Nhiều doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động: Sự lạm dụng nghiêm trọng

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những tháng đầu năm 2009, đã có 25/304 doanh nghiệp nợ lương của người lao động với số tiền 8.389 triệu đồng (bình quân một doanh nghiệp nợ 02 tháng lương/ lao động). Một số doanh nghiệp chỉ thực hiện ứng lương hàng tháng, thanh toán vào cuối năm, gây khó khăn cho người lao động. Trong tổng số 16.766 lao động của 304 doanh nghiệp mới chỉ có 12.232 lao động được tham gia BHXH, như vậy còn hơn 4000 lao động hiện đang tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa được tham gia BHXH.

Công nhân Công ty cổ phần Cửu Long Vinashin bảo dưỡng thiết bị chế biến quặng sắt.
(Ảnh: Tuấn Anh)
Công nhân Công ty cổ phần Cửu Long Vinashin bảo dưỡng thiết bị chế biến quặng sắt. (Ảnh: Tuấn Anh)

Luật Lao động quy định: Người lao động hoạt động trong các doanh nghiệp sau 3 tháng sẽ được tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và hưởng các chế độ mà Nhà nước quy định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hơn 4.000 trên tổng số 16.766 lao động của 304 doanh nghiệp toàn tỉnh chưa được tham gia BHXH và quyền lợi của họ đang bị các doanh nghiệp  lạm dụng nghiêm trọng. Công sức lao động họ bỏ ra phục vụ cho việc sản xuất ở các doanh nghiệp suốt bao năm được “bù đắp” bằng việc không được tham gia BHXH và không được hưởng bất cứ một quyền lợi gì như hợp đồng lao động đã giao kèo. Trong khi đó, hàng tháng các doanh nghiệp vẫn trích lại 6% số lương của họ với lý do đóng BHXH!

Thực trạng từ một công ty

Chúng tôi đến khu tập thể công nhân Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin ở tổ 26, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái). Lẽ ra, giờ này đang tham gia sản xuất thì ông Vũ Lương Nhiệm- công nhân bốc vác của Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin lại đang ở ngoài đồng mò cua, bắt ốc để giải quyết bữa trưa của gia đình. Thấy chúng tôi đến thăm, ông mới về. Ông  phân trần: “Mình nghỉ việc từ năm 2006 do Công ty không có việc làm. Nếu không đi làm thêm như thế này thì chết đói mất!”.

Được biết, ông Nhiệm chuyển công tác từ bộ đội về Công ty Vật tư nông nghiệp cũ (giờ là Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin) từ năm 1983. Mọi việc đang thuận lợi thì năm 2006, ông có quyết định của Công ty chuyển sang làm bảo vệ, sau đó phải nghỉ tự túc vì  là hợp đồng dài hạn, khi nào có việc Công ty gọi và không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. “Tuổi thì cũng ngoài năm mươi, giờ bỏ không như vậy nghĩ cũng uổng mấy chục năm trời lao động nên tôi cố bám trụ và thuê nhà ở đây đợi ngày được nghỉ chế độ”. Tuy nghỉ tự túc nhưng hàng tháng ông Nhiệm vẫn nộp 100% tiền BHXH (tương ứng 24% lương) cho công ty tính từ lúc nghỉ tới nay. “Đóng thì vẫn đóng thôi! Thế nhưng đã có nhiều trường hợp đủ tuổi về nghỉ chế độ nhưng vẫn chưa được giải quyết, tôi lo lắm” ông Nhiệm buồn rầu nói.

