Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở thị xã Nghĩa Lộ: Hiệu quả, thiết thực, hợp lòng dân
- Cập nhật: Thứ hai, 15/3/2010 | 3:04:37 PM
YBĐT - Ngay sau khi có Kế hoạch số 92 của Tỉnh ủy Yên Bái, Thường trực Thị ủy Nghĩa Lộ đã giao cho Ban Dân vận Thị ủy nghiên cứu và xây dựng Kế hoạch số 67 về tổ chức các hoạt động “Năm dân vận chính quyền” và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”.
Thị ủy Nghĩa Lộ đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở, xây dựng các chương trình, dự án chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; triển khai các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách của Nhà nước bảo đảm đúng đối tượng. Đồng thời, Thị ủy thành lập 5 tổ công tác do các ủy viên thường vụ phụ trách địa bàn làm tổ trưởng của mỗi đơn vị được lựa chọn xây dựng 5 mô hình “Dân vận khéo”.
Đối với các cơ sở xã, phường, mặt trận và các đoàn thể, lực lượng vũ trang đã xây dựng sớm, cụ thể kế hoạch triển khai tổ chức các hoạt động, đăng ký xây dựng mô hình; thành lập các tổ công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện gắn với thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Đến nay, đã xây dựng được 47 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 3 mô hình “Dân vận khéo toàn diện”; 9 mô hình “Phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”, xây dựng tổ chức trong sạch vững mạnh tiêu biểu; 15 mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm; 20 mô hình liên quan đến giữ gìn trật tự an toàn xã hội, không mắc tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em...
Tổ dân phố 17 được phường Trung Tâm chọn xây dựng mô hình “Dân vận khéo toàn diện”. Với 56 hộ, 123 khẩu, trước đây có 6 hộ nghèo nhưng đến nay cả 6 hộ đã thoát nghèo. Tổ có 4 con đường đất, nay đều đã rải nhựa, đổ bê tông sạch, đẹp và tất cả do nhân dân đóng góp. Năm 2009, Chi bộ Tổ dân phố 17 phát động phong trào thi đua hoàn thành 100% thuế nhà đất ngay ngày đầu của đợt I, xây dựng quỹ “Vì trẻ thơ”, “Vì người nghèo”, tình nghĩa, khuyến học...
Theo đồng chí Trần Huấn - Bí thư Chi bộ, kinh nghiệm rút ra từ thực tế lãnh đạo thực xây dựng mô hình hiện là “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Từ tình hình trong tổ, Ban Chi ủy đã kiện toàn các chi hội, phân công phụ trách Ban công tác Mặt trận, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Người cao tuổi, mỗi đoàn thể phụ trách 10 gia đình. Trong mỗi lần sinh hoạt của các đoàn thể đều gắn nội dung tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát động phong trào thi đua và vận động đoàn viên, hội viên làm theo tấm gương của Bác.
Ở xã Nghĩa An, các mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy tác dụng. Đồng chí Hoàng Thị Phượng – Phó bí thư Đảng ủy xã cho biết, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các đoàn thể đăng ký xây dựng mô hình thiết thực với đoàn viên. Đó là mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu của Hội Phụ nữ xã có 143 hội viên tham gia; mô hình xử lý rác lưu động và thu gom rác nơi công cộng của Đoàn thanh niên; mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại thôn Nậm Đông I... từng bước nâng cao đời sống nhân dân và tạo lối sống lành mạnh.
Trong đó, mô hình xây dựng địa bàn không ma túy của Hội Phụ nữ xã đạt hiệu quả thiết thực nhất. Bà Điêu Thị Xiêng – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An cho hay: “Nói dễ nhưng đi vào công việc thì không phải việc gì cũng suôn sẻ”. Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành lập Ban chỉ đạo xây dựng địa bàn không ma túy do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã làm Phó ban Thường trực và tổ chức ký cam kết.
Sau đó, Hội tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo các đoàn thể triển khai tới 100% hội viên của từng tổ chức hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên về nội dung xây dựng địa bàn không ma túy. Từ đó xây dựng quy định rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn để từng hội viên ký cam kết với chi hội trưởng, các chi hội trưởng ký cam kết với chủ tịch hội và kết quả, Hội Phụ nữ có hơn 700 hội viên ký cam kết thực hiện.
Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và phát động xây dựng địa bàn không ma túy trong quần chúng, hội viên.
Các hội viên đã khẳng định vai trò trong công tác đấu tranh, đẩy lùi tệ nạn ma túy trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Đã có trên 3.000 lượt người trong độ tuổi từ 15 trở lên tham gia học tập tại 8/8 thôn, bản và theo bà Xiêng, làm sao để mỗi hội viên là cánh cửa ngăn chặn ma túy ở từng gia đình thực sự rất quan trọng.
Một năm triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” chưa phải thời gian dài nhưng điều quan trọng nhất mà thị xã Nghĩa Lộ làm được đó là các cấp ủy Đảng, chính quyền đã vào cuộc tích cực. Các mô hình đăng ký đều có bàn bạc, lựa chọn, mang tính tiêu biểu đối với từng đơn vị.
Các mô hình tập thể điển hình được xây dựng là các cá nhân tiêu biểu làm công tác “Dân vận khéo”. Các cá nhân được lựa chọn là tấm gương tiêu biểu, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, gương mẫu và có uy tín cao trong cộng đồng. Và trên hết là các mô hình triển khai đã phát huy hiệu quả thiết thực, hợp lòng dân và lan tỏa trong cộng đồng.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
YBĐT - Giảm tỷ lệ SDD trẻ em - vấn đề cấp bách đã được Đảng bộ, chính quyền thành phố Yên Bái đặt ra và đưa vào nghị quyết, có kế hoạch triển khai cụ thể, nhất là việc triển khai Đề án Phòng chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi (giai đoạn 2010-2015) thể hiện sự đồng thuận của các cấp, ngành và nhân dân thành phố vì thế hệ tương lai.
YBĐT - Là đơn vị doanh nghiệp Nhà nước phục vụ lợi ích công cộng và sự nghiệp môi trường, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Công trình và Môi trường đô thị Yên Bái luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của công nhân viên chức – lao động (CNVC-LĐ) trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
YBĐT - Từ ngày 11- 13/3/2010, đoàn kiểm tra phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTHĐĐT) của Bộ Giáo dục & Đào tạo do Tiến sĩ Phạm Ngọc Định - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Ủy viên Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đã đến kiểm tra công tác PCGDTHĐĐT tại Yên Bái.
Trong Quý 1 năm 2010, Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung nhận được tài trợ và cam kết tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hơn 14 tỷ đồng, giúp 14 tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hoá đến Bình Thuận phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.