Bạo lực gia đình: Gánh chịu nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/4/2010 | 2:26:06 PM

YBĐT- Tình trạng bạo lực gia đình trong những năm qua đã và đang diễn ra phổ biến. Bất bình đẳng giới còn tồn tại ở mọi nơi, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà ngay cả nơi phố thị văn minh và người gánh chịu nhiều nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em.

Tuyên truyền nhóm phòng chống bạo lực gia đình của hội viên phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Quỳnh Nga)
Tuyên truyền nhóm phòng chống bạo lực gia đình của hội viên phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Chẳng hạn, như trường hợp của chị T ở thôn 3 Lương Thịnh, xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái). Chị T là người dân tộc Tày, xuất thân trong gia đình rất nghèo khó ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Không có điều kiện về kinh tế, lại đông anh em nên chị cũng chẳng được học hành tử tế, suốt ngày chỉ biết làm việc quần quật ngoài đồng. Cuộc sống khó khăn nhưng anh chồng lại nghiện rượu. Những khi kiếm được tiền, anh chồng lại tự “thưởng” cho mình một chầu rượu, uống đến say xỉn. Sau mỗi lần như thế, những trận đòn vô cớ lại trút xuống đầu chị. Nhiều đêm sau khi đánh vợ thừa sống thiếu chết, anh ta còn làm nhục vợ. Nhưng vì xấu hổ, chị T cứ âm thầm chịu đựng.

Như chị T, chị N cũng ở xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) 34 tuổi, vốn là người đàn bà lam lũ, chịu thương chịu khó. Chị N chấp nhận vất vả, một mình bươn chải để gánh vác việc gia đình. Hàng xóm khó mà tin chuyện chị thường xuyên bị chồng đánh đập bởi trước mặt mọi người, anh ta luôn tỏ ra là một người đàn ông nhã nhặn, chu đáo với gia đình, yêu chiều vợ con. Nhưng khi cánh cửa nhà khép lại là cơ man những trận đòn mà chị đã phải cắn răng chịu đựng suốt 10 năm trước sự bạo hành tàn ác của người chồng vũ phu. Một ngày chị N phải hứng chịu 3 đến 4 trận đòn, song vẫn không dám cãi lại nửa lời. Lý do rất đơn giản mà người phụ nữ cam chịu ấy đưa ra là vì thương những đứa con tội nghiệp.

Còn trường hợp cháu V ở phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) có hoàn cảnh éo le mẹ mất sớm, bố đi tiếp bước nữa. Với bản tính hung hăng, thêm vào đó là không phải con đẻ của mình, dì ghẻ của V tìm mọi cách gây sự và đánh đập V một cách tàn nhẫn. Có lần đang ngồi nhặt rau, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, dì ghẻ cầm mớ rau đánh thẳng vào mặt trước sự sững sờ của V...

Theo nghiên cứu khảo sát về gia đình Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Nghiên cứu về gia đình và giới và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cho thấy, hiện nay có tới 21,2% số cặp vợ chồng đã từng trải qua một dạng bạo lực gia đình nào đó như: bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế, mà tỷ lệ những phụ nữ không dám nói lên sự thật còn chiếm khá cao: 26,2%, so với con số này ở các ông chồng là 16,7%. Cứ 5 cặp vợ chồng thì có 1 cặp từng trải qua các hình thức bạo lực gia đình nghiêm trọng nhất. Phụ nữ thường là đối tượng của bạo lực, bởi tỷ lệ này là rất nhỏ, chỉ chiếm có 0,6% phụ nữ đánh chồng so với 3,4% số nam giới đánh vợ. Trong các trường hợp bạo lực gia đình, các cặp vợ chồng hiếm khi chia sẻ vấn đề của họ với bố mẹ, bạn bè hoặc chính quyền do lo sợ bị mất mặt, hoặc ngại “vạch áo cho người xem lưng”.

 Một điều mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là bạo lực gia đình còn có thể làm tan vỡ, hủy hoại các gia đình. Mặt khác, bạo hành gia đình có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của trẻ thơ khi phải chứng kiến bố mẹ chúng có hành vi bạo lực. 85,4% trong số đó cho thấy có biểu hiện chán nản, lo lắng; 20% cảm thấy sợ hãi; 8,5% không hiểu nổi bố mẹ mình và 4,2% mất đi sự tôn trọng bố mẹ. Thậm chí hơn 5,5% còn lại còn muốn chạy trốn hoặc bỏ nhà ra đi. Bên cạnh đó, tỷ lệ bố mẹ phải chia tay nhau do bạo lực gia đình ngày càng tăng, xảy ra nhiều ở đô thị.

Để giảm thiểu tình trạng bạo hành gia đình đã có nhiều dự án được triển khai có quy mô. Hiện tại, Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (gọi tắt là SUDECOM) đã triển khai làm điểm Dự án “Hỗ trợ nâng cao kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS và chăm sóc phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình tại phường Yên Thịnh và xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) do Tổ chức Bánh Mỳ thế giới tài trợ.

Hơn 2 năm qua, bước đầu Dự án đã thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn có nhiều điều đáng quan tâm. Do vậy, các cấp ủy chính quyền và các ban, ngành, các lực lượng có liên quan cần nỗ lực và có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động thiết thực của toàn xã hội thực hiện bình đẳng giới và chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Minh Tuấn

Các tin khác
Anh Vũ Xuân Thu (trái) những năm tháng làm việc tại thanh tra Sở giao thông vận tải.

YBĐT - 5h ngày 27/2/2010, hồi chuông điện thoại rung lên. Đầu dây đằng kia giọng nói nghẹn ngào của người phụ nữ gọi cho tôi: “Chú Bộ à, anh Thu nhà tôi mất rồi. Anh đi lúc 2h sáng. Ngày mai tổ chức an táng anh, chú cố về viếng anh nhé!”. Tôi lặng người đi vì quá bất ngờ phải chia tay một người anh đã bao năm gắn bó với ngành giao thông vận tải (GTVT), với sự nghiệp thanh tra giao thông Yên Bái.

YBĐT - Qui Mông – một trong những xã vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái), là nơi chung sống của 4 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Mường, Dao. Thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã (CQGYTX) giai đoạn 2007 - 2009 đã tạo những bước chuyển quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan quá trình thực hiện cũng bộc lộ những tồn tại cần khắc phục.

Đó là một trong nhiều nội dung của Chỉ thị 494/CT-TTg mà Thủ tướng vừa ban hành về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 20-4, liên bộ Y tế, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp đang xây dựng dự thảo nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các cơ sở y tế công lập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục