Hội võ đất mường Lò

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nghe nói cách Hà Nội hơn 300 km về phía Tây Bắc, đất Mường Lò đang có chuyện vui. Vào giờ thể dục, hàng nghìn học trò say sưa luyện võ cổ truyền, xem ra chẳng kém miền đất võ Tây Sơn - Bình Định là mấy. “Trăm nghe chẳng bằng một thấy”, mấy anh em tôi hăm hở lên đường...

Học sinh các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ tích cực tập luyện môn võ cổ truyền Nhất Nam.
Học sinh các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ tích cực tập luyện môn võ cổ truyền Nhất Nam.

Sân Trường THCS Nguyễn Quang Bích (thị xã Nghĩa Lộ) rợp bóng cây đang rộn rã tiếng hô, hét của gần 300 võ sinh. Các em đứng thành từng khối, một tiếng hô của thầy thể dục, tất cả bật tấn đánh “rập” chào khách, rồi nhập thế, đi những đường quyền, cước khá đẹp mắt. Anh Phan Thanh Nam - Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã dẫn chúng tôi đi tiếp sang các Trường THCS Tô Hiệu, Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong, Trần Phú và Trường Tiểu học Hoàng Văn Thọ, Nguyễn Bá Ngọc, Bế Văn Đàn...

Giờ thể dục, quang cảnh hàng nghìn học sinh toàn trường xếp đội ngũ, thu tấn múa quyền thật đều và lạ lẫm. Nhìn ngọn cước cô trò nhỏ tung ra kèm tiếng thét lanh lảnh, ai đó đứng sau tôi thì thầm: “Bà Trưng, bà Triệu thời nay!”. Anh Hà Cao Đài - cán bộ Phòng Giáo dục hồ hởi cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã triển khai dạy võ thuật dân tộc Nhất Nam ở 12/13 trường trên địa bàn thị xã, tổng số võ sinh khoảng 4.000 em”. Đúng là một con số biết nói! Tôi sốt ruột muốn “hỏi cho ra lẽ”...

Chị Nguyễn Thị Hậu - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ vui vẻ tâm sự: “Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách làm sao cho hiệu quả. Sau bao trăn trở và nỗ lực tập thể rất cao, cái được là đã gây dựng một phong trào học sinh hăng say luyện tập võ thuật cổ truyền, vừa để rèn luyện thể chất, tạo sự tự tin, bản lĩnh, ý thức kỷ luật cao, thông qua đó giáo dục định hướng nhân cách lại vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc”. “Liệu dạy võ cho học sinh có làm trường học thân thiện hơn theo tinh thần cuộc vận động?” - tôi hỏi.

Chị  giải thích: “  Trong môi trường trường học thân thiện, học sinh sẽ cảm nhận được sự thoải mái khi việc học tập vừa gắn với kiến thức trong sách vở vừa thông qua sự thâm nhập, trải nghiệm của bản thân trong những hoạt động ngoại khóa, trò chơi dân gian, hoạt động tập thể vui mà học. Như thế, mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui”.

Từ cách nhìn ấy, Phòng Giáo dục tìm kiếm những loại hình vận động tập thể cho học sinh và đã lựa chọn võ Nhất Nam làm phương tiện thực hiện cuộc vận động. Hơn 20 năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Võ thuật cổ truyền môn phái Nhất Nam của thầy Đào Hoàng Long hoạt động rất tích cực, tham gia biểu diễn, thi đấu tại nhiều lễ hội văn hóa của địa phương. CLB đào tạo được nhiều thế hệ học trò tốt, hiện đã trưởng thành ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như: công an, quân đội, giáo viên, luật sư, bác sĩ… Thầy Long hiện là Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Quang Bích nên có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động, phong trào.

Phòng Giáo dục thị xã đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban huấn luyện lớp tập huấn môn phái võ Nhất Nam; xây dựng kế hoạch đưa môn võ này vào dạy tại các trường trung học cơ sở, tiểu học. Theo đó, toàn bộ giáo viên thể dục của thị xã đều tham gia tập huấn võ thuật do thầy Long truyền thụ, sau đó về trường triển khai đến mọi lớp học, vào các buổi thể dục giữa giờ.

Sau một tháng, Phòng cử đoàn kiểm tra đến từng trường đánh giá kết quả và vận dụng tính vào điểm thi đua thực hiện cuộc vận động cũng như thành tích của giáo viên. Chỉ sau hai tháng triển khai, những kết quả bước đầu thật đáng mừng. Học sinh đến lớp hào hứng hơn, tình trạng bỏ học, trốn học gần như không xảy ra. Những trò nghịch “quái quỷ” của tuổi học trò dần thay bằng tốp năm, tốp ba giúp nhau tự chỉnh tấn, chỉnh đòn. Những vận động hợp lý kết hợp kỹ thuật thở điều hòa trong võ thuật giúp trẻ xua đi những căng thẳng, mệt mỏi sau tiết học dài và chuyên cần luyện võ còn tạo khả năng tập trung tư tưởng trong học tập chính khóa.

Chẳng ai bảo ai, chúng tôi đồng thanh xin gặp thầy Long. Nhà thầy ở ven dòng Thia hiền hòa. Tại phòng khách treo trang trọng ảnh chân dung Võ sư chưởng môn Ngô Xuân Bính, liền đó là loạt ảnh các võ sinh Nghĩa Lộ biểu diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 20/10/2008 nhân hội thảo khoa học: “Võ Nhất Nam - võ của người Việt”.

Khác hẳn với mọi tưởng tượng, thầy Long trông thật hiền, chất văn nhiều hơn là võ. “Môn võ của anh xuất xứ từ đâu?” - tôi tò mò. Gợi đúng mạch, thầy bộc bạch: “Nhất Nam ngày nay là phần còn lại của võ “hét” đã có từ nghìn năm trước ở vùng lưu vực sông Lam, sông Mã. Võ “hét” tồn tại trong các cộng đồng làng xã, ở các gia phái. Trải bao thăng trầm, môn võ này đã bị thất truyền khoảng 30% - 40%.

Năm 1983, võ sư Ngô Xuân Bính sau bao năm khổ luyện đã tích hợp những tinh hoa từ các dòng phái võ “hét” vùng Thanh - Nghệ để thống nhất, quy tụ vào một mối thành môn phái Nhất Nam và đưa ra quảng bá, phát triển. Hiện ông là Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Nhất Nam tại Liên bang Nga và 7 nước Ban - tích. Ngày 20/10/2008 tại Văn Miếu, học trò trong nước của ông đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, dân tộc học, quân sự, các quan chức ngành hữu quan. Cuộc hội thảo nằm trong tiến trình thành lập Liên đoàn võ Nhất Nam Việt Nam”.

Về phần mình, đinh ninh lời dặn của Sư phụ Chưởng môn khi chia tay, hơn 20 năm nay, thầy Long miệt mài gây dựng phong trào tập võ cổ truyền ở Mường Lò. “Có thời kỳ khó khăn, lò võ chỉ một thầy một trò nhưng tôi không nản, vì tôi tin vào sức sống mãnh liệt của di sản này” - thầy tâm sự. Nhiều trò đã thành đạt ở mọi miền Tổ quốc nhưng mỗi lần thăm thầy, họ luôn dùng lễ “bái sư”, đó chính là tinh thần: “Tôn sư trọng đạo” trong “tâm pháp” môn phái này. Thầy tâm niệm, việc học võ của người phương Đông phải như một hình thức tu đạo chứ không chỉ là rèn cho cứng tay, mạnh chân. Học để hiểu cuộc đời, biết tuân theo các quy luật, chuẩn mực, có thái độ sống tích cực, gần gũi thiên nhiên, trân trọng và bảo vệ những giá trị hướng thiện, bảo vệ cộng đồng, quê hương, đất  nước.

Tôi chợt nghĩ, việc làm của Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Nghĩa Lo, của thầy Long hôm nay, nhân cuộc vận động này, sẽ lớn lao hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu đặt ra. Dòng giá trị tinh thần lớn lao của dân tộc Việt hôm qua cứ lặng lẽ chảy đến mai sau trong những giọt mồ hôi rơi trên gương mặt em bé chăn trâu luyện võ tôi đã gặp...

Tôi thầm ước, sẽ có nhiều đơn vị tiên phong và sáng tạo trong cách làm như Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ...

Hạnh Lan

Các tin khác
Đội thông tin lưu động tỉnh biểu diễn tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại các xã vùng cao Văn Chấn.

YBĐT - Công cuộc phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả, đó là những kinh nghiệm quý báu góp phần thực hiện có hiệu quả những hoạt động đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS trước những thách thức, khó khăn trong thời gian tới.

Ngày 14-7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1133/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, UBND các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1002/2009/QĐ-CTN ngày 8-7-2009 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2009 (đợt 2) và Hướng dẫn số 129/HĐTVĐX ngày 10-7-2009 của Hội đồng tư vấn đặc xá.

Tính đến chiều 16-7, Bộ Y tế có thông báo cho biết, Việt Nam đã ghi nhận 338 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.

Đồng bào Mông xã Bản Công, huyện Trạm Tấu làm đường giao thông.

YBĐT - Với nhiệm vụ được giao, Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng kế hoạch số 29/KH-BDV, ngày 19/12/2008 về việc phối hợp công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế – xã hội Trạm Tấu gồm 17 sở, ban, ngành của tỉnh; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Nghị quyết 03 theo kế hoạch phối hợp; xây dựng quy chế phối hợp công tác vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế – xã hội Trạm Tấu...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục