Mù Cang Chải: Nan giải chống tái mù chữ
- Cập nhật: Thứ tư, 4/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có khoảng 99% đồng bào dân tộc thiểu số, riêng dân tộc Mông chiếm trên 90%, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế phát triển chậm. Để từng bước nâng cao dân trí, trong những năm qua, Hội Phụ nữ, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD & ĐT) huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức mở hàng trăm lớp xoá mù chữ và phổ cập giáo tiểu học dành cho hàng ngàn người, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao trình độ học vấn đối với phụ nữ.
Phụ nữ dân tộc Mông hiện nay rất cần được thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.
|
Ngoài hàng trăm lớp học đã mở để xoá mù chữ trước đây, riêng hai năm học 2008 - 2009, huyện đã tổ chức mở 27 lớp chống tái mù chữ (TMC) cho 1.099 học viên theo học, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học 15 lớp với 258 học viên và phổ cập trung học cơ sở 103 lớp với 2.175 lượt học viên. Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về kiến thức khoa học kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi để các học viên vận dụng, duy trì, phát huy tác dụng của chữ viết. Đây là những kết quả đáng ghi nhận, song do điều kiện kinh tế ở vùng cao rất khó khăn nên tình trạng chị em đã học xong xoá mù chữ nhưng hiện nay lại đang TMC ở mức cao.
Vì sao nhiều phụ nữ ở Mù Cang Chải TMC? Khi đến một số địa phương như: Cao Phạ, Nậm Có, Púng Luông, Chế Cu Nha… được biết hầu hết các xã đều gặp khó khăn trong công tác xóa mù. Ở Cao Phạ, tuy hàng năm xã đã phối hợp với Phòng GD&ĐT và Hội Phụ nữ huyện tổ chức mở các lớp xoá mù chữ và chống TMC cho các chị em hội viên, trong đó mỗi lớp có từ 30 đến 50 học viên tham gia, nhưng do điều kiện cuộc sống khó khăn, sau khi học xoá mù xong trở về, một phần do ảnh hưởng của phong tục tập quán, phần nữa là do điều kiện cuộc sống khó khăn nên thời gian ôn luyện bài vở cũng như vận dụng chữ viết vào cuộc sống hàng ngày của các học viên hầu như không có, đã dẫn đến năm nào xã cũng phải mở lại lớp chống TMC cho các chị em đã từng theo học xoá mù. Lý do này cũng giống như huyện Trạm Tấu với tình trạng chị em mù chữ và tái mù chữ mà Báo Yên Bái đã từng đề cập.
Bà Vàng Thị Pàng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cao Phạ tâm sự: “Hiện tại, ở Cao Phạ, số học viên đã được học xoá mù chỉ còn khoảng 50% số người còn nhớ mặt chữ và có thể đọc được viết được, số còn lại thì trả lại chữ về thầy cô hết”.
Đến Nậm Có - một xã vùng sâu nằm cách trung tâm huyện lỵ trên 50 km và cũng là địa phương có số học viên TMC còn cao. Bà Sùng Thị Mú - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Những năm qua, xã đã tổ chức cho nhiều chị đi học xoá mù chữ, trong đó có một số đã được tham gia các lớp học mở tại trung tâm huyện nhưng đến giờ thì những người biết đọc và viết được chữ còn rất ít. Do đó, muốn tìm cán bộ phụ nữ nguồn rất khó khăn”.
Nói về chống TMC, bà Sùng Thị Sày - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mù Cang Chải trăn trở: “Hiện nay, huyện có 162/162 chị Ủy viên ban chấp hành Hội Phụ nữ cơ sở đạt trình độ từ xoá mù chữ trở lên, trong đó trình độ phổ thông trung học có 17 chị, trung học cơ sở 19 chị và tiểu học là 126 chị nhưng nhiều hội viên khác không tham gia công tác Hội đã TMC sau khi đã xoá mù chữ. Đến nay, vấn đề TMC ở Mù Cang Chải không biết là bao nhiêu người? vì chưa có điều kiện điều tra để khẳng định, nhưng tình trạng TMC cao là điều chắc chắn”.
Để có thể khẳng định việc chống TMC đến đâu, chúng tôi đã đến Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải và ông Hoàng Văn Đồng - Trưởng phòng GD & ĐT huyện cho hay: “Số học viên sau khi đã xoá mù sẽ tiếp tục được học chống TMC đến hết mức 3 và học tiếp tiểu học, trung học cơ sở… nhưng chỉ lấy các học viên trong độ tuổi từ 15 đến hết 35 tuổi.
Hiện nay, số học viên học xoá mù ngày sẽ càng ít dần đi, vì mạng lưới giáo dục của huyện đã được mở rộng đến tất cả các thôn bản của 14/14 xã, thị trấn”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các học viên vẫn cho rằng không nhớ, không thuộc chữ và nguyên nhân trước tiên là do không biết tiếng phổ thông cho nên trong quá trình học và sau khi học xong không thể vận dụng được trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu như được học thêm chữ của dân tộc Mông đi đôi với học chữ quốc ngữ thì các học viên sẽ tiện lợi trong vận dụng khi sử dụng ngôn ngữ trong học tập cũng như trong giao tiếp hàng ngày.
Hy vọng trong giai đoạn tiếp theo, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Mù Cang Chải tiếp tục có những giải pháp phù hợp trong chiến lược nâng cao dân trí để tạo thêm động lực thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển, đưa vùng cao sớm thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
Tính đến sáng 4/11, mưa to gây lũ lụt lớn ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã lấy đi tính mạng của 55 người, khiến 44 người bị thương và 24 người mất tích. Nhiều khu vực hôm nay vẫn còn bị chia cắt vì nước lũ.
YBĐT - Thời gian gần đây xuất hiện thông tin “Yên Bái đã có bệnh nhân sốt xuất huyết” khiến người dân không khỏi lo lắng. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với bác sỹ Trần Viết Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái và được biết, người dân có tâm trạng lo lắng là hoàn toàn có cơ sở vì thời gian qua bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, một số trường hợp đã tử vong.
YBĐT - Phát hiện nhanh các bất cập và kịp thời điều chỉnh sửa chữa là nét mới của ngành giáo dục Yên Bái. Theo đánh giá của ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thì việc sắp xếp lại qui mô trường, lớp học vừa qua đã giúp giảm được 31 trường, 230 nhóm lớp; giao quyền tự chủ cho 100% các cơ sở trường học theo tinh thần Nghị định 43 của Chính phủ, là một trong số ít tỉnh của cả nước thực hiện tốt chủ trương phân cấp quản lý cho cơ sở.
Bộ Tài chính cho hay ngân sách chịu tác động rất nhiều bởi dịch cúm A/H1N1. Tính đến tháng 11, cơ quan này đã chi tới 790,65 tỷ đồng cho các tỉnh thành khắc phục bệnh dịch.