Làng ven hồ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2010 | 2:56:41 PM

YBĐT - Những năm 1969 – 1970, nhiều đồng bào vùng hồ đã tới định cư tại các làng ven hồ nhường đất cho việc đắp đập, ngăn sông, xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành Thuỷ điện Việt Nam.

Đó là sự hy sinh to lớn của đồng bào các dân tộc vùng hồ cho dòng điện Tổ quốc. Mới chừng đó thôi mà đã thấm thoát 40 năm trôi qua. Ngôi làng nhỏ Tầm Vông (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình), nơi sinh sống của 86 hộ dân, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc Dao, là một trong những ngôi làng như thế. Làng nằm bên sóng nước mênh mang, ngày đêm đón những ngọn gió từ hồ Thác Bà.

Sống ven hồ nên cuộc sống của nhiều hộ dân trong làng dựa vào nghề chài lưới. Hồ Thác Bà mênh mông đã trở thành một phần cuộc đời họ. Nguồn lợi thuỷ sản của hồ tuy không được như xưa nhưng cũng đủ nuôi sống những con người chân chất, bình dị. Nghề chài lưới là một nghề vất vả và nguy hiểm bởi không phải lúc nào mặt hồ cũng thanh bình, lặng gió, có những đêm gió to sóng lớn đe doạ tính mạng, nhưng chưa ai trong số họ nghĩ tới ngày xa hồ.

Sáng sáng, khi mặt hồ còn mờ ảo, vạn vật còn ướt đẫm sương đêm, những ngư dân của làng Tầm Vông đã đi thả rọ tôm cho ngày mới. Mỗi chiếc rọ tôm thả xuống hồ mang theo hy vọng về một cuộc sống ấm no của những con người hiền lành, chất phác.

Người nông dân nơi đây cần cù, chịu khó lao động sớm hôm, họ không chỉ đánh bắt cá, tôm từ hồ mà còn nuôi thêm cá lồng để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, làng có 16 lồng cá được Trung tâm Thuỷ sản tỉnh Yên Bái hỗ trợ về giống và kỹ thuật chăn nuôi.

Xưa kia, đồng bào người Dao nơi đây sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thuỷ sản từ hồ và phát nương làm rẫy, tra ngô, tra lúa.

Theo tháng năm đất đai bạc màu dần, con người vất vả lao động nhưng vẫn đói khổ. Nhưng nay đã khác, tuy diện tích trồng lúa ít nhưng bù lại, tận dụng những bãi bồi vào mùa nước cạn, người dân trong làng tranh thủ khai hoang ruộng nước, trồng lạc, trồng đỗ để mở rộng diện tích canh tác và trồng thêm được nhiều rừng, nhiều sắn. Năm vừa qua, làng đã trồng mới được 10 ha rừng. Thêm nữa, người dân còn trồng được 35 ha sắn, mỗi ha thu được gần 20 triệu đồng.

Có thu nhập, người Dao ở làng Tầm Vông đã có tiền để làm ngôi nhà sàn mới, mua xe máy, sắm chiếc tivi và cho con cái học hành....Hiện nay, tất cả các hộ trong làng đều có điện, 80% số hộ có tivi và xe máy. Cuộc sống nơi đây đang không ngừng đổi thay. Đã từ lâu trong làng không còn hộ đói. Người dân làng ven hồ đang vui mừng chào đón mùa xuân mới nhưng có lẽ vui hơn ai hết là ba mẹ con chị Bàn Thị Lành, bởi Tết này mẹ con chị được đón tết trong ngôi nhà “mái ấm tình thương” do Hội Phụ nữ và bà con trong làng góp công xây dựng.

Cái nghèo đeo bám mảnh đất này nhiều năm một phần do sinh đẻ nhiều, có những gia đình có tới 10 con.  Nhưng đã 3 năm trở lại đây, trong làng không có người sinh con thứ ba.Tất cả các trẻ em trong làng đến độ tuổi đi học đều được đến trường.

Mùa xuân lại về, gió xuân thổi qua những đồi cọ, nương sắn, trên những thửa ruộng khai hoang mới cấy vụ đầu tiên đang xanh thì con gái, lan trên sóng nước hồ Thác Bà mang tới sức sống mới cho ngôi làng nhỏ. Tết này làng Tầm Vông chắc chắn sẽ đón cái tết to hơn và vui hơn. Bánh chưng và bánh mật sẽ treo nhiều hơn trên mỗi gác bếp, mọi người sẽ diện những bộ quần áo đẹp nhất để chơi xuân. Không vui sao được khi cá, tôm được giá, khi sắn được mùa và thóc lúa đầy bồ. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt của những con người đã từng nghèo khổ nay có được cuộc sống ấm no.

Hồng Khanh

Các tin khác

YBĐT - Không khí đón tết năm nay của gia đình chị Đặng Thị Sính, thôn Đồng Bông, xã Viễn Sơn (Văn Yên) rộn rã và tràn ngập niềm vui.

YBĐT - Cách đây vừa tròn một năm, tin vui đến với những người dân nghèo trên địa bàn 61 huyện (nay là 62 huyện) thuộc 20 tỉnh trong cả nước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (gọi tắt là Nghị quyết 30a) về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện có số hộ nghèo trên 50% - một chủ trương lớn giầu tính nhân văn.

Năm học 2009 - 2010 đã có trên 20 ngàn học sinh được giáo dục quốc phòng - an ninh.

YBĐT - Những năm học trước, giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) trong các nhà trường ở tỉnh Yên Bái chưa được quan tâm đúng mức. Do chưa đưa thành môn học chính thức để đánh giá kết quả học tập nên việc giảng dạy thường được tổ chức thành từng đợt tập trung, đội ngũ giáo viên của bộ môn này cũng chưa chuẩn hoá.

YBĐT - Trong số Báo Yên Bái ra ngày 15/7/2009, chúng tôi đã có bài viết "Cảnh báo thu gom "sổ đỏ" ở Yên Bái" phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp, cá nhân đi thu gom Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục