Phù Nham văn minh trong việc cưới, việc tang
- Cập nhật: Thứ năm, 6/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là địa phương thuộc khu vực lòng chảo Mường Lò của huyện Văn Chấn (Yên Bái), xã Phù Nham có 1.515 hộ dân với 6.895 nhân khẩu gồm 9 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 18 thôn bản, trong đó, dân tộc Thái, Tày và Mường chiếm 74%. Những năm trước đây, trình độ dân trí thấp và không đồng đều đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng, đặc biệt là việc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Trước đây, tình trạng tảo hôn, thách cưới, không đăng ký kết hôn xảy ra ở nhiều thôn bản. Thủ tục cưới xin rườm rà tốn kém, tổ chức văn nghệ, ăn uống linh đình nhiều ngày, dẫn đến các tệ nạn xã hội, xô xát giữa thanh niên trong làng bản. Phong tục của người Thái cũng như người Mường, khi kết hôn, nhà gái phải chuẩn bị ít nhất 6 bộ chăn đệm để đem đến nhà trai trong ngày cưới; nhà trai phải chuẩn bị sính lễ bao gồm: rượu, lợn, gạo và một số vật dụng khác cho nhà gái. Sau lễ hỏi, nhà trai còn phải tổ chức lễ “trầu cả” tốn kém gần như một đám cưới; chuẩn bị đồ ăn thức uống để mới tất cả người thân, bạn bè của cô dâu trong lễ lại mặt.
Việc tang, vẫn còn tình trạng để người chết trong nhà nhiều giờ, nhiều ngày (tới 42, 46 giờ), cá biệt có gia đình để tới 48 giờ, không những tốn kém tiền của, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh mà còn gây mất vệ sinh môi trường. Đặc biệt, tục cúng ma, rước hồn đã làm cho nhiều hộ gia đình sau khi tổ chức đám tang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, chưa kể các thủ tục rườm rà khác, như các gia đình có người chết phải tổ chức lễ “giao củ” và mời thầy mo về cúng, buộc 1 con trâu dưới gầm nhà sàn, sau đó để các đồ dùng, như: cày, bừa, thóc lúa cạnh quan tài rồi buộc 1 sợi dây từ mũi con trâu vào quan tài, ý muốn nói là giao tài sản cho người chết về cõi âm; tổ chức ăn uống tại nơi hỏa táng rất mất vệ sinh môi trường.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Quyết định số 10 ngày 5/1/2007 của UBND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Phù Nham đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế hoạt động phân công nhiệm vụ cho thành viên ban chỉ đạo phụ trách các thôn bản, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Thông qua tuyên truyền từ các cuộc họp thôn bản, sinh hoạt đoàn thể và qua hệ thống loa truyền thanh của xã, bước đầu nhân dân đã nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hóa nói chung và văn minh trong việc cưới, việc tang. Các thôn bản và hộ gia đình đóng góp ý kiến xây dựng quy ước, tiêu chuẩn gia đình văn hóa sau đó ký cam kết tham gia cuộc vận động.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trong vài năm trở lại đây, hầu hết đám cưới của người Thái, người Mường đã bỏ được các thủ tục rườm rà, lạc hậu, không còn tình trạng tảo hôn, thách cưới, ăn uống linh đình nhiều bữa, không vi phạm về giờ giấc, âm thanh loa đài, không kéo theo các tệ nạn xã hội...
Việc đăng ký kết hôn trước khi cưới đã được các cặp nam nữ thanh niên thực hiện nghiêm túc. Việc cưới đã được tổ chức theo nếp sống văn minh mà vẫn gắn với phong tục truyền thống của mỗi dân tộc. Giờ mỗi cô dâu chỉ chuẩn bị 2 bộ chăn đệm làm chăn cưới và cho bố mẹ chồng, chú rể không phải chuẩn bị nhiều đồ dùng như trước, hôm lại mặt cả 2 gia đình chỉ cần có mặt khoảng chục người.
Đám cưới chỉ tổ chức ăn uống một bữa, cô dâu chú rể vui vẻ dưới sự chúc mừng của bạn bè làng xóm, thôn bản. Đối với đám tang, các gia đình đã cơ bản chấp hành về thời gian, người chết để trong nhà không quá 24 tiếng, đã bỏ được các thủ tục lạc hậu như cúng bái, không phải mời thầy mo về làm lễ “giao củ” như trước mà do người cao tuổi trong gia đình tự làm và hình thức thể hiện chỉ bằng lời nói. Các trường hợp chết do mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường được nhân dân chôn cất ngay trong ngày, việc sử dụng trống kèn trong đám ma được chấp hành theo quy định.
Ông Hoàng Văn Đồng – Phó chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết: Xã thực hiện rất nghiêm các quy định về văn minh trong việc cưới, việc tang. Các hộ gia đình là cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu. Gia đình hay thôn bản nào chấp hành đầu tiên sẽ lấy đó làm gương tuyên truyền, vận động trong quần chúng nhân dân. Hộ gia đình nào không chấp hành sẽ bị phê bình ngay trong các cuộc họp để rút kinh nghiệm. Ban chỉ đạo của xã thường xuyên tổ chức kiểm tra đôn đốc các thôn bản thực hiện cuộc vận động và tổ chức họp theo định kỳ giao ban đánh giá những việc làm được, những việc chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại hạn chế; kịp thời biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể nghiêm túc thực hiện, đồng thời phê bình những hộ gia đình, những thôn bản vi phạm các quy định trên.
Ngọc Lan
Các tin khác
Ngày 5-8, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Hội đồng Đặc xá năm 2009 (đợt 2), dẫn đầu đoàn công tác của Hội đồng Tư vấn đặc xá đi kiểm tra công tác đặc xá tại trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang) và trại Hoàng Tiến (Hải Dương).
Ngày 5-8, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy định về việc kiểm tra, công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
YBĐT - Quyết tâm đạt chất lượng giáo dục làm mục tiêu nhiệm vụ hàng đầu, nhà trường tổ chức cho giáo viên ký cam kết thực hiện cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đội ngũ giáo viên tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, mặt khác không ngừng đổi mới phương pháp lên lớp, kỹ năng sư phạm, sử dụng phương pháp dạy học tích cực ở tất cả các môn học.
YBĐT - Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có 10 chi hội với 150 hội viên. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong đời sống kinh tế – xã hội, song phong trào Hội vẫn không ngừng phát triển, nhất là trong các phong trào thi đua và giúp nhau xoá đói giảm nghèo.