Tát Én - làng văn hóa của người Dao đỏ

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vốn sinh sống từ lâu trên mảnh đất Khai Trung, huyện Lục Yên (Yên Bái), người Dao đỏ ở Tát Én đã tạo nên một bản với nhiều phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa tộc người phong phú, độc đáo nhưng cũng còn một số tập tục lạc hậu. Từ ngày xây dựng làng văn hóa cho đến giờ, Tát Én thật nhiều nét khác xưa.

Định canh, no ấm

Người trong bản vẫn nhắc lại câu chuyện ở những thập niên cuối thế kỷ trước: cả bản đã tập trung đi phát phá những khu rừng xa, thậm chí sang cả xã bạn, huyện bạn để phát nương, tra hạt làm một vụ. Còn ruộng vườn và các khu đất trồng màu không được chú ý chăm sóc nên năng suất thu hoạch thấp, không tránh khỏi lúc no, lúc đói. Cho đến năm 1990, bà con trong bản được cán bộ cấp trên tuyên truyền về định canh, định cư; được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, người Dao Tát Én đã bỏ hẳn tập tục phát nương làm rẫy, tập trung thâm canh hai vụ lúa, màu.

Các giống có năng suất cao như lúa lai, ngô cao sản, lạc, đậu tương được đưa vào gieo trồng, năng suất từ 35 tạ/ha năm 2000 tăng lên 48 tạ/ha/vụ năm 2009; lạc, đậu tương năng suất đạt từ 1,8 tấn lên 2,5 tấn/ha/vụ. Cuộc sống người dân dần ổn định. Năm 2000, tỉ lệ đói nghèo chiếm 32,4% thì đến năm 2008 chỉ còn 6,5%.

Từ một bản thuần nông chỉ cấy lúa, trồng màu, nay Tát Én đã đi vào sản xuất hàng hóa nhiều thành phần và làm dịch vụ phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Nhất là từ năm 2002, khi điện lưới quốc gia sáng khắp bản, nhiều phương thức phát triển kinh tế và sự đổi mới trong đời sống càng rõ nét. Không chỉ xóa đói giảm nghèo, tư duy và cách thức làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương đã hiện hữu trong nhiều gia đình ở bản.

Xóa bỏ hủ tục

Tát Én hơn xưa không chỉ ở miếng cơm, manh áo mà còn đổi mới cả chuyện ma chay, cưới xin, giỗ chạp. Ngày trước, theo nếp, phong tục cưới hỏi thật nhiêu khê. Đám hỏi, nhà trai phải đi đến nhà gái 6 lần để thỏa thuận các thủ tục, sau đó phải mang rất nhiều lễ vật cho nhà gái như: gà từ 6 đến 8 con, hơn 60 cân gạo, 1 hũ rượu, còn bạc trắng thì tùy từng đám gái. Ngoài ra, nhà trai còn phải sắm thêm hòm đựng đồ, chăn, màn, quần áo cưới, đồ trang sức... cho cô dâu.

Đám cưới, nhà trai phải chuẩn bị hơn 7 con lợn to trở lên, hơn 60 cân gà, hơn 10 chum rượu to, hơn 2 tạ gạo tẻ và nếp, 2 gian củi đuốc và rất nhiều thứ khác để mời cả làng ăn uống suốt vài ba ngày. Vì thế, phần lớn các hộ gia đình khi tổ chức đám cưới cho con đều phải vay mượn tiền của; ngày vui cưới hỏi kết thúc thì đối mặt với nợ nần chồng chất phải mất mấy năm mới trả hết.

Đám cưới là vậy, đám tang cũng chẳng kém phần rình rang, phức tạp. Dân bản để người chết trong nhà đến 2, 3 ngày hoặc hơn. Ngoài họ hàng ruột thịt, nhà chủ phải nhờ vả ông thầy và tới từng nhà vái lạy đến phụ giúp. Từ việc hiếu, hỷ cho đến lễ cấp sắc, gia chủ phải tự lo ăn uống nhiều buổi, tốn kém. Nhiều tập tục cũ lạc hậu vẫn tồn tại: tảo hôn không hiếm, kèm theo sinh nhiều, trẻ sinh ra không được khai sinh...

Quá trình xây dựng làng văn hóa, được tuyên truyền, vận động, giải thích, đến nay, làng văn hóa Tát Én không còn hiện tượng tảo hôn, thách cưới bằng bạc trắng, ăn uống linh đình như trước nữa. Người dân dần thay đổi nhận thức, coi chuyện cưới vợ, gả chồng là đại sự nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật và tổ chức vẫn theo phong tục nhưng gọn nhẹ, đơn giản. Nhà trai chỉ đi lại để ăn hỏi 2 đến 3 lần, tiền thách cưới cũng không nhiều. Các cặp vợ chồng kết hôn đều tự nguyện và có đăng ký. Việc tang không còn hiện tượng để người chết trong nhà quá 30 tiếng. Khi làng có việc dù hiếu, hỷ hay làm nhà cửa, mọi người tự đến góp công, góp của hỗ trợ, giúp đỡ nhau.

Giảm bớt và thay đổi một số tập tục nhưng những bản sắc văn hóa tốt đẹp ở Tát Én vẫn được giữ gìn và phát huy. Ngày lễ, ngày tết vẫn duy trì những nét văn hóa riêng của dân tộc: tục cúng tổ tiên, tục xông nhà, cúng rằm tháng Giêng, tiết thanh minh và rằm tháng Bảy... Dịp lễ, tết này thường có các trò lễ hội dân gian như: pút tồng (lên đồng), thún tổ (xiên rùa), lễ cấp sắc vẫn duy trì kiểu cấp sắc 7 đèn, có năm bị hạn tổ chức cả lễ hội cầu mùa... Những lễ hội đậm đà bản sắc này mỗi khi tổ chức thu hút rất nhiều người từ nơi khác đến xem và tham gia.

Lành mạnh nếp sống

Niềm tự hào của người Dao Tát Én về bản mình còn là chuyện: “Cho đến giờ, cả bản không có trường hợp nào “dính” tệ nạn xã hội, cũng không có người vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải chịu tù tội” - Trưởng bản Phùng Xuân Thăng khẳng định. Hơn thế, hàng năm, có đến hơn 90% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Có lẽ, nếp sống tốt đẹp trong mỗi gia đình cùng với hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao sôi nổi ở bản là một nhân tố tạo nên môi trường sống lành mạnh cho nhân dân nơi này, nhất là nam nữ thanh niên. Đặc biệt là từ khi nhà văn hóa được xây dựng bằng sự đóng góp hoàn toàn bằng công sức, tiền của của người dân để làm nơi hội họp, sinh hoạt văn nghệ, thể thao... của cả bản.

Vẫn biết rằng, con đường xây dựng làng văn hóa ở Tát Én còn nhiều việc phải làm. Như ông Trưởng bản giãi bày thì: “Đời sống kinh tế chưa thật bền vững, thu nhập bình quân đầu người chưa phải là cao, trình độ học vấn ở bậc cao của con em trong bản còn ít...”. Thế nhưng, những gì Tát Én có được hôm nay cũng đã đủ để Tát Én là 1 trong 39 làng, bản, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh vừa được tuyên dương. “Phải kiên trì, bền bỉ tuyên truyền bà con và phải gương mẫu đi đầu thực hiện” là những điều căn bản mà những thành viên Hội đồng xây dựng làng văn hóa ở Tát Én thấm thía nhất trong quá trình xây dựng làng văn hóa ở bản.

H.M

Các tin khác

YBĐT - Đảng bộ xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) có 81 đảng viên, sinh hoạt tại 6 chi bộ thôn, 2 chi bộ nhà trường. Ngay sau khi có hướng dẫn triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ xã đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách các đơn vị, tổ chức, địa bàn và chi bộ trực thuộc.

YBĐT - Ngày 21/10/2009, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu cùng lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân khu 2 kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh Yên Bái năm 2009.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định như vậy trong buổi họp báo thông báo kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tổ chức chiều ngày 21- 10 tại Hà Nội.

Sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng sẽ là nguồn lực mạnh mẽ xoá nhà dột nát cho người nghèo.

YBĐT - Với thu nhập chỉ đủ sống qua ngày thì chuyện xây một căn nhà mới, khang trang kiên cố đối với người nghèo chỉ là một giấc mơ. Thế nhưng giờ đây, bằng sự chung sức của cộng đồng, bằng nghĩa tình “lá lành đùm lá rách”, nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái đã huy động được nguồn lực để hỗ trợ người nghèo xây lên những ngôi nhà đại đoàn kết, mang đến một mái ấm chan chứa tình người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục