Yên Bái: Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em
- Cập nhật: Thứ hai, 28/12/2009 | 11:05:47 AM
YBĐT - Trong những ngày gần đây, trên địa bàn 2 huyện Trấn Yên và Văn Yên liên tục xảy ra các vụ đuối nước, làm 8 trẻ em bị thiệt mạng (5 trường hợp ở Trấn Yên, 3 trường hợp ở huyện Văn Yên), trong đó 2 vụ đuối nước tập thể tại thị trấn Cổ Phúc và xã An Thịnh.
Như vậy, tổng số trẻ em bị chết đuối năm 2009 của cả tỉnh là 27 trường hợp, cao hơn so với năm 2008 là 14 trường hợp. Mặt khác, tình trạng chết đuối nhiều vào mùa đông là khá khác thường, vì thông thường, tình trạng này hay xảy ra vào mùa hè do trẻ em đi tắm sông, suối, ao hồ, không an toàn và bị mưa lũ cuốn. YBĐT đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thu Lan - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về vấn đề này.
- Thưa bà, trước thực trạng trẻ chết đuối như hiện nay thì nguyên nhân của vấn đề là do đâu?
Bà Lê Thu Lan:Nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em là do nhận thức và kiến thức phòng ngừa tai nạn thương tích của gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ còn hạn chế, trẻ em luôn hiếu động, nhu cầu được vui chơi rất lớn nhưng lại chưa ý thức được sự nguy hiểm của các địa điểm không an toàn; cha mẹ cũng chưa quan tâm quản lý, hướng dẫn, chỉ bảo cho con em mình một cách cụ thể; một số gia đình còn rất thờ ơ, thiếu đề phòng, để trẻ nhỏ chơi ở khu vực nguy hiểm gần ao hồ, ngoài tầm mắt. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái địa hình phức tạp, có nhiều sông, suối, nhiều ao, hồ trong khu dân cư, nhiều điểm nguy hiểm chưa có biển cảnh báo, nhiều bến đò ngang dân sinh không đảm bảo an toàn là các nguy cơ thường trực đối với trẻ em khi đi học, đi chơi. Hơn nữa trẻ em còn rất thiếu điểm vui chơi tại cộng đồng, tỷ lệ trẻ em không biết bơi chiếm tỷ lệ cao.
Mặt khác, công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung và phòng chống đuối nước nói riêng trong thời gian vừa qua tuy đã được quan tâm thực hiện song do thiếu nguồn lực cả về kinh phí và cán bộ thực hiện, nhất là không còn hệ thống cộng tác viên về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại từng thôn, bản để tuyên truyền trực tiếp cho người dân, giám sát thực hiện các tiêu chí “ngôi nhà an toàn”, “cộng đồng an toàn”… nên các hoạt động cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các vụ đuối nước ở trẻ em gần đây cũng không nằm ngoài nguyên nhân này.
- Với chức năng là ngành quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trước thực trạng đuối nước ở trẻ em như vậy, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã có những giải pháp gì?
Bà Lê Thu Lan: Thực tế, chết đuối ở trẻ em đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em Việt Nam; trên toàn quốc mỗi ngày trung bình có trên 10 trẻ bị chết đuối. Để thực hiện được mục tiêu phòng chống đuối nước, từng bước hạn chế tai nạn, đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ em đòi hỏi sự chung tay phối hợp giải quyết của các cấp, của nhiều ngành. Trong các năm qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã thực hiện các hoạt động như: phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp tài liệu, tờ rơi tới cộng đồng, người dân; hỗ trợ tổ chức các lớp dạy bơi; xây dựng mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp về hệ thống giám sát tai nạn thương tích. Năm 2009, bằng tài trợ của Ngân hàng Công thương đã cấp 500 cặp phao cứu sinh cho học sinh một số địa bàn hay bị ảnh hưởng lũ lụt.
Mới đây nhất, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 111/KH-UBND ngày 13/11/2009 về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em năm 2010, trong đó đề ra các giải pháp chính và phân công trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố; đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Với chức năng là ngành quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đang và sẽ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể: phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền theo nhiều kênh, nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền cho học sinh trong các nhà trường về nguy cơ đuối nước có thể xảy ra khi đi chơi ở gần các khu vực sông, ngòi, ao, hồ không an toàn; tuyên truyền cho các bậc phụ huynh, người trông trẻ các kỹ năng đề phòng tai nạn thương tích trong khi chăm sóc trẻ nhỏ; loại trừ các nguy cơ có thể gây đuối nước ở tại gia đình, cộng đồng; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống đuối nước vào trước dịp nghỉ hè, phát huy sự tham gia của chính trẻ em vào hoạt động phòng, chống đuối nước ở trẻ em; triển khai kế hoạch giám sát về tiêu chuẩn ngôi nhà an toàn, phòng, chống đuối nước ở trẻ em; từng bước thiết lập lại hệ thống cộng tác viên về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại từng thôn, bản, tổ dân phố để tuyên truyền và giám sát việc thực hiện các quy định an toàn về phòng chống đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cụm dân cư. Vận động nguồn lực để cấp cặp phao cứu sinh cho học sinh, trẻ em vùng lũ lụt, sông, ngòi có nguy cơ cao; mở các lớp dạy bơi; hỗ trợ gia đình nạn nhân.
Đặc biệt, chúng tôi muốn gửi đến các cấp, các ngành, các gia đình, các bậc làm cha, làm mẹ một thông điệp: Hãy chung tay góp sức xây dựng một cuộc sống an toàn không có tai nạn thương tích đối với trẻ em.
Xin cảm ơn bà!
Thanh Tân (thực hiện)
Các tin khác
Từ ngày 1.1.2010, sẽ cấm tuyệt đối hút thuốc lá tại những địa điểm công cộng. Tuy nhiên, nhiều bộ ngành, đơn vị vẫn chưa có kế hoạch triển khai thực hiện.
YBĐT - Theo phong tục của đồng bào nơi đây, nam nữ thanh niên khi đã đến tuổi 15, 16, các gia đình sẽ tổ chức dạm ngõ cho con em mình. Sau khi dạm ngõ các em đương nhiên được coi là vợ chồng và chờ khi đủ tuổi pháp luật quy định sẽ .đi đăng ký kết hôn. Cũng bởi thể trạng chưa phát triển toàn diện nên hầu hết những đứa trẻ ra đời từ những cuộc tảo hôn này đều còi cọc và suy dinh dưỡng nặng.
Ngày 23-12, Bộ Y tế cho biết, trong tháng 12 , nhiều loại dịch bệnh giảm cả số ca mắc và số ca tử vong. Điển hình là bệnh thương hàn, có 8 địa phương ghi nhận với tổng số mắc/tử vong là 44/0, đưa số bệnh nhân tích lũy từ đầu năm đến nay là 1.199 trường hợp, trong đó chỉ có 1 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2008 (2.008/0), số mắc giảm 40,3%.
Bắt đầu từ năm học 2009 - 2010, mức thu học phí đối với sinh viên hệ cử tuyển đã thay đổi. Theo đó, mức học phí mà địa phương phải trả cho trường để đào tạo sinh viên hệ đại học cử tuyển của địa phương từ 50.000 - 240.000 đồng/tháng/sinh viên.