Việc cứu người đã là duyên nợ
- Cập nhật: Thứ hai, 15/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là bộ đội xuất ngũ từ chiến trường miền Nam, ông về quê với một vết thương ở chân và nỗi đau "da cam" dai dẳng mà chiến tranh để lại. Không chịu đầu hàng số phận, không chịu lùi bước trước khó khăn, ngày ngày ông vẫn cặm cụi mang ớp, mang thuổng lên rừng tìm cây thuốc về chữa bệnh cho dân. Ban đầu là các bệnh: khớp, gan, thận, sau đó ông nổi tiếng với bài thuốc gia truyền chữa rắn độc cắn với ông việc cứu người đã là duyên nợ.
Ông lang Kiều thăm bệnh cho ông Trương Đình Nhường ở tổ 2, phố Bách Lẫm, phường Yên Ninh - (TP Yên Bái).
|
Ông là Phạm Văn Kiều, sinh năm 1939, quê làng Vần Dọc, xã Việt Hồng (Trấn Yên). Theo tiếng gọi của quê hương, năm 25 tuổi ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến dịch Tây Nguyên cho đến năm 1974 xuất ngũ về quê Việt Hồng làm xã đội trưởng, rồi chủ nhiệm hợp tác xã hơn 10 năm mới về nghỉ hưu tại thôn 5, xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái). Từ đây ông bắt tay vào nghề bốc thuốc gia truyền mà bà và mẹ đã truyền dạy để giúp đỡ những người nghèo, người bệnh trong thôn. Những bí quyết được mẹ truyền dạy cho từ những năm lên 10 khi theo bà lên rừng ông vẫn nhớ như in. Những cây thuốc ông lấy rất mát tay nên đã chữa khỏi cho biết bao người đi rừng không may bị trượt chân, sai khớp hoặc gãy xương, đau gan.
Ban đầu ông chữa cho người nhà, người thân, họ hàng, sau đó nhiều người dân trong thôn, trong xã không may bị nạn đến nhờ đều được ông tận tình cứu giúp. Tiếng lành đồn xa, tên tuổi của ông đã vượt ra khỏi ngôi nhà tranh ở thôn 5 bé nhỏ mà lan rộng sang các xã bạn, huyện bạn rồi ra ngoài tỉnh. Có hai ca bệnh gan nặng bị trả về từ tuyến Trung ương là anh Đàng, 30 tuổi ở trong vùng chiến khu Vần và bà Toán ở Km 32 xã Hưng Khánh (Trấn Yên), người nhà đến gặp ông với hy vọng còn nước, còn tát đã được ông cứu giúp thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Ở ông, ngoài cái tài bốc thuốc nam chữa bệnh thông thường, người dân thôn 5 còn truyền nhau “bí mật”: “Ông lang Kiều rất giỏi chữa hèm những loại bệnh như: đau mắt, hóc xương. Người bị hóc xương gà, xương cá dù người già hay trẻ nhỏ đau nặng đến đâu, bị đau hàng tuần chưa lấy ra được đi chăng nữa, chỉ cần tới gặp ông, ông cho uống một bát nước đun sôi là khỏi ngay.
Tôi gặp ông trong một lần “vạn bất đắc dĩ” vì không may cũng bị hóc xương cá. Cái xương cá chép trắng, nhỏ tí tẹo nằm ngang cổ khiến tôi khó chịu đến phát điên vì vướng và đau. Có thể do tôi cố sức tìm mọi cách móc lấy xương ra khiến cổ họng bị xây xước nên chẳng những làm cho các bác sĩ trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải bó tay mà chiếc máy nội soi của một bác sĩ tư có tiếng ở phường Minh Tân cũng không nhìn thấy gì hết. Tôi tìm đến nhà ông lang Kiều nhờ có sự giúp đỡ của gia đình một đồng nghiệp với hy vọng mong manh, vì những thiết bị y tế hiện đại thế kia còn không làm gì được. Nhưng, suy nghĩ đó của tôi lập tức bị dập tắt bởi chính sự quả quyết của người lính già nhỏ bé có đôi mắt cương nghị.
Ông nói: “Hóc xương cá thì đơn giản thôi, cô cứ yên tâm, mai sẽ khỏi”. Rồi ông nhanh nhẹn đi xuống nhà bếp mang lên một bát nước nhỏ bảo tôi uống làm ba ngụm và nuốt thật mạnh. Đồng thời, ông dùng ngón tay gõ nhẹ lên đầu tôi mấy cái rồi khẳng định: “Về nhà, nếu thấy vướng ở cổ thì khạc mạnh cho xương ra, nếu không thấy vướng thì chiếc xương ở sâu bên trong sẽ tự nó mủn ra và trôi vào cổ”. Tôi khấp khởi về nhà. Thế rồi cứ như là uống được thần dược, hôm sau chẳng thấy vướng bận gì ở cổ nữa. Được biết, đã có rất nhiều người không may bị hóc xương gà, đi bệnh viện gắp không được mà đến gặp ông, uống bát nước sôi để nguội về nhà cũng khỏi luôn. Ngoài chữa hóc xương bằng hèm, ông lang Kiều còn chữa được bệnh đau mắt đỏ bằng hèm rất hiệu quả. Mắt đau dù nặng đến đâu cũng chỉ một hai hôm sẽ hết đỏ. Hay như việc chữa bệnh giòi bọ ở gia súc như trâu, bò, chỉ cần chủ của súc vật ấy đến gặp ông nói cho ông nghe là con trâu màu gì, chủ nhân buộc trâu ở đâu, ông thổi thuốc cho về giòi, bọ sẽ tự khắc rơi ra bằng hết và vết thương ở gia súc sẽ sớm liền da. Với những bài thuốc này, ông lang Kiều đã giúp cho không biết bao nhiêu nông dân thoát khỏi cảnh khốn khó khi những con vật được xem là “đầu cơ nghiệp” của mình bị mắc bệnh.
Người dân Hợp Minh cũng như các xã bạn còn không ngớt lời ca tụng về bài thuốc chữa rắn độc cắn rất công hiệu của ông. Nhiều người bệnh từ Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang... không quản đường xá xa xôi đã tìm về Hợp Minh gặp ông lang Kiều. Tuỳ theo mỗi loại bệnh, thời gian phát bệnh và độ tuổi cũng như sức khoẻ của từng người bệnh, ông có thể chữa khỏi được nhanh hay chậm. Có người không may bị những loài rắn độc như hổ mang chúa, rắn lục, cạp nong, rắn mốc cắn, tìm đến ông hầu như đều được cứu sống sau 4 giờ cho uống thuốc, trừ những trường hợp người bệnh không có sức khoẻ và để quá lâu. Ông kể cho chúng tôi nghe chuyện có cô gái vào buồng nghe điện thoại, bỗng nhìn thấy một con rắn hổ mang nặng hơn 1 kg không biết bò vào nhà từ lúc nào và nằm khoanh tròn dưới gầm tủ. Cô này sợ quá trèo vội lên giường nhưng vẫn bị con rắn trườn đuổi theo cắn vào chân gây sưng tấy từ đầu gối xuống. Được gia đình băng bó ga-rô cẩn thận đưa đến, ông cho uống bát thuốc khỏi liền. Từ đó đến nay đã bốn, năm năm rồi nhưng không có tết nào là cô quên đến chúc tết gia đình ông. Năm vừa rồi cô còn đưa cả anh người yêu đến nhà ông chơi. Hay như cậu em chú của ông Chủ tịch xã Hợp Minh leo lên cây gỗ mục bị rắn độc cắn. Anh này được đưa đến nhờ ông cứu chữa lúc 7 giờ tối, ông cho uống thuốc, đến 12 giờ đêm thì thoát nạn trở về nhà. Còn những trường hợp nặng như vợ chồng anh chị Quyền - Châm làm nghề buôn rắn, bị con rắn hổ mang chúa gần 4 kg cắn còn ray chán mới nhả ra...
Rồi anh Thực, hay như vợ chồng anh chị Chấp - Thể ở Km 13 Yên Bình, bị rắn cắn hay có người thân bị rắn cắn đều đến gặp ông chạy chữa mới giữ được tính mạng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà lá đơn sơ, ông Kiều cho biết, từ tết đến giờ ông đã chữa cho hơn chục ca bệnh bị rắn độc cắn; gần chục ca bị hóc xương, trong đó có 2 trường hợp: một của cháu bé 18 tháng tuổi và một cháu 24 tháng tuổi, do ăn bột nấu cá chép. Ông Trương Đình Nhường ở tổ 2, phố Bách Lẫm, phường Yên Ninh (TP Yên Bái), bệnh nhân đang đợi bốc thuốc chữa đau thận tại nhà ông lang Kiều tâm sự: “Tôi có một người bạn đã uống thuốc của ông Kiều ra 5 - 6 viên sỏi thận. Nghe vậy, tôi tới cắt uống một lần thấy đỡ đau nên hôm nay tới lấy tiếp”.
Mặc dù hiện nay cuộc sống gia đình ông lang Kiều vẫn còn khốn khó bởi di chứng của chất độc da cam ở ông đã làm ảnh hưởng tới cả đứa cháu nội duy nhất. Nhưng, với lòng yêu nghề và cái tâm “chữa bệnh để cứu người”, ông Kiều vẫn ngày ngày lên rừng tìm thêm cây thuốc quý để bổ sung cho vườn thuốc nam của gia đình thêm phong phú. Người dân Hợp Minh quê ông thường nói đùa “Với người lính già ấy, việc cứu người đã là duyên nợ”. Mà có lẽ cũng là duyên nợ thật. Xưa, thời trai trẻ, ông cầm súng lên đường giết giặc, giải phóng quê hương. Nay trở về với nỗi đau màu đỏ, thay vì cây súng, ông lại cần mẫn lên rừng tìm cây thuốc quý về chữa bệnh cứu người. Người bệnh khỏi một, ông thấy khoẻ lên mười. Cứu được một người bị rắn độc cắn thoát chết bằng thuốc nam hay giúp cho một người khỏi đau mắt đỏ bằng chữa hèm, với ông đều là làm phúc cho con cháu. Chỉ đến khi thuyết phục được ông rằng, còn rất nhiều người bệnh muốn tìm đến ông, muốn được ông cứu chữa mà chưa biết nơi ở của gia đình, chưa biết phải chạy chữa ra sao, trong khi chỉ bằng một bát nước hèm đơn giản mà ông có thể hoá giải được tất thảy những băn khoăn, lo lắng ấy thì ông mới đồng ý để chúng tôi viết về mình - một người lính, người thầy thuốc giàu y đức Phạm Văn Kiều.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe cho 5395 người. Trung bình mỗi tháng có trên 1 nghìn chủ phương tiện được đào tạo cấp giấy phép lái xe mô tô, trong đó có nhiều người ở vùng sâu, vùng xa. Quá trình đào tạo của Trung tâm đã góp phần làm giảm thiểu số vụ TNGT trên địa bàn.
YBĐT - Nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
YBĐT - Có nhiều chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn từng nói, chăn nuôi đã khó, nhưng chăn nuôi trang trại lớn càng khó hơn, do hàng loạt những rủi ro đặc thù mà chỉ chăn nuôi gặp phải, và gặp rồi thì rất khó để gượng dậy. Người đi lên từ chăn nuôi phải là người có bản lĩnh, không dao động trước những thay đổi chóng mặt của thị trường. Và quan trọng hơn là phải đi dần từ thấp đến cao...
Sở Y tế TPHCM đánh giá có dấu hiệu cúm A/H1N1 đang chững lại, tuy nhiên mọi phương án chống dịch vẫn luôn đặt trong tình trạng báo động.