Mùa thu nay khác rồi

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong kí ức cuộc sống gia đình vài chục năm về trước mà nhất là những năm trước Cánh mạng tháng Tám của cụ ông Lê Văn Thịnh ở thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương (Yên Bình) là những bữa cơm độn sắn chẳng đủ no, có khi phải lên rừng đào củ mài ăn trừ bữa; những manh áo không lành...

Nhiều gia đình người Cao Lan ở Tân Hương xây dựng được nhà cửa khang trang.
Nhiều gia đình người Cao Lan ở Tân Hương xây dựng được nhà cửa khang trang.

“Cuộc sống bây giờ thật sung sướng hơn trước nhiều quá! Chả nói gì đến chuyện cơm áo, mà bọn trẻ thì học hành thật đầy đủ. Ngay cái việc nói tiếng phổ thông thôi bây giờ là chuyện quá bình thường. Trẻ con bé tí đã nói leo lẻo chứ ngày xưa ấy, trẻ con thấy người lạ đến nhà mà nói tiếng không phải của dân tộc mình là rụt rè, có đứa còn khóc ngay ấy...” - ông Thịnh hồ hởi kể.

Vốn là người Cao Lan lớn lên trên đất Tân Hương, giờ đã ở tuổi 84, ông Thịnh quả thực đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của bà con dân tộc mình trên mảnh đất này. Chẳng phải nói đâu xa, ngay trong ngôi nhà của ông và con cháu, cuộc sống hôm nay cũng đã khác xưa nhiều lắm! Ngày trước, vợ chồng ông chỉ lo sao cho con cái có đủ cơm ăn thì bây giờ thấy vợ chồng người con trai ông bàn tính chuyện làm ăn kinh tế để sao có thể mua sắm thêm cái này cái nọ cho gia đình. Trước kia, cơm gạo trong nhà chỉ trông chờ vào mỗi việc làm ruộng làm nương thì nay con trai ông - Lê Hồng Săn - cũng là Trưởng thôn Khuôn Giỏ bây giờ, ngoài ruộng ngoài nương còn phát triển kinh tế gia đình với rừng, với ao, với con trâu, con lợn...

Trưởng thôn Săn là người đi tiên phong ở Khuôn Giỏ trong phát triển kinh tế với mô hình tổng hợp ao-chuồng-rừng. Hơn chục năm trước, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, thấy đất đồi hoang bỏ, anh nghĩ  ngay đến chuyện trồng rừng. Trồng rừng đã khó nhưng trông coi khoảng rừng của mình thì mới thấy thật cực nhọc, bởi hồi đó chỉ có gia đình anh mang cây lên rừng trồng, còn những nhà khác rừng là nơi để họ thả rông trâu, bò. Ngày 29, 30 tết, vợ chồng con cái vẫn còn ở trên rừng trông cây.

 Rồi những ngày tháng vất vả ấy cũng được đền đáp, vài ba năm sau cây trên rừng bắt đầu lên xanh, rồi khép tán thật đẹp mắt. Thấy vậy, dân trong thôn bắt đầu theo anh trồng rừng từ đó. Cùng với rừng trồng, vợ chồng anh chăn nuôi thêm con lợn, con gà. Nghĩ đến chuyện tận dụng nguồn phân chuồng, gia đình lại quay ra đào ao thả cá. Bây giờ thu nhập của gia đình tính ra cũng độ 700.000đ/người/tháng. Con cái được học hành đầy đủ, ngôi nhà sàn của gia đình cũng thật rộng rãi, khang trang với tủ lạnh, ti vi đủ cả.

Nói chuyện kinh tế gia đình, Trưởng thôn Săn bảo: “Chẳng riêng gì gia đình tôi, dân trong thôn giờ đều biết kết hợp làm ruộng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng nữa, chứ chẳng trông chờ độc vào 5,5 ha ruộng nước đâu. 139 hộ toàn thôn (trong đó có tới 109 hộ người Cao Lan) thì có gần năm chục hộ có ao thả cá, hơn chục hộ nuôi lợn nái. Đời sống bà con ở đây cũng thuộc dạng khá đấy!”. Đến nay, 65/139 hộ trong thôn thuộc diện khá trở lên; 100% hộ trong thôn được dùng điện lưới quốc gia, được sử dụng nước sạch và có công trình vệ sinh hợp vệ sinh. Hầu hết các hộ đã mua sắm được phương tiện nghe nhìn và hơn 100 hộ đã có xe máy... Con đường liên thôn 500m trị giá 14 triệu đồng, hội trường thôn và cổng chào làng văn hoá tổng trị giá gần hai chục triệu đồng cũng là do công sức đóng góp của người dân trong thôn cả. Đấy là những nỗ lực mà Khuôn Giỏ đang gắng làm để xây dựng làng văn hoá.

“Đúng là người Cao Lan ở Tân Hương bây giờ không chỉ lo mỗi chuyện làm ăn kinh tế mà còn ra sức xây dựng đời sống văn hoá nữa đấy!” Phó Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Văn Huê khẳng định vậy. Bằng chứng là người Cao Lan ở Khuôn Giỏ đang cố gắng để ra mắt làng văn hoá. Còn ở Ngòi Vồ - thôn cũng chiếm tới 60% người Cao Lan thì đã vừa mới được công nhận là làng văn hóa cấp huyện rồi. Con số 95% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá phải nói là khá ấn tượng đối với một làng văn hoá đông đồng bào dân tộc. Cũng như Khuôn Giỏ, 99% người dân thôn Ngòi Vồ đã sử dụng điện lưới, tất cả các hộ được dùng nước sạch... Diện mạo văn hoá mới này có được là xuất phát từ đời sống kinh tế của bà con trong thôn ngày thêm khởi sắc. Trưởng thôn Hoàng Xuân Thạch cho hay: “Số hộ khá, giàu trong thôn tăng tương đối nhanh và bền vững. Trong 138 hộ toàn thôn đến nay chỉ còn có 3 hộ nghèo và hai hộ cận nghèo”.

Chuyện kinh tế phát triển, thôn xóm ngày càng thay da đổi thịt hẳn bà con vui rồi, nhưng điều làm người dân Cao Lan ở Tân Hương mừng hơn cả là bây giờ con em của họ ngày càng học cao hơn. Ở Khuôn Giỏ có Hoàng Văn Chiều - tốt nghiệp Học viện An ninh; ở Khe Gầy có Hoàng Văn Quảng hiện đang là học viên Học viện Cảnh sát, rồi Lý Ngọc Xiêm cũng là học viên Học viện An ninh... Bà con Cao Lan thực tự hào và đặt niềm tin nhiều lắm vào thế hệ con cháu hôm nay. 

Thu Hạnh

Các tin khác

YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vừa triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường khu vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2009 – 2012”.


Trao tặng túi đựng cho các tuyên truyền viên.

Sáng 1/9, lễ phát động ký tên cam kết không sử dụng túi nilon trong ngày 9/9 đã diễn ra tại thành phố Hội An (Quảng Nam).

Ngày 1/9, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Đặng Trần Chiêu - Phó giám đốc Công an tỉnh trao Quyết định cho các phạm nhân.

YBĐT - Ngày 1/9/2009, Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ công bố Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn của Chủ tịch nước cho 7 phạm nhân đang chấp hành án cải tạo tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục