, mỗi lứa trên 20 tấn lợn hơi. Nói về kinh nghiệm chăn nuôi, chị chỉ nói một câu: "Kinh nghiệm quyết định thành công". Theo chị, đa số những hộ chăn nuôi trang trại ở Văn Phú hiện nay đều đi từ nhỏ lên. Là những người có kinh nghiệm nuôi lợn lâu năm nên khi có biểu hiện bất thường là họ phát hiện và chữa ngay; do vậy hạn chế được rất nhiều rủi ro. Ở các vùng nông thôn hiện nay, đa số hộ chỉ chăn nuôi theo hướng tận dụng nhà có vài sào ngô, cân cám, nước rác, không tập trung phát triển, không coi chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế chính nên thiếu sự đầu tư nguồn lực. Nhiều hộ năm 2008 đã nhận sự hỗ trợ của Nhà nước để làm trang trại nhưng sau khi xuất lứa đầu tiên thì đó cũng là lứa cuối cùng do lỗ vốn hoặc trả nợ ngân hàng, nay không còn khả năng tái đầu tư, nhiều hộ đã trở về với quy mô vài chục con lúc đầu.

Một điểm chung ở mỗi trang trại chăn nuôi quy mô sản xuất hàng hoá là khả năng tự túc con giống, đây cũng là yếu tố quyết định việc duy trì phát triển của mỗi trang trại. Anh Chu Văn Tốt, thôn Hải Chấn, Gia Hội, Văn Chấn là hộ chăn nuôi quy mô trên 50 con/ năm, cho biết, để duy trì được số đầu lợn trên 50 con anh phải có 5 con lợn nái đẻ. Tự túc được con giống thì việc đầu tư đã giảm rất nhiều, chỉ phải tập trung lo vốn để mua cám, như vậy mới có lãi để quay vòng và phát triển. Cũng vì vậy đối với chính sách hỗ trợ 30 triệu đồng phát triển trang trại trên 100 con, anh rất ủng hộ và đầu năm 2009 này anh đang xây dựng dự án để xin hỗ trợ với sự tự tin có thể duy trì được theo yêu cầu.

Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi đã có quy mô trên 100 con lợn thì việc mong muốn hỗ trợ của Nhà nước lại rất khác. Một hộ chăn nuôi ở xã Văn Phú đã đem 30 triệu đồng vừa nhận từ chính sách hỗ trợ phát triển trang trại lợn của tỉnh đem đến Phòng Công nông nghiệp thành phố Yên Bái trả lại và xin được vay một số tiền lớn hơn với lãi suất ưu đãi nhưng không được, vì không có chính sách nào như vậy. Câu chuyện trên cho thấy, cái người chăn nuôi cần không phải là "con cá" mà là cái "cần câu" đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách điều chỉnh ở tầm vĩ mô. Không thể như  hiện nay, ai cũng như ai, doanh nghiệp cũng như người dân ai làm cũng đều được cho tiền và khi người chăn nuôi theo dự án hỗ trợ thất bại thì lại không có ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Qua tìm hiểu và nguyện vọng của đông đảo người chăn nuôi, chính sách hỗ trợ của tỉnh cần có sự thay đổi phù hợp với điều kiện kinh tế và dân trí ở tỉnh miền núi. Do vậy, chính sách hỗ trợ chăn nuôi không nhất thiết cứ phải có 100 con lợn mới được hỗ trợ 30 triệu đồng, mà 40 con hoặc 50 con cũng có thể hỗ trợ 10 - 15 triệu đồng. Như vậy sẽ nhiều hộ được hỗ trợ, nhiều hộ phát triển chăn nuôi, cả tỉnh sẽ có tổng đàn lợn hàng hóa lớn gấp nhiều lần việc khuyến khích hỗ trợ quy mô 100 con lợn.

Với điều chỉnh chính sách hỗ trợ như vậy, tỉnh Yên Bái sẽ phát triển chăn nuôi hàng hóa nhanh hơn và đương nhiên, khả năng rủi ro cũng ít hơn.

Anh Dũng

Các tin khác

Sở Y tế TPHCM đánh giá có dấu hiệu cúm A/H1N1 đang chững lại, tuy nhiên mọi phương án chống dịch vẫn luôn đặt trong tình trạng báo động.

Kiểm dịch y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Dự thảo Nghị định về kiểm dịch y tế biên giới do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo được đưa ra lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trong bối cảnh cúm A/H1N1 đã trở thành đại dịch toàn cầu.

Ngày 13-6, Bộ Y tế tiếp tục có thông báo về tình hình dịch cúm A/H1N1 trên thế giới và Việt Nam. Đến ngày 13-6, Việt Nam đã có 25 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, gồm 22 trường hợp về từ các nước đang có dịch, 3 trường hợp nhiễm bệnh tại Việt Nam. Cả 3 trường hợp này đều có tiếp xúc gần với người nhà về từ nước đang có dịch. Tất cả trường hợp trên đã được cách ly, điều trị tại bệnh viện, không có tử vong, sức khỏe ổn định.

Thành phố Yên Bái giờ đây cứ có mưa là ngập lụt.

YBĐT - Qua một vài cơn mưa nhỏ đầu mùa, nhiều tuyến đường nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Yên Bái lại bị ngập nước. Trong khi đó, một mùa mưa bão nữa lại về, báo hiệu nhiều bất thường!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục