Chất lượng, nhận thức và ý thức người lao động: Khó khăn “gốc rễ” của xuất khẩu lao động
- Cập nhật: Thứ tư, 25/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐVới hai huyện nghèo là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, Yên Bái được chọn làm một trong ba địa phương thí điểm triển khai Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2010 theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Doanh nghiệp tuyển dụng tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển dụng lao động làm việc tại Libya. (Ảnh: Văn Thông)
|
Sau Hội nghị phối hợp triển khai Đề án giữa Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) với Sở LĐ,TB&XH Yên Bái và hai huyện, công tác XKLĐ đã được các địa phương tích cực triển khai.
Với hàng loạt chính sách ưu đãi dành cho người lao động, đặc biệt đối với lao động thuộc diện hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, đây là cơ hội XKLĐ rất thuận lợi cho người lao động ở hai huyện nghèo của tỉnh. Sau 6 tháng triển khai, ngành LĐ,TB&XH 2 huyện đã phối hợp với các công ty XKLĐ tuyển chọn 102 người đủ điều kiện tham gia XKLĐ tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Angiêri và Libya.
Trong đó, Trạm Tấu 58 lao động thì có 52 lao động thuộc diện hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, Con số này với Mù Cang Chải là 40/44 lao động. Những lao động này được các công ty đưa về các trung tâm để học ngoại ngữ và giáo dục định hướng trước khi xuất cảnh. Trong số 102 lao động, đến nay, 64 lao động đã ra nước ngoài làm việc, trong đó 7 người đi Angiêri và 57 người đi Libya. Số còn lại đang học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, hoàn tất các thủ tục cần thiết chờ xuất cảnh.
Mặc dù việc triển khai công tác XKLĐ theo Quyết định 71 tại địa phương còn gặp nhiều lúng túng khi các văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định này chưa được ban hành kịp thời, đồng thời, do thời gian quá gấp nên thông tin cũng chưa kịp thời đến với đông đảo người lao động, song một thời gian chưa dài, công tác XKLĐ đã đạt được những kết quả khả quan.
Ngoài việc đã có hơn 100 lao động được tuyển chọn thì một số lao động đi làm việc tại thị trường Libya đã có thu nhập gửi về giúp đỡ gia đình và trả nợ vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, số lao động được tuyển chọn đi thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản (hai thị trường có mức thu nhập cao) hiện chưa tuyển đủ số lượng so với chỉ tiêu được giao. Kết quả này có nguyên nhân không nhỏ là do trình độ của người lao động không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Tiêu chuẩn tuyển chọn lao động tham gia xuất khẩu tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản phải tốt nghiệp trung học phổ thông là một khó khăn đối với người dân tộc thiểu số và người nghèo ở vùng cao. Ngoài ra, việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động ở trung tâm đào tạo XKLĐ có lúc chưa kịp thời dẫn đến người lao động thiếu tin tưởng, chán nản bỏ về, như tại lớp đào tạo kiến thức cho lao động tham gia tuyển chọn đi tu nghiệp tại Nhật Bản là những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai Đề án thời gian qua.
Cùng với đó, là những vướng mắc từ phía người lao động như việc làm hồ sơ tham gia XKLĐ gặp nhiều khó khăn khi người lao động không đăng ký hộ khẩu hoặc không có chứng minh thư, đặc biệt là vấn đề trình độ nhận thức và ý thức tổ chức kỷ luật của nhiều lao động là người dân tộc thiểu số rất kém: họ không xác định việc tham gia XKLĐ là việc làm có lợi cho bản thân và gia đình mà coi đây là trách nhiệm của Nhà nước, một số lao động tự ý bỏ về khi khoá học ngoại ngữ và giáo dục định hướng chưa kết thúc, gây lãng phí và tốn kém cho các doanh nghiệp.
XKLĐ theo Quyết định 71 thực sự là cơ hội việc làm và xoá đói, giảm nghèo có tính đảm bảo cho người lao động ở các huyện nghèo. Vì vậy, các cấp chính quyền ở địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu rõ chính sách ưu đãi của Nhà nước trong công tác XKLĐ đối với đồng bào vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn nhằm giúp đồng bào xoá nghèo bền vững.
H.M
Các tin khác
Ngày 24/11, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người khuyến cáo các cơ sở y tế tuyến dưới và người dân không nên đưa tất cả bệnh nhân nghi và nhiễm cúm ở giai đoạn đầu đến bệnh viện tuyến Trung ương, vừa không hiệu quả trong điều trị lại gây sức ép cho các tuyến trên.
Vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau - Kiên Giang đang bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới giật cấp 8. Hiện cơ quan quản lý đã thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển tránh khỏi vùng nguy hiểm.
Ngày 24-11, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác y tế dự phòng. Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, một số bệnh truyền nhiễm đã được loại trừ ở nước ta lại tái xuất hiện và có xu hướng gia tăng với diễn biến phức tạp hơn.
Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quyền nhập học tại các cơ sở giáo dục, kể cả khi thiếu giấy khai sinh, hộ khẩu hoặc các giấy tờ khác.