Các trường học trên địa bàn thành phố Yên Bái: Chủ động phòng, chống dịch cúm A/H1N1
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tính đến ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát hiện 23 trường học có dịch cúm, trong đó trên địa bàn thành phố Yên Bái có Trường THPT bán công Phan Bội Châu. Theo các nhà chuyên môn thì tình hình diễn biến dịch cúm đang có chiều hướng gia tăng, nhất là trong thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay.
Tiết học lồng ghép về cách phòng, chống dịch cúm A/H1N1 của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (T.P Yên Bái).
|
Tại thành phố Yên Bái nơi có nhiều trường học, nằm trên địa bàn trung tâm, số lượng học sinh cũng như các bậc phụ huynh thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng nên nguy cơ lây nhiễm dịch cúm là rất cao. Vì vậy, hơn bất cứ lúc nào, các trường học đang ra sức phòng chống dịch cúm để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra.
Có mặt tại Trường Mầm non Minh Huệ - nơi 250 học sinh theo học ở 7 lớp có độ tuổi 2- 5 tuổi và đây là trường có công tác phòng, chống dịch cúm được triển khai rất sớm. Theo cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - Hiệu trường nhà trường thì sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân bị mắc cúm A/H1N1 thì trước ngày khai giảng năm học mới, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm. Đồng thời, mời cán bộ y tế của thành phố đến Trường cung cấp tài liệu về các phòng, chống, cách phát hiện dịch bệnh; phát tờ rơi cho các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, nhà trường luôn làm tốt công tác vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phun thuốc thanh trùng, tuyệt đối không cho người lạ vào lớp học. Nhờ vậy, đến nay Trường chưa xuất hiện bệnh nhân mắc cúm.
Trường THPT Nguyễn Huệ - nơi có 1.338 học sinh đang theo học ở 30 lớp, học sinh chủ yếu là người thành phố Yên Bái và gần 100 học sinh đến từ các huyện, thị trong tỉnh và hai tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ. Trường đóng ngay trung tâm thành phố, mật độ người đi lại đông. Theo cô giáo Đinh Thị Kim Khánh - Phó hiệu trưởng nhà trường thì từ ngày 16 tháng 9 đến 15/10, tổng số học sinh nghỉ chiếm 1.248 buổi, tỷ lệ chuyên cần chỉ đạt 96,4% (là tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay). Nguyên nhân nghỉ học là do học sinh bị mắc các bệnh như: bệnh quai bị, Zona thần kinh và sốt virút. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 10, trong toàn trường chưa có học sinh hay cán bộ, giáo viên bị cúm A/H1N1.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, cũng như nhiều trường học khác, ngay từ ngày 17/8, Trường THPT Nguyễn Huệ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, đồng thời cứ vào thứ 2 đầu tuần và các tiết học đầu giờ giáo viên phải tuyên truyền về cách phòng, chống dịch cúm A/H1N1; phát hiện và báo cáo nhanh với Trạm Y tế phường Đồng Tâm về những học sinh có biểu hiện khác thường như: mệt mỏi, ho, rát cổ...
Em Hoàng Thị Thu Hằng, học sinh lớp 12C1 cho biết: “Em và các bạn trong trường thường xuyên được nhà trường và các thầy cô giáo tuyên truyền về cách phòng, chống về đại dịch này. Vì vậy, em thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, ít tiếp xúc với người lạ, mua khẩu trang y tế để bảo vệ”. Được biết, để bảo đảm phòng chống dịch cúm A được an toàn, nhà trường đã yêu cầu mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh phải trang bị cho mình một khẩu trang y tế và đeo trước khi đến trường.
Được chứng kiến một tiết học lồng ghép để tuyên truyền cho học sinh hiểu và biết cách phòng, chống dịch cúm A/H1N1 của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi mới hiểu hết việc nghiêm túc trong thực hiện phòng chống dịch. Bà Phạm Thị Thu Lan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi nhận được Công văn số 1938 của UBND tỉnh và Công văn 679 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng chống cúm A/H1N1, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo gồm 15 người, do đồng chí Hiệu trưởng làm Trưởng ban. Từ đó, phối hợp với Trạm Y tế phường Đồng Tâm tổ chức triển khai các cách phòng chống dịch như: phát tờ rơi cho học sinh và giáo viên; cán bộ y tế nhà trường chủ động theo dõi tình hình sức khoẻ của giáo viên và học sinh; thông báo cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng...thì không được đến trường mà phải báo cáo cho Trạm Y tế phường để cán bộ y tế theo dõi...”.
Bên cạnh đó, Trường đã tăng cường công tác phòng chống dịch tới cán bộ, giáo viên, học sinh trong các buổi giao ban tuần, họp hội đồng, các tiết chào cờ, hoạt động ngoại khoá và lồng ghép vào một số tiết học và cuối tuần có kiểm tra, đánh giá về diễn biến dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1 đang có nguy cơ lây lan nhanh và theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì từ khi loại cúm này bùng phát vào tháng 4/2009 đến nay đã có trên 4.500 người trên khắp thế giới tử vong vì cúm A/H1N1. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các trường học trên địa bàn thành phố Yên Bái cùng với ngành y tế và các tổ chức đoàn thể xã hội khác đang ra sức ngăn chặn đến mức thấp nhất sự lây lan của đại dịch cúm này.
Hà Tĩnh
Các tin khác
YBĐT - Một ngày của bà Nguyễn Thị Loan - hộ lý chăm sóc các cụ già không nơi nương tựa ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái (thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội) bắt đầu từ 4h30 và kết thúc là lúc các cụ đã ngủ say. Năm năm làm việc tại đây, với bà Loan, các cụ ở nơi này bây giờ như một phần của gia đình bà. Và bà Loan đã chăm sóc các cụ chẳng khác gì những người thân của mình, chu đáo từ bữa ăn đến mọi sinh hoạt hằng ngày.
YBĐT - Tỉnh Yên Bái đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh năm 2009. Ngoài lực lượng quân đội, công an, các ban, ngành, đoàn thể đã thực sự vào cuộc, tạo nên nét mới nổi bật so với các lần diễn tập trước. Thành công lớn nhất của cuộc diễn tập là làm chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, tư tưởng và hành động của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
"Khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ biến chứng, tử vong do sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD)...". Đó là yêu cầu chính trong công văn hỏa tốc của Bộ Y tế gửi giám đốc các bệnh viện, sở y tế tỉnh, thành phố ngày 29-10.
Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn mua sắm, sử dụng và bảo quản đồ chơi, thiết bị dạy học cho cấp học giáo dục mầm non năm học 2009 - 2010. Theo đó, đồ chơi mầm non phải có tính thẩm mỹ, sư phạm và an toàn cho trẻ.