Dân vận khéo, hiệu quả cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Suối Giàng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), có trên 2.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở 8 thôn, bản, trong đó có 3 thôn vùng sâu còn nhiều khó khăn, nằm cách trung tâm xã 10 km. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và triển khai thực hiện tốt công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền cơ sở, các chương trình mục tiêu được thực hiện ở Suối Giàng đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người dân nơi đây.

Người Mông xã Suối Giàng thu hái chè Shan tuyết cổ thụ.
(Ảnh: Đức hồng)
Người Mông xã Suối Giàng thu hái chè Shan tuyết cổ thụ. (Ảnh: Đức hồng)

Suối Giàng chẳng những là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch mà còn nổi tiếng nhờ sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ nên thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến thăm quan. Xác định rõ lợi thế đó, Đảng ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong xã tập trung làm tốt công tác dân vận bằng cách tuyên truyền, vận động đồng bào trồng, chăm sóc tốt diện tích chè. Đội ngũ cán bộ cấp ủy phụ trách thôn phối hợp chặt chẽ với các trưởng bản, trưởng dòng họ tới tận nhà, thậm chí đến tận nương rẫy để tuyên truyền, hướng dẫn dân cách trồng, chăm sóc, thu hái chè đúng kỹ thuật. Tiếp đó là vận động đồng bào Mông gieo cấy lúa nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phá thế độc canh cây lúa.

Có thể nói, nhiệm vụ này đòi hỏi người cán bộ phải thực sự khéo dân vận bởi trình độ dân trí của người Mông ở Suối Giàng không đồng đều, tập quán còn lạc hậu, mỗi năm chỉ sản xuất duy nhất một vụ lúa nương... Lãnh đạo xã Suối Giàng xác định, nếu không có kiến thức thì cũng không thể đạt hiệu quả như mong muốn trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Vậy là một cuộc “cách mạng” về học tập để tự nâng cao kiến thức đã nhanh chóng lan truyền như luồng gió mới trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở đây. Phong trào thi đua học tập văn hóa, chính trị đã thổi vào Suối Giàng khí thế mới sôi nổi, hào hứng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thôn, bản và các thế hệ cán bộ từ già tới trẻ. Có thể nói, chưa bao giờ các lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, bồi dưỡng kiến thức tại Trung tâm Học tập cộng đồng, Điểm Bưu điện - Văn hóa xã Suối Giàng lại thu hút đông cán bộ, đảng viên đến thế.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đương chức, cán bộ quy hoạch, dự nguồn và cán bộ kế cận được tuyển chọn, cử và bố trí đi học trung cấp, cao đẳng, đại học các chuyên ngành như: nông - lâm nghiệp, an ninh, quân sự, tư pháp, kế toán, văn hóa, lao động - thương binh và xã hội tại huyện, tại tỉnh cũng như các trường chuyên nghiệp mỗi năm từ 5 - 7 người. Kết quả, từ một xã vùng cao mà đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ văn hóa cao nhất mới hết lớp 4, còn lại chỉ học hết lớp 1, lớp 2 và hầu hết là không biết chữ thì đến nay, 18% số cán bộ, đảng viên của Suối Giàng có trình độ trung học phổ thông, 56% có trình độ trung học cơ sở, 25% có trình độ trung cấp chuyên môn, 56% đảng viên có trình độ sơ cấp lý luận chính trị và 31% có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ xã không ngừng học hỏi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân các thôn, bản khai hoang ruộng bậc thang để gieo cấy lúa nước mỗi năm được 3 - 5 ha; thực hiện thâm canh tăng vụ từ gieo cấy 1 vụ lên 2 vụ, tăng diện tích lúa ruộng từ 10 - 30 ha. Đặc biệt, đến nay, đồng bào Mông ở Suối Giàng đã trồng thêm cây ngô vụ thu đông, tăng diện tích các giống ngô lai cho năng suất cao từ 50 - 90 ha. Riêng diện tích chè được trồng mới từ năm 1996 - 1999 mỗi năm 60 ha hiện đang cho thu hái. Việc chăn nuôi gia súc cũng đang dần được bà con chuyển sang hướng bán công nghiệp.

Là xã vùng ba còn nhiều khó khăn, Suối Giàng đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” đối với tất cả các công trình, dự án điện - đường - trường - trạm được hỗ trợ đầu tư từ các nguồn vốn của Chính phủ. Vì vậy, hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng của địa phương chẳng những phát huy tốt hiệu quả phục vụ nhân dân mà còn bảo đảm chất lượng kỹ thuật.

Quan điểm của lãnh đạo xã trong công tác dân vận là phải tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để từ đó giải thích cho dân hiểu rồi mới vận động dân thực hiện. Kể cả trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng các phong trào làng, bản văn hóa hay triển khai nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân đều phải bắt đầu từ dân để dân được biết, hiểu rõ và cùng bàn bạc, thống nhất mới có thể thành công. Nhờ vậy, việc thực hiện xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về nếp sống văn hóa truyền thống của người Mông ở thôn Pang Cáng vừa triển khai đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào trong thôn, trong xã. Đó là việc tôn tạo và giữ gìn kiểu nhà cổ truyền đi đôi với giữ gìn vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm; khôi phục, phát triển nghề rèn, đúc, đan lát, chế tạo các loại nhạc cụ truyền thống cũng như nghề thêu, dệt của phụ nữ Mông; cải tiến và giữ gìn tục lệ truyền thống...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tháng 9 vừa qua, xã đã phân công cán bộ trực tiếp xuống tận thôn để hướng dẫn và giúp đỡ mọi gia đình thực hiện tốt các tiêu chí vệ sinh trong sinh hoạt như: tu sửa các công trình nước sạch; làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc xa nhà ở và tu sửa nhà ở; thành lập các tổ, nhóm khôi phục và phát triển nghề truyền thống; xây dựng các đội văn nghệ, thể dục thể thao. Nhiều hộ có điều kiện đã tập trung phát triển kinh tế, chăn nuôi lợn, gà thả vườn vừa tăng thu nhập gia đình vừa phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác vận động quần chúng của Đảng bộ, chính quyền xã Suối Giàng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2009 và các năm tiếp theo. 

Thanh Hương

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông DTNT Mù Cang Chải trong giờ học vi tính.

YBĐT - 50 năm - một chặng đường đầy khó khăn đối với sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng cao Mù Cang Chải. Nhìn bản thành tích 50 năm của ngành giáo dục huyện nhà, chúng ta không khỏi tự hào, bởi nhiều cá nhân, tập thể được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý như Nhà giáo ưu tú, Huân chương lao động, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và của các cấp, các ngành.

Chiều 17-11, ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Lào Cai, cho biết, do không khí lạnh tăng cường muộn nên ở Sa Pa (Lào Cai), nhiệt độ đã xuống tới mức thấp nhất trong mùa đông năm 2009 là 4,9 độ C, xảy ra rét đậm, rét hại.

YBĐT - Ngày 16/11, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh, Sở Y tế Yên Bái phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 1816 về việc “Cử cán bộ luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao khám, chữa bệnh”. Dự có các đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thạc sỹ Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; PGS.TS Trần An - Phó Viện trưởng viện Mắt trung ương.

Thầy và trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Lục Yên trong giờ học môn Tiếng Việt.

YBĐT - Thực hiện chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong năm học 2009 – 2010, Hội đồng Đội huyện Lục Yên phối hợp với ngành giáo dục & đào tạo Lục Yên phát động phong trào thi đua xây dựng sổ “ Nhật ký đội viên làm theo lời Bác ” năm học 2009 – 2010 và giai đoạn 2010 - 2015 đối với các Liên đội trên địa bàn toàn huyện, nhằm tạo ra phong trào hành động thiết thực, thi đua thực hiện tốt cuộc vận động "Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục