Tận tình với nghiệp
- Cập nhật: Thứ ba, 17/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nghề dạy học - qua ngày, qua tháng với ngần ấy bài giảng, ngần ấy những nội dung cơ bản - người ta dễ tạo nên một lối mòn cho mình. Cho đến giờ, hơn 30 năm trong nghề dạy học, trong đó 16 năm công tác tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ luôn ý thức rằng mình không thể bước mãi những bước quen thuộc trên con đường giảng dạy. Đó là ý thức nghề nghiệp của một người không có khái niệm “bằng lòng với mình”. Đây cũng là động lực để người giáo viên Văn ấy luôn luôn tìm tòi, sáng tạo trong nghề nghiệp.
Ngoài sách ngoài vở, tài liệu hướng dẫn, tham khảo thì điều mà cô Thuỷ tâm niệm sâu sắc đó là sự tự tìm tòi, khám phá, phát hiện ở mỗi tác phẩm văn học. Làm được điều này, nắm vững tác phẩm là điều hiển nhiên ở người giáo viên, cộng thêm đó phải là sự trăn trở, suy ngẫm. Đó không phải là chuyện “tìm hiểu” mà phải là “đào xới” từng câu chữ, hình ảnh, trong tác phẩm mới có thể phát hiện, khám phá sáng tạo cho mỗi bài giảng. Những lao động ngoài giờ lên lớp này đem lại bao điều mới mẻ cho những giờ giảng tưởng chừng như đã quen thuộc lắm rồi, để cô Thuỷ có thể “bước” những “bước chân” không cũ trên một “con đường quen”.
Cuốn sổ “Tự học, tự bồi dưỡng và tích luỹ kinh nghiệm” của cô Thuỷ cứ ngày một dày thêm. Những năm qua, nhiều sáng kiến cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy, nhiều nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đã được cô Thuỷ hoàn thành với các đề tài như: “Sự phá vỡ tính qui phạm trong thơ ca trung đại”; “Tình yêu qua các tác phẩm được học ở chương trình trung học phổ thông”, “Chất người - những khám phá của Nam Cao qua tác phẩm Chí Phèo”...
Gần đây nhất là chuyên đề về “Hướng tiếp cận nhóm tác phẩm về sông nước, quê hương qua Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường”. Chuyên đề là sự thể nghiệm của bản thân trong quá trình giảng dạy, nó thực sự có hiệu quả trong việc tiếp nhận giá trị tác phẩm ở cả hai phía giáo viên và học sinh, nhất là các kì thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi các cấp và thi đại học, cao đẳng. Sự lao động, sáng tạo đến lượt nó lại đem về cho cô giáo Thuỷ những hứng thú và tình yêu nghề nghiệp.
Tâm niệm về sự tự “trăn trở”, khám phá, tìm tòi sáng tạo, song chuyện nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức với cô Thuỷ còn là việc học từ bạn bè, đồng nghiệp. Ngay cả đối với học trò đang trực tiếp giảng dạy, với cô Thuỷ đó cũng là một nguồn bổ sung kiến thức. Đôi khi những nhìn nhận từ phía học trò lại là điều mà người giáo chưa bao giờ nghĩ đến. Chính bởi vậy, mỗi giờ giảng của cô giáo Thuỷ là sự gợi mở từ người thầy và sự trao đổi từ hai phía thầy- trò. Có lẽ vì thế mà những tiết Văn không “buồn”, không “mệt”.
Thêm vào đó là sự khích lệ và động viên dành cho học trò. Tình yêu và kiến thức văn chương từ thầy truyền thụ sang trò góp phần mang lại những vinh dự, tự hào cho ngôi trường mang tên Bác. Nhiều năm liền “cầm quân” tham dự giải học sinh giỏi các cấp, cô Thuỷ đều có học sinh đạt giải, trong đó nhiều em đạt giải cấp quốc gia ở những thứ hạng cao.
Chuyên tâm với chuyên môn, nghiệp vụ, song cô Thuỷ vẫn dành thời gian cho các hoạt động đoàn thể với vai trò là Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở, Trưởng ban Nữ công nhà trường. “Một người khá toàn diện. Một giáo viên giàu kinh nghiệm và nhiều sáng tạo. Một đồng nghiệp lớn tuổi mà nhiều giáo trẻ trông vào, học tập. Chị đồng thời cũng là người cán bộ không ngần ngại trong những hoạt động tập thể, góp phần tạo nên nhiều hoạt động ý nghĩa mà sôi nổi của nhà trường”. Đó là những nhận xét mà Hiệu trưởng nhà trường - thầy Lê Trường Sơn dành cho cô Thuỷ.
Những nỗ lực của cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ đã được khẳng định bằng nhiều danh hiệu trong quá trình công tác: nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và năm học 2008-2009 vừa qua, cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Cô cũng nhiều năm liền được công nhận danh hiệu phụ nữ “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Bộn bề công việc trường, lớp song cô vẫn chu toàn việc gia đình khi chồng cô thường xuyên công tác xa nhà. Niềm vui hạnh phúc gia đình cổ vũ thêm tình yêu nghề nghiệp khi hai người con của cô nay đã khôn lớn, thành đạt.
Trước những gì đã đạt được, ngoài sự nỗ lực của bản thân, cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ nói rằng: “Đó còn là sự giúp đỡ, động viên của đồng nghiệp, bạn bè và một môi trường giáo dục tốt để có thể phát huy được năng lực bản thân”.
Huyền My
Các tin khác
YBĐT – Hủ tục chăn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn trước đây vốn rất phổ biến ở khắp các thôn, bản của xã Thạch Lương, Văn Chấn (Yên Bái), song đến nay, trên tất cả 11 thôn, bản của địa phương này hiếm còn những ngôi nhà sàn mà gia súc nuôi nhốt dưới gầm nhà.
YBĐT - Thường trực cơ động 24/24h, khi có lệnh của chỉ huy, dưới một phút, tất cả cán bộ, chiến sỹ phải lên xe sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đó là yêu cầu đầu tiên khi thực hiện nhiệm vụ của các chiến sỹ cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Trường THPT Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được thành lập tháng 7/1999 theo Quyết định số 162/1999/QĐ-UB của UBND tỉnh Yên Bái, sau khi trung tâm huyện Văn Chấn chuyển đến địa điểm mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn tiếp tục được học lên bậc trung học phổ thông. Trải qua 10 năm thành lập và phát triển, thầy và trò THPT Sơn Thịnh đã có những nỗ lực vượt bậc trong tiến trình phát triển chung của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
Tin từ Hội Thiên Văn - Vũ trụ Việt Nam (HTVVTVN) cho biết, liên tục trong 2 ngày 17, 18/11/2009, vào khoảng 3 giờ sáng người dân Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng 2 trận mưa sao băng rực rỡ nhất sau hàng chục năm, với số lượng lên đến 500 vệt/giờ.