Yên Bái: Cần siết chặt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/2/2010 | 2:43:01 PM

YBĐT - Năm 2009, số vụ ngộ độc thực phẩm ở Yên Bái tăng gần gấp 3 lần và số người mắc tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Hàng thực phẩm tươi sống cần được kiểm soát nghiêm ngặt.
Trong ảnh: Dãy hàng bán thịt lợn ở chợ Yên Ninh (T.P Yên Bái).
Hàng thực phẩm tươi sống cần được kiểm soát nghiêm ngặt. Trong ảnh: Dãy hàng bán thịt lợn ở chợ Yên Ninh (T.P Yên Bái).

Toàn tỉnh xảy ra 26 vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, hoá chất và ăn phải thực phẩm độc làm 115 người mắc, trong đó 2 người đã tử vong. Những con số trên cho thấy công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không thể lơ là.

Qua thống kê của Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP, Yên Bái hiện có 3.893 cơ sở thực phẩm gồm: sản xuất, chế biến thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống; kinh doanh thực phẩm. Thị trường thực phẩm ở Yên Bái rất đa dạng có cả thực phẩm sản xuất tại các địa phương trong tỉnh, trong nước và nhập khẩu.

Các thực phẩm này có cả chế biến ăn ngay như: dưa muối, thịt quay, bánh, kẹo, rượu, bia; có cả thực phẩm tươi sống như: tim, cật, trễ, trứng gà đến phụ gia như đường hoá học, phẩm màu... Lợi dụng xu thế hội nhập, giao lưu thông thoáng, có không ít doanh nghiệp đã nhập khẩu cả các mặt hàng thực phẩm không đảm bảo VSATTP trà trộn lừa dối người tiêu dùng.

Những năm gần đây, đặc biệt năm 2009, công tác VSATTP đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Các ngành chức năng như: y tế, thương mại và du lịch, công an, quản lý thị trường, thú y, bảo vệ thực vật, thuỷ sản... đã có sự phối hợp tích cực, hiệu quả.

Đặc biệt từ cuối năm 2008 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực được thành lập, công tác quản lý chất lượng VSATTP ngày càng được củng cố và đẩy mạnh. Năm qua, Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường và duy trì tốt hoạt động thanh tra liên ngành từ xã đến huyện và tỉnh.

Qua các đợt thanh, kiểm tra, lực lượng chức năng đã tịch thu và tổ chức tiêu huỷ nhiều mặt hàng kém chất lượng, sử dụng phẩm màu, chất phụ gia ngoài danh mục cho phép như: giò, chả có sử dụng hàn the; rượu vẩn đục, bia, nước ngọt, kẹo màu Trung Quốc, hạt dưa… không đảm bảo VSATTP; phối hợp với ngành y tế đã kiểm tra gần 82% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh, trên 42% cơ sở được tập huấn VSATTP và trên 41% cơ sở được khám sức khoẻ.

Ngành y tế đã hướng dẫn cho 53 cơ sở thực phẩm tự công bố chất lượng sản phẩm; gia hạn cho 7 cơ sở và cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho 53 cơ sở.

Hiện nay toàn tỉnh có 606 cơ sở được cấp phép đủ điều kiện VSATTP chiếm trên 15%. Tỷ lệ này là quá thấp. Nguyên nhân có nhiều song chủ yếu do các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm còn nhỏ lẻ, đặc biệt là các huyện vùng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo yêu cầu. Nguyên nhân nữa là do ý thức của các cơ sở kinh doanh thực phẩm và sự vào cuộc thiếu đồng bộ của các ngành liên quan. Công tác thanh tra, kiểm tra VSATTP mới chỉ tập trung ở những nơi đông dân, cơ sở kinh doanh thực phẩm lớn; còn đối với hầu hết cơ sở nhỏ ở vùng sâu, vùng xa công tác này vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác VSATTP đó là: nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng xã còn hạn chế; vẫn còn không ít cơ sở vì lợi nhuận kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả; trang thiết bị phục vụ công tác VSATTP còn thiếu nhất là tuyến huyện, thị, thành phố; sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung ở các ngành chủ chốt và vào các dịp cao điểm, còn mang tính hình thức và coi công tác VSATTP là việc của ngành y tế; thông tin thiếu và chậm; việc điều tra ngộ độc thực phẩm theo qui định còn lúng túng, chưa kịp thời, gây khó khăn cho việc xác định nguyên nhân...

Để công tác VSATTP ngày càng được siết chặt, đảm bảo sức khoẻ cũng như quyền lợi cho người tiêu dùng đòi hỏi ngành y tế phải tăng cường công tác đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách; nâng cấp đầu tư hệ thống kiểm nghiệm tại các tuyến; đẩy mạnh truyền thông hướng về vùng dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn. Luật Thanh tra cũng cần sớm được sửa đổi bổ sung để thanh tra chuyên ngành về VSATTP có đủ thẩm quyền thực thi công việc.

Đào Minh  

Các tin khác

YBĐT - Ngay từ đầu năm 2009, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tích cực tuyên truyền các chế độ chính sách BHXH theo luật mới, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) tới các đơn vị, chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên toàn thị xã.

Nông dân bản Tà Ghênh, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) làm đất gieo cấy lúa. (Ảnh: Huy Văn)

YBĐT - Cùng với sự quyết tâm lãnh đạo của tỉnh Yên Bái và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, trong công tác giảm nghèo tỉnh đã ưu tiên đầu tư nguồn lực, nhất là vùng sâu, xa, vùng khó khăn nên kết quả giảm nghèo của Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

YBĐT - Vượt lên những khó khăn của một bệnh viện vùng cao, năm qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) cho biết, trong năm 2010, do nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản đã có triển vọng hồi phục, nhu cầu về lao động, tu nghiệp sinh nước ngoài đang tăng lên nên đây là cơ hội để các doanh nghiệp đưa lao động, tu nghiệp sinh Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục