Chuẩn quốc gia về y tế xã ở Văn Chấn: Được và chưa được

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Văn Chấn (Yên Bái) hiện có 20/31 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX). Các xã đạt CQGVYTX đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở cơ sở. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, việc duy trì chuẩn quốc gia về y tế xã đang gặp nhiều khó khăn.

Người dân nhiều xã ở Văn Chấn vẫn còn lấy gầm sàn nhà làm chuồng trâu như thế này. (Ảnh chụp tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn).
Người dân nhiều xã ở Văn Chấn vẫn còn lấy gầm sàn nhà làm chuồng trâu như thế này. (Ảnh chụp tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn).

Cái được từ xã chuẩn

Sau kiện toàn ban chỉ đạo từ huyện đến các xã, thị trấn, huyện Văn Chấn ban hành qui chế, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các xã, thị trấn; đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng CQGVYTX trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Các xã, thị trấn coi đây là mục tiêu phấn đấu của cấp uỷ Đảng, chính quyền và cả cộng đồng vì sự phát triển của xã hội; tập trung củng cố duy trì các đơn vị đã đạt chuẩn, hướng dẫn và giúp đỡ các đơn vị đăng ký xây dựng mới.

Nhằm huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng CQGVYTX, huyện đã lồng ghép thực hiện với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn thực hiện chuẩn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; công tác phổ cập giáo dục; các chương trình xoá đói, giảm nghèo”; Chương trình 134, 135…

Ông Nguyễn Đình Liên – Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn tâm sự: “Các xã đạt CQGVYTX đã làm cho nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương thay đổi, thấy rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng, duy trì chuẩn là để phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Từ khi được công nhận đạt chuẩn, hoạt động chuyên môn của các trạm y tế được chú ý hơn.

Trang thiết bị của các trạm được đầu tư, ý thức trách nhiệm của cán bộ y tế được nâng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trạm được bảo quản tốt hơn. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong cộng đồng mang tính hệ thống, đem lại hiệu quả cao hơn”.

Qua thực tế cho thấy, các trạm phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu 24/24 giờ hàng ngày; tổ chức thực hiện khám chữa bệnh theo đúng qui định của ngành; bảo đảm cơ số thuốc cho điều trị và phòng chống dịch bệnh. Các chương trình y tế, mục tiêu theo kế hoạch được triển khai. Các trạm còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.

Đặc biệt, khác hẳn nhiều huyện khác, Văn Chấn đã có 50% số xã điển hình như: Sơn A, Hạnh Sơn, Thạch Lương, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Suối Giàng…đã có bác sĩ là y sĩ tại các trạm y tế được cử đi học đại học chuyên tu với cam kết trở về công tác tại trạm. Văn Chấn phấn đấu đến 2012 các trạm y tế xã đều có bác sĩ. Nhiều xã như: Đại Lịch, Minh An, Thanh Lương, Thạch Lương luôn đạt số điểm chuẩn cao, trở thành điển hình duy trì chuẩn.  

Tồn tại và những kiến nghị

Hiện nay, trong số 20 xã đạt chuẩn của huyện, dù đã được công nhận duy trì đạt chuẩn nhưng số điểm thấp hơn so với lần công nhận trước, do tâm lý chủ quan của cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Chất lượng khám chữa bệnh của các trạm đã được nâng lên, nhưng qua đánh giá cho thấy trình độ của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, do chưa thường xuyên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Sự phối hợp chỉ đạo giữa các ban, ngành, đoàn thể, nhất là công tác tuyên truyền vệ sinh, phòng dịch bệnh còn hạn chế, kém hiệu quả.

Công tác vệ sinh môi trường thiếu tính bền vững. Cơ sở vật chất dù đã được cải thiện (số phòng theo yêu cầu đạt chuẩn phải là 12 phòng) nhưng hiện vẫn còn thiếu; trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân... Bên cạnh đó, các xã mới đăng ký xây dựng chuẩn xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng, mang nặng tính hình thức. Các ban, ngành, đoàn thể đã có sự phối hợp thực hiện xây dựng chuẩn nhưng chưa rõ ràng về nhiệm vụ; có đơn vị còn “khoán trắng” công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và xây dựng CQGVYTX là của ngành y tế.

Ông Lò Pạu – Phó bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Gia Hội:
“Khó khăn lớn nhất của xã Gia Hội là thực hiện chuẩn về vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh. Thời gian tới, địa phương tập trung chỉ đạo các chi bộ thôn, bản, tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động để nhân dân đưa trâu, bò, gia súc ra khỏi gầm sàn, làm nhà xí bảo đảm hợp vệ sinh, lấy chuẩn này làm tiêu chí đánh giá thôn bản văn hoá. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên ở các thôn và các ngành, đoàn thể trong xã phải gương mẫu  làm  nhà tiêu hợp vệ sinh cũng như xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở để nhân dân làm theo, lấy đây làm tiêu chí phân xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm”.

Hoạt động truyền thông sức khoẻ tại các xã này chưa tốt; vệ sinh môi trường chưa đạt yêu cầu. Các xã Sùng Đô, Suối Giàng chưa đạt tiêu chuẩn về số phòng và diện tích sử dụng, chưa có công trình phụ trợ như: nhà bếp, nhà kho, nhà để xe, tường rào bảo vệ, cổng và biển hiệu… Những tồn tại trên, huyện Văn Chấn  đang tiếp tục tập trung chỉ đạo từng bước khắc phục.

Tìm hiểu thực trạng tại xã Gia Hội và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cho thấy các chuẩn về cơ sở vật chất, trình độ cán bộ đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện; trình độ cán bộ dần đáp ứng. Hàng tỷ đồng đang sắp được đầu tư cho xây dựng mới, bổ sung để các trạm đủ số phòng theo yêu cầu. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay vẫn là chuẩn vệ sinh môi trường.

Hiện xã Gia Hội vẫn còn 40% số hộ nuôi trâu bò dưới gầm sàn nhà và 40% số hộ chưa có nhà vệ sinh. 60% số hộ có nhà vệ sinh nhưng mới chỉ là tạm bợ. Còn ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, ông Nguyễn Xuân Tùng – Phó chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Hiện số hộ gia đình xử lý rác đúng qui định đạt thấp, dưới 70%, do vậy, thực hiện chuẩn vệ sinh môi trường phòng bệnh ở địa phương hiện đang gặp rất nhiều khó khăn”.

Thực trạng trên cho thấy, cùng với tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp nhà trạm, trang thiết bị và đào tạo cán bộ, các xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với các trạm y tế để tuyên truyền cho nhân, làm nhà vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, thu dọn vệ sinh, xử lý rác và chất thải đúng qui định - một trong những nguyên nhân lớn gây dịch bệnh để duy trì chuẩn ở các xã đã đạt và xây dựng mới các xã đạt  CQGVYTX.     

Đào Minh

Các tin khác
Người đi LĐXK ở Trấn Yên đang gặp phải một số khó khăn trong cơ chế cho vay vốn của Nhà nước.

YBĐT - Thực tế, việc XKLĐ ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã nảy sinh một số vấn đề rất đáng quan tâm như: cơ chế chính sách vay vốn, doanh nghiệp tuyển chọn XKLĐ năng lực yếu kém, người đi lao động ngại học nghề… dẫn tới tình trạng thu nhập thấp phải về nước trước thời hạn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua.

Đoàn viên thanh niên phường Nguyễn Thái Học giúp nhân dân tổ 24 làm đường giao thông.

YBĐT - Phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) là một trong những địa bàn trung tâm của thành phố. Bên cạnh những thuận lợi trong phát triển kinh tế – xã hội, đây cũng là điểm xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội. Để từng bước hạn chế các đối tượng phạm tội trong độ tuổi thanh niên, đầu năm 2001, đoàn phường Nguyễn Thái Học đã thành lập Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” với 15 thành viên.

Riêng tháng 8/2009, cả nước đã đưa được 5.937 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Chiều 31-8, Bộ Y tế thông báo, trong ngày Việt Nam đã ghi nhận thêm 69 trường hợp với cúm A/H1N1, nâng tổng số người mắc lên 2.793 trường hợp, với 2 ca tử vong. Hiện đã có 1.346 bệnh nhân đã khỏi bệnh ra viện, 1.445 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục