Hậu giám sát và những việc cần làm ngay
- Cập nhật: Thứ tư, 15/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - HĐND tỉnh Yên Bái vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh sáu tháng đầu năm. Hội nghị này đánh dấu sự đổi mới về hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. Đó là việc tổ chức một cuộc họp giữa HĐND với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn để cùng nhìn nhận những tồn tại, có cả những sai phạm sau các cuộc giám sát của HĐND tỉnh. Lần đầu tiên, hội nghị được xem các hình ảnh thực từ cơ sở là bằng chứng của những thiếu sót, sai phạm do các đoàn giám sát lưu lại.
Theo đánh giá của đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thì những thông tin đó có ý nghĩa lớn để tỉnh, cơ quan điều hành thẩm định lại đa chiều để kịp thời điều chỉnh, xử lý sai phạm cũng như lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương đạt kết quả tốt nhất.
Cụ thể, qua giám sát thực hiện Nghị định 130, Nghị định 43 của Chính phủ về thực hiện quyền tự chủ của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cho thấy, sau 4 năm thực hiện, đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị mới được giao hai quyền tự chủ là thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và quản lý tài chính, còn tự chủ về quản lý và sử dụng biên chế vẫn chưa được thực hiện. Tỷ lệ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiếm tỷ lệ từ 30% - 40%, có đơn vị không tăng nhiệm vụ nhưng biên chế có xu hướng tăng.
Tình trạng đội ngũ cán bộ, công chức vừa thừa vừa thiếu, không đồng bộ về cơ cấu diễn ra ở nhiều nơi nhưng chậm được giải quyết. Đơn cử tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), năm 2008, có một số cán bộ nghỉ hưu theo Nghị định 132. Khi xây dựng kế hoạch biên chế năm 2009, nhà trường đề nghị bổ sung giáo viên bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục nhưng UBND thành phố lại bổ sung giáo viên tiểu học, Anh văn dẫn đến thừa cứ thừa, thiếu vẫn thiếu.
Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã phải hợp đồng 3 giáo viên của 3 bộ môn thiếu và thu tiền của học sinh để trả lương cho giáo viên với mức 5.000 đồng/học sinh/tháng. Hay ở Trường THPT Hoàng Quốc Việt, quy mô học sinh giảm từ 31 lớp (năm 2006) xuống còn 17 lớp (năm 2008) nhưng biên chế các cơ quan quản lý giao cho nhà trường lại tăng từ 75 người (năm 2006) lên 79 người (năm 2008) nên trường thừa 9 giáo viên theo quy định.
Ở Đài Truyền thanh thành phố Yên Bái, năm 2008, có 2 người nghỉ hưu theo Nghị định 132. Xây dựng biên chế năm 2009, đơn vị đề nghị được tuyển phóng viên báo chí song UBND thành phố lại bổ sung cho Đài 1 trung cấp quay phim, 1 giáo viên Ngữ văn... Chính vì vậy, thực hiện triệt để việc giao quyền tự chủ cho các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp là mấu chốt để giải quyết những tồn tại này.
Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2008 - 2010 trên địa bàn, HĐND tỉnh đã chỉ ra nhiều sai phạm. Sau hơn một năm thực hiện, tỉnh đã hỗ trợ 25 tỷ 905 triệu đồng, đạt 86,5% kế hoạch nhưng quá trình thực hiện chưa chặt chẽ, chưa đúng nội dung chính sách ban hành.
Ví dụ, chính sách đề cập hỗ trợ mô hình chăn nuôi đầu tư mới với quy mô cụ thể nhưng thực tế, cơ sở đã trao tiền hỗ trợ cho nhiều mô hình không đảm bảo đúng quy định, có tới 80% chuồng trại cơi nới, mở rộng hoặc một số đã xây dựng từ lâu. Số lượng đầu con đàn lợn thịt, lợn nái, gà tại thời điểm kiểm tra không đảm bảo quy định, thậm chí có những hộ bỏ trống chuồng trại sau khi đã xuất lứa đầu hoặc do dịch bệnh; tình trạng mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc làm lây lan dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; một số mô hình chăn nuôi xây dựng trong vùng tập trung đông dân cư, gây ô nhiễm môi trường…
Rõ nét hơn nữa là những mô hình hỗ trợ nuôi cá lồng. Hầu hết các lồng cá nhận hỗ trợ trên hồ Thác Bà đều quá cũ, cá biệt có lồng đã mục nát, thậm chí không còn có cá. Trong khi đó, nhiều hộ có lồng cá mới hơn, quy mô lớn hơn lại không được hỗ trợ đã gây tâm lý hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân. Cho nên, quá trình xét hỗ trợ theo chính sách cần giám sát chặt chẽ hơn, dân chủ hơn đồng thời bổ sung các quy định ràng buộc với người chăn nuôi sau khi được nhận hỗ trợ.
Giám sát về việc triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ ngay từ khi bắt đầu thực hiện đã phát hiện những sai sót. Quá trình lập danh sách các hộ được hỗ trợ ở một số địa phương có dấu hiệu không công bằng, thiếu chính xác.
Đề án của tỉnh bỏ sót 12 xã ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bình, Văn Yên có đối tượng cần được hỗ trợ trong khi lại đưa một số phường của thành phố Yên Bái không thuộc phạm vi áp dụng vào danh sách. Hay như ở huyện Văn Chấn, có những hộ nhà ở còn mới, lịa ván chắc chắn thì có tên trong danh sách hỗ trợ, còn những hộ thực sự khó khăn lại nằm ngoài danh sách. Điển hình như gia đình anh Hoàng Đình Toàn ở xã Thượng Bằng La là hộ nghèo, bản thân anh bị cụt chân, vợ và con tàn tật, nhà ở tạm bợ nhưng không được nhận hỗ trợ.
Qua giám sát của HĐND tỉnh, có thể thấy rõ sự mất công bằng, thiếu dân chủ, chưa khách quan trong thực hiện một số chính sách của tỉnh, Chính phủ; có những chính sách do hiểu sai, hướng dẫn chưa chặt chẽ đã dẫn đến sai phạm… Đó cũng chính là các kiến nghị mà HĐND tỉnh thẳng thắn đề xuất để tỉnh có sự điều chỉnh phù hợp cũng như nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và cả những sai phạm nhằm xem xét, giải quyết, xử lý kịp thời.
Hải Anh
Các tin khác
YBĐT - Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh Yên Bái chỉ có 142 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, giảm 93 lao động tương đương với 18,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 28,4% so với kế hoạch năm, mặc dù chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 tỉnh đặt ra vốn đã thấp hơn nhiều so với những năm trước: chỉ 500 người.
YBĐT - 8.791 thí sinh ở các huyện, thị xã, thành phố vừa dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (năm học 2009- 2010) tại 21 trường THPT (công lập) trong tỉnh.
Thủ tướng vừa ra công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, UBND các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng thực hiện nghiêm túc Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá đợt 2 năm 2009.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 1002 phê duyệt đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đề án này dự kiến thực hiện trong 12 năm (2009 - 2020), triển khai trên 6.000 làng, xã thường bị ảnh hưởng do thiên tai trên toàn quốc.