Ông Nhiệm cũng như bao người lao động khác đang ngầm hiểu rằng việc mình đã bị Công ty lạm dụng là có thật. Cả khu tập thể - nơi sản xuất của nhà máy trước năm 2006 có tới hơn 600 công nhân, giờ thưa thớt bóng người, cỏ mọc um tùm. Khu tập thể và một số hộ dân gần nơi đây trở nên vắng vẻ bởi lẽ phải đi chạy chợ, đi làm thuê ở các nơi khác kiếm tiền đóng bảo hiểm... “ Nhà báo cứ viết đi, cứ lấy hẳn tên tôi đây này! Bây giờ thì chẳng còn gì mà bưng bít nữa! Tôi vẫn nộp BHXH hàng tháng và năm 2008 tôi ra Hội đồng y khoa cơ quan giám định sức khoẻ mới biết số tiền mà chúng tôi đóng hàng tháng đã không được nộp cho ngành bảo hiểm xã hội. Nếu tôi muốn nghỉ thì phải đóng thêm 14 triệu đồng nữa, vậy lấy đâu ra tiền, trong khi công việc thì lúc có lúc không?” - Ông Nguyễn Văn Hưng - công nhân biên chế tham gia lao động tại Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin đã hơn 30 năm bày tỏ. Ông Hưng cho biết thêm: một số chị em phụ nữ ở Công ty có hoàn cảnh khó khăn, nay ốm, mai đau, sinh con cũng chẳng được một xu chế độ...

Nhưng đáng buồn hơn là trường hợp của ông Tuyến, người Trấn Yên - một thương binh chuyển công tác từ bộ đội về Công ty từ ngày 1/5/1985 và được phân công là Trạm trưởng Trạm Trung chuyển vật tư nông nghiệp Ga Cổ Phúc (huyện Trấn Yên). Đến năm 2006, cũng như nhiều công nhân ở các trạm chăn nuôi và trạm vật tư ở tuyến huyện không có việc làm ông đành nghỉ chờ việc. Ông Tuyến cho biết, là thương binh, khi giám định sức khoẻ tại Hội đồng y khoa và được đồng ý cho nghỉ chế độ hàng tháng ông vẫn phải nộp cho Công ty 500 nghìn đồng tiền BHXH và bảo hiểm y tế (tương ứng gần 25% lương). Điều làm ông khổ tâm nhất là việc Công ty yêu cầu ông đóng hơn 10 triệu đồng để giải quyết nghỉ chế độ và ông đã nộp từ tháng 10/2008 nhưng đến nay đã là giữa tháng 7/2009, vẫn chưa được giải quyết. Ông Tuyến tâm sự: “Người công nhân chúng tôi luôn hiểu, Công ty gặp khó khăn thì quyền lợi của mình ảnh hưởng là chuyện bình thường. Dù 2 đến 3 tháng không có lương cũng không sao! Thế nhưng tôi đã nhầm, vì đã lâu nay không chỉ tôi mà còn rất nhiều lao động không được tham gia BHXH”. Ông Tuyến, ông Hưng, ông Nhiệm đã không còn là trường hợp cá biệt.

Trốn BHXH - mánh khoé của doanh nghiệp

Những tháng đầu năm 2009, đã có 25/304 doanh nghiệp nợ lương của người lao động với số tiền 8.389 triệu đồng (bình quân một doanh nghiệp nợ 02 tháng lương/ lao động). Một số doanh nghiệp chỉ thực hiện ứng lương hàng tháng, thanh toán vào cuối năm, gây khó khăn cho người lao động. Trong tổng số 16.766 lao động của 304 doanh nghiệp mới chỉ có 12.232 lao động được tham gia BHXH, như vậy còn hơn 4000 lao động hiện đang tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa được tham gia BHXH.

Trong đó, các doanh nghiệp nợ tiền BHXH tính đến tháng 7/ 2009 gồm có: Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin trên 3 tỷ đồng từ tháng 9 năm 2006; Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp gần 150 triệu đồng từ tháng 8/2008; Công ty Cơ khí và Xây dựng Yên Bái 165 triệu đồng từ tháng 9/2008; Lâm trường Lục Yên 970 triệu đồng từ tháng 10/ 2007; Công ty Kinh doanh than Tây Bắc 320 triệu đồng; Công ty Cổ phần Khoáng sản Cửu Long Vinashin 459 triệu đồng...

Liên minh HTX tỉnh Yên Bái giới thiệu tìm kiếm việc làm cho người lao động.

Một câu hỏi đặt ra là toàn bộ số tiền mà người lao động đóng cho các doanh nghiệp hàng tháng để tham gia BHXH đã đi đâu? Các doanh nghiệp cho biết, do khủng hoảng tài chính thế giới, lạm phát kinh tế kéo dài đã làm cho các sản phẩm chậm tiêu thụ, không bán được sản phẩm, trong khi đó do còn nợ các ngân hàng nên các ngân hàng không cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư sản xuất, dẫn đến  công việc của người lao động không ổn định. Do phải giải quyết tình thế, các doanh nghiệp đã dùng cách thức là: đối với những lao động ký kết hợp đồng ngắn hạn, thời vụ thì giám đốc sử dụng lao động sẽ không đóng BHXH cho người lao động. Đó là cách nói của doanh nghiệp, còn trên thực tế là do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giám đốc doanh nghiệp đã không chấp hành đúng quy định của Nhà nước về bảo đảm đóng BHXH cho người lao động, chậm nộp và nợ đọng tiền BHXH để dùng vào việc khác...

 Điều đáng nói hơn là các doanh nghiệp chỉ đổ lỗi cho việc không tham gia BHXH cho người lao động ngắn hạn, thời vụ nhưng qua điều tra, phân tích thì lại có rất nhiều người lao động trong biên chế, hợp đồng dài hạn từ 20 đến 30 năm... Đồng thời, hàng tháng họ vẫn trích 6% lương đối với công nhân đang tham gia sản xuất và 24% lương hàng tháng đối với nhưng người nghỉ tự túc hoặc lao động hợp đồng khi không có việc, đến khi nghỉ chế độ đáng lẽ phải giải quyết cho họ thì phía doanh nghiệp lại yêu cầu họ phải đóng thêm 10 đến 15 triệu đồng. Đã có nhiều lao động chấp nhận việc đóng số tiền không hợp lệ này cho công ty để rồi vẫn chưa được giải quyết.

Các doanh nghiệp sẽ trả lời như thế nào về vấn đề này? Trong khi đó, khả năng thanh toán nợ đọng đến thời hạn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là quá chậm và không đủ khả năng (có 25/304 số doanh nghiệp qua khảo sát không có khả năng thanh toán như: huyện Trấn Yên 2/17 doanh nghiệp; huyện Văn Chấn 4/55; thành phố Yên Bái 10/147; huyện Yên Bình 1/15; huyện Văn Yên 2/16; thị xã Nghĩa Lộ 5/ 29 và huyện Lục Yên 1/19 doanh nghiệp.
Đó chính là những bằng chứng chứng minh việc tham gia BHXH cho người lao động đã và đang bị các doanh nghiệp lạm dụng một cách nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại hơn cả, nếu các doanh nghiệp không có khả năng thanh toán BHXH cho người lao động, hoặc tuyên bố phá sản thì hơn 4000 lao động không được tham gia BHXH sẽ phải giải quyết như thế nào?

Ngọc Sơn

Các tin khác

Bộ LĐTB-XH vừa đưa ra dự thảo về xây dựng chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, chuẩn để xác định hộ nghèo theo chính sách mới sẽ có mức cao hơn gần gấp 2 lần mức cũ. Cụ thể, đối với khu vực nông thôn, chuẩn nghèo là những gia đình có thu nhập bình quân dưới 350.000 đồng/người/tháng, còn ở thành thị là 450.000 đồng/người/tháng.

Ngoài các hình thức kỷ luật hiện đang áp dụng, Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức (CBCC) do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo bổ sung hình thức kỷ luật giáng chức, bãi nhiệm và bỏ hình thức kỷ luật hạ ngạch.

Đoàn viên công đoàn Trung tâm Giống cây trồng lai tạo, sản xuất giống cây lâm nghiệp.

YBĐT- Trong vài năm trở lại đây sản xuất nông nghiệp liên tục giành được những thắng lợi, góp phần quan trọng trong xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị lớn, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng. Quan trọng hơn là bà con nông dân đã đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh… Đạt được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của bà con nông dân còn có sự đóng góp của 3.421 cán bộ đoàn viên công đoàn ngành Nông nghiệp.

Săn ảnh mai anh đào.

Ngày 27/7, dự án “Không gian mai anh đào” được khởi công tại khu du lịch (KDL) hồ Tuyền Lâm (khu du lịch lớn nhất nước, được ví như là TP Đà Lạt thứ hai).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục