Xuất khẩu lao động: Cơ hội giảm nghèo cho huyện nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong tình hình khó khăn chung của công tác xuất khẩu lao động toàn tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay, 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải không có trường hợp nào đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Mặt bằng văn hoá của người dân vùng cao có xuất phát điểm rất thấp là một trở ngại lớn cho lao động xuất khẩu.
Mặt bằng văn hoá của người dân vùng cao có xuất phát điểm rất thấp là một trở ngại lớn cho lao động xuất khẩu.

Đầu quí II, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) chọn Yên Bái làm một trong ba tỉnh thí điểm triển khai Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đã hâm nóng công tác XKLĐ ở hai huyện này.

 

Cơ hội giảm nghèo cho huyện nghèo

 

Quyết định 71 được Bộ LĐ,TB&XH cùng UBND tỉnh, ngành LĐ,TB&XH và hai huyện nhanh chóng triển khai tới các xã với các chính sách hỗ trợ: học định hướng, học nghề, học ngoại ngữ, kinh phí làm các thủ tục xuất cảnh cũng như vay vốn ưu đãi (vay theo nhu cầu, tối đa bằng mức chi phí phải đóng góp theo từng thị trường), đồng thời có sự sẻ chia của Nhà nước trong trường hợp người lao động gặp rủi ro.

 

Theo Bộ LĐ,TB&XH thì Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín, có hợp đồng chắc chắn, đã được thẩm định, đơn hàng phù hợp với người lao động, đủ năng lực giải quyết cho người lao động khi có vấn đề xảy ra để tuyển chọn lao động tại các huyện nghèo. Vì vậy, đây thực sự là cơ hội tốt cho người đi lao động xuất khẩu (LĐXK), đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số và người nghèo của hai huyện này. Người lao động ngoài việc giảm bớt những gánh nặng về tiền bạc, kinh phí còn có thể an tâm về mức độ tin cậy khi tham gia LĐXK theo đề án này.

 

Qua hơn một tháng triển khai, với sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan nhất là ban chỉ đạo XKLĐ hai huyện cùng cơ chế, chính sách nhiều ưu đãi, khiến người lao động tại địa phương không thể hờ hững với cơ hội việc làm và xoá đói giảm nghèo mới này. Anh Giàng A Hồ (xã Pá Lau, Trạm Tấu)  - một lao động thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số cho biết: “Nghe cán bộ nói đi LĐXK lần này được hỗ trợ nhiều, sẽ không phải vay mượn thêm nữa nên phải tham gia thôi! Ở nhà không có việc làm, khổ lắm!”.

 

Qua sơ tuyển, đã lựa chọn được 73 lao động (trong đó 67 lao động là người dân tộc thiểu số và hộ nghèo) hiện đang học ngoại ngữ và giáo dục định hướng tại các trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh của Bộ LĐ,TB&XH và các công ty XKLĐ. Trong đó, thị trường Hàn Quốc 15 người, Angiêri 7 người và Lybia 47 người. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh tại hội nghị sơ kết công tác XKLĐ tỉnh thì đây là một kết quả bước khả quan, cần tiếp tiếp tục duy trì và phát huy.

 

Cần hoàn thiện cơ chế chính sách và cải thiện nguồn nhân lực

 

Tuy kết quả bước đầu trên là khả quan, song việc triển khai Quyết định 71 thời gian qua có không ít khó khăn, vướng mắc. Theo Ban chỉ đạo XKLĐ tại hai huyện thì thời gian triển khai quá gấp, do đó thông tin chưa kịp thời đến với người lao động. Các văn bản hướng dẫn việc thực hiện Quyết định 71 chưa được ban hành nên việc triển khai tại địa phương còn gặp nhiều lúng túng.

 

Đồng thời, kinh phí để tổ chức thực hiện chưa được cấp nên việc hỗ trợ cho lao động làm các thủ tục ban đầu như khám sức khoẻ, làm chứng minh thư... rất khó khăn. Một số trường hợp huyện phải đứng ra tạm ứng. Cần có cơ chế tạm ứng trước cho ban chỉ đạo XKLĐ hai huyện một khoản kinh phí nhất định để chi phí làm các thủ tục ban đầu cho người lao động.

 

Cùng với những vướng mắc trước mắt này, về phía người lao động, trong điều kiện được hỗ từ A đến Z, đồng nghĩa với việc kinh phí không phải là mối bận tâm lớn nhất, ngoài những trở ngại như không có chứng minh thư, không có hộ khẩu thì nhận thức, thói quen, trình độ là những lực cản không nhỏ và không dễ đổi thay trong một sớm một chiều.

 

Không riêng gì hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, ở vùng cao Yên Bái nói chung, không gian sống của người dân vốn hạn hẹp, người dân ít đi xa, việc đi làm ở nước ngoài trong thời gian dài, khiến ngay bản thân người lao động và gia đình họ e ngại. Là một trong bốn người của xã đã qua vòng sơ tuyển đi Lybia trong đợt vừa qua, nhưng đến ngày cùng đoàn của huyện xuống Hà Nội học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, Thào A Chà (thôn Pá Lau, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu) đã quyết định không đi nữa. Nhà nghèo, Chà rất muốn đi nhưng Chà vừa mới lấy vợ, hai vợ chồng là lao động chính trong gia đình. Nếu Chà đi, vợ nói sẽ bỏ về nhà mẹ đẻ vì chồng đi lâu quá, nhà Chà sẽ không còn người đi nương, làm ruộng nữa. Toàn huyện Trạm Tấu có bốn trường hợp đã qua vòng sơ tuyển đã bỏ không đi nữa.

 

Một trở ngại khá lớn nữa là mặt bằng dân trí, mặt bằng văn hoá của người dân vùng cao có xuất phát điểm rất thấp. Thực tế trong đợt sơ tuyển của hai huyện vừa qua, có những lao động không biết tiếng phổ thông, trình độ nghề nghiệp lại càng hạn chế. Do đó, để đào tạo được một lao động đi LĐXK phải mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, người dân vùng cao có thói quen sống tự do phóng khoáng, không quen gò bó, thậm chí hay uống rượu, khiến họ rất khó thích nghi với kỷ luật và tác phong lao động công nghiệp. Thói quen này sẽ gây ra những rủi ro chủ quan cho chính người lao động khi họ đã làm việc tại nước ngoài.

 

Như vậy, cùng với việc sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách thì việc cải thiện những trở ngại trong nhận thức, thói quen, trình độ của người dân vùng cao là điều hết sức cần thiết cho công tác XKLĐ nói chung chứ không riêng gì việc thực hiện Quyết định 71 này.

 

Theo ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH thì để thay đổi nhận thức của người dân vùng cao, ngoài việc tuyên truyền giáo dục tạo chỗ cần có cơ chế, chính sách thu hút họ đi học cử tuyển, học chuyên nghiệp, học nghề, đi lao động trong tỉnh, đi thoát ly... Khi trong gia đình đã có người đi thoát ly sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh trong tư tưởng nhận thức một cách tốt nhất.

 

Bên cạnh đó, cải thiện vấn đề mặt bằng dân trí, văn hoá cần một sự đầu tư mạnh mẽ trong giáo dục từ cấp mầm non, THCS, THPT cho đến học nghề. Việc xây dựng và hoàn thiện các trung tâm dạy nghề tại các huyện vùng cao như Trạm Tấu và Mù Cang Chải là hết sức cần thiết. Có như vậy mới tạo nền tảng cơ sở cho công tác XKLĐ và cũng chính là một giải pháp tạo việc làm và xoá đói giảm nghèo cho vùng cao.

 

Thu Hạnh

Các tin khác
Với hoàn cảnh đặc biệt của mình Dương Kim Khanh (người ngoài cùng bên phải) đang là một đồng đẳng viên tích cực mong muốn góp phần giảm thiểu sự lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

YBĐT - Năm 2005, ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 7 người tử vong do AIDS, năm 2006 là 4 người, năm 2007 là 11 người, năm 2008 có 13 người và tính đến tháng 7/2009 số người tử vong do căn bệnh thế kỷ là 6 người. Có đến 70% người đã tử vong do AIDS trong độ tuổi từ 19 đến 30, chỉ một vài trường hợp độ tuổi 40 trở lên.

Thành phố phấn đấu đến năm 2010 sẽ giải quyết việc làm cho 130.000 người, đến năm 2020 là 155.000 – 160.000 người.

Lượng mưa đo được tại Bảo Ái là 85mm, Cẩm Ân 51,5mm, Thác Bà 71mm...

YBĐT - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, từ đêm 19/7, các khu vực khu vực trong tỉnh Yên Bái đã có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa đo được tại Bảo Ái là 85mm, Cẩm Ân 51,5mm, Thác Bà 71mm, Ngòi Thia 81mm, Ngòi Hút 67mm, thị xã Nghĩa Lộ 49mm, thành phố Yên Bái 54,8mm... Mực nước sông Hồng tại thành phố Yên Bái đã lên mức 28,20m, dưới báo động I là 1,8m.

Thí sinh dự thi tuyển sinh đại học 2009.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước ngày 31/7, các trường đại học sẽ hoàn thành công tác chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Đến nay, một số trường tại TP HCM đã hoàn tất công việc này và đảm bảo công bố điểm thi đúng thời hạn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục