Kỷ niệm 10 năm thành lập Trường THPT Sơn Thịnh (1999 - 2009)
- Cập nhật: Thứ hai, 16/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trường THPT Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được thành lập tháng 7/1999 theo Quyết định số 162/1999/QĐ-UB của UBND tỉnh Yên Bái, sau khi trung tâm huyện Văn Chấn chuyển đến địa điểm mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn tiếp tục được học lên bậc trung học phổ thông. Trải qua 10 năm thành lập và phát triển, thầy và trò THPT Sơn Thịnh đã có những nỗ lực vượt bậc trong tiến trình phát triển chung của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
Trải qua 10 năm thành lập và phát triển, thầy và trò THPT Sơn Thịnh đã có những nỗ lực vượt bậc trong tiến trình phát triển chung của sự nghiệp giáo dục.
|
Buổi đầu thành lập, Trường THPT Sơn Thịnh có 3 lớp với 120 học sinh cùng đội ngũ 12 cán bộ, giáo viên, lớp học là 3 phòng học nhờ của Trường THCS Sơn Thịnh. Trường đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học. Bên Cạnh đó, chất lượng tuyển sinh thuộc loại thấp nhất so với các trường THPT trong tỉnh. Điều này đã gây nên những hạn chế nhất định cho kế hoạch lâu dài và ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, giáo viên. Nhưng ngay từ năm học đầu tiên, vượt lên những khó khăn, thiếu thốn ấy, với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao, tập thể các thầy, cô giáo, học sinh đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Cuối năm học 1999 - 2000, trường đạt danh hiệu “Trường tiên tiến”, được Sở Giáo dục - Đào tạo khen thưởng. Trong 12 cán bộ, giáo viên có 5 thầy, cô đạt giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; số học sinh lên lớp đạt 95%; tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp đạt 96%... Kết quả đó thực sự là những con số rất đáng trân trọng, tự hào đối với, công sức và sự nhiệt huyết của tập thể thầy cô nhà trường.
Chiếm từ 45 - 48% số học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, để thu hút và nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường, nhà trường chấp nhận những hạn chế về chất lượng đầu vào của học sinh. Đặc biệt, việc phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh thực sự là việc làm khó khăn. Yêu cầu đầu tiên của trường là phải nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất.
Ban Giám hiệu nhà trường họp giao ban giao nhiệm vụ cho các tổ chuyên môn.
Với sự nỗ lực của Ban giám hiệu, hết năm học đầu tiên (1999 - 2000), công trình lớp học được khởi công và từ năm học thứ 3, khu nhà ban giám hiệu, các phòng chức năng và ngôi nhà 3 tầng với 9 phòng học khang trang, đủ điều kiện về ánh sáng, quạt mát, công trình vệ sinh, bảng chống lóa... đã được xây dựng trên khu đất 4.000m2. 15 phòng học đáp ứng quy mô gần 30 lớp học với 2 ca và 1 phòng thiết bị, đáp ứng nhu cầu dạy thí nghiệm của giáo viên; thư viện với hàng trăm đầu sách các loại, 3 phòng máy vi tính với trên 50 máy, phòng làm việc của cán bộ giáo viên và hội đồng giáo dục nhà trường, nhà công vụ khang trang, tiện nghi cho giáo viên...
Đó là sự nỗ lực rất lớn của nhà trường để tạo dựng một khuôn viên xanh, sạch, đẹp, văn minh, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục - đào tạo gia đoạn hiện nay. Có được thành quả ấy cũng là bởi nhà trường đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ sự quan tâm của các cấp, các ngành và là thành công của công tác xã hội hóa giáo dục.
Đầu năm học 2004 - 2005, Trường THPT Sơn Thịnh được Sở Giáo dục - Đào tạo, UBND huyện Văn Chấn giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động giáo dục tại phân hiệu Nậm Búng. Ban giám hiệu nhà trường xác định đó là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, bởi phân hiệu đặt tại xã Nậm Búng, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, lại cách cơ sở chính trên 40km, đội ngũ giáo viên thiếu, rất khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, việc duy trì sự ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên, duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp. Xác định nhiệm vụ quan trọng là phải vận động học sinh đến trường, nâng dần tỷ lệ chuyên cần, phấn đấu đạt trên 90%, trường đã tranh thủ sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Sở Giáo dục - Đào tạo động viên đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, quan tâm giải quyết đầy đủ chế độ chính sách cho các thầy, cô.
Hàng năm, trường cử các thầy, cô giáo luân phiên tăng cường cho phân hiệu. Để duy trì sỹ số, các thầy, cô giáo tại phân hiệu Nậm Búng và giáo viên Trường THPT Sơn Thịnh thường xuyên quan tâm, đến từng nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, cùng phụ huynh học sinh động viên các em đi học; tổ chức các hoạt động tập thể để cuốn hút các em tới trường, tới lớp. Đến nay, phân hiệu đã đi vào hoạt động ổn định, đã có 2 khóa học sinh tốt nghiệp, có hàng chục em đỗ vào các trường đại học và cao đẳng.
Quy mô của nhà trường ngày càng phát triển, có năm lên tới 27 lớp với trên 1200 học sinh. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên trên 60 người, trong đó có đến gần một nửa số giáo viên trẻ về tuổi đời và tuổi nghề. Do vậy nhà trường rất coi trọng công tác bồi dưỡng giáo viên. Thông qua dự giờ, cải tiến công tác soạn giảng, sinh hoạt tổ chuyên môn, áp dụng các hình thức tổ chức giảng dạy mới, tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học và phương tiện công nghệ thông tin... đã giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, nghiệp vụ.
Cô và trò Trường THPT Sơn Thịnh trong giờ thực hành.
Ngay từ năm học 2002 - 2003, nhà trường đã liên hệ với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh mở lớp dạy Tin học cho toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường trong 3 tháng hè. Hiện, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều sử dụng thành thạo máy vi tính; trên 70% giáo viên trực tiếp giảng dạy có bài soạn giảng bằng máy vi tính. Bên cạnh đó, hoạt động hội giảng hàng năm được trường tiến hành đều đặn. Qua mỗi kỳ hội giảng đã phát hiện và bồi dưỡng được các giáo viên có năng lực chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Coi “Nhà trường là mái nhà của giáo viên”, phát huy dân chủ, lãnh đạo Trường THPT Sơn Thịnh luôn coi trọng và lắng nghe ý kiến của giáo viên trong công tác tổ chức và quản lý hoạt động, với phương châm: “Giáo viên biết, giáo viên bàn, giáo viên làm và kiểm tra”, nhà trường đã xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng đối với các thành viên trên cơ sở phát huy năng lực, sở trường của mỗi người. Từ buổi đầu khó khăn chồng chất, đến nay, 100% giáo viên nhà trường đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó có 6 cán bộ, giáo viên theo học trình độ thạc sĩ (chiếm 10%); hàng chục giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở; 2 cán bộ, giáo viên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.
Chất lượng giáo dục cũng được nâng lên đáng kể, trường không có học sinh mắc tệ nạn xã hội, không có học sinh cá biệt, 90% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt. Chất lượng văn hóa được đánh giá đúng thực chất; tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm 15%, học sinh lên lớp duy trì ở mức 95%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp bình quân trong 10 năm qua đạt 75%.
Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “Hai không”, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm của trường tăng 15%; có 9 em đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh và 2 em đạt giải thi học sinh giỏi cấp quốc gia; có 4 lượt học sinh đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, được Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn tặng bằng khen; đã có hàng trăm em trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trong số ấy nhiều em đã học lên thạc sĩ như em Hà Thị Thúy, Lê Thị Minh Vượng...; có em đã trở về trường cũ và đang vững vàng với nhiệm vụ của người giáo viên.
Mười năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Sơn Thịnh (Văn Chấn) liên tục được công nhận là trường tiên tiến; công đoàn nhà trường đạt danh hiệu “công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc”, được Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen. Với sự cố gắng đó, nhà trường được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương tin yêu.
Vương Văn Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Thịnh
Các tin khác
Tin từ Hội Thiên Văn - Vũ trụ Việt Nam (HTVVTVN) cho biết, liên tục trong 2 ngày 17, 18/11/2009, vào khoảng 3 giờ sáng người dân Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng 2 trận mưa sao băng rực rỡ nhất sau hàng chục năm, với số lượng lên đến 500 vệt/giờ.
YBĐT - Chưa bao giờ ngô trên đất hai lúa ở Văn Yên lại tốt đến như vậy! Đi từ Yên Hưng, Yên Thái lên Mậu Đông, Đông Cuông, nhất là các xã dọc sông Hồng như: Hoàng Thắng, Yên Hợp, Đại-Phú-An, Tân Hợp… bạt ngàn ngô trên đất ruộng hai vụ lúa.
YBĐT - Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi về thăm Trường tiểu học Nam Cường (thành phố Yên Bái) - ngôi trường mới được công nhận trường chuẩn quốc gia mức 1 (giai đoạn 2006- 2010). Ấn tượng đầu tiên khi bước vào cổng trường là những vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh… được trồng xen kẽ trong một khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát.
YBĐT - Năm 2003, cây dâu con tằm đã chính thức đến vơi người dân xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Trong những năm mới thực hiện, nghề dâu tằm đã trải qua nhiều thử thách do người dân ở đây còn thiếu kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm và chưa tin rằng nghề dâu tằm sẽ làm thay đổi cuộc sống. Do đó, mới chỉ có chưa đầy 15 ha với hơn 40 hộ tham gia nuôi tằm lấy kén.