Đẻ nhiều, nghèo mãi

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/5/2010 | 2:52:54 PM

YBĐT - Anh Hờ A Vư ở thôn Khe Ron (xã Hồng Ca) lấy vợ được hơn 10 năm, đến nay đã có 6 đứa con cả trai lẫn gái. Một người bố hơn 40 tuổi không thể nhớ nổi năm sinh những đứa con do chính mình đẻ ra.

Các chương trình tuyên truyền về công tác DS/KHHGĐ bước đầu đã thu hút đông đảo phụ nữ dân tộc Mông tham gia.
Các chương trình tuyên truyền về công tác DS/KHHGĐ bước đầu đã thu hút đông đảo phụ nữ dân tộc Mông tham gia.

Không chỉ riêng gia đình nhà Hờ A Vư, ở Hồng Ca còn có hàng trăm gia đình như thế. Những hộ đẻ nhiều con, tập trung chủ yếu ở 3 thôn đồng bào Mông là: Khuôn Bổ, Hồng Lâu và Khe Ron, mỗi nhà trung bình từ 5-7 đứa con. Thậm chí, có những gia đình hàng chục người con như: Vàng A Khai ở thôn Khe Ron có đến 11 người con, Sùng Tủa Sinh ở bản Khe Tiến có 10 người con...

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, Hồng Ca có hơn 50% là dân tộc Tày, khoảng 30% người Mông, còn lại là người Kinh, Dao, Thái. Do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, đường giao thông giữa các thôn bản còn nhiều cách trở nên điều kiện để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ, nạn tảo hôn và các hủ tục khác của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại, khiến cho tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày còn diễn ra. Tâm lý chung của người Mông là sinh nhiều con để có người làm nương làm rẫy, để phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu nên các gia đình cứ cố đẻ cho thật nhiều. Do đó, những buổi tuyên truyền về chính sách dân số đối với họ cứ như “nước đổ lá khoai”.

Đến thăm Trường tiểu học số 2 xã Hồng Ca – ngôi trường được xây dựng phục vụ việc học tập của học sinh ở 3 thôn người dân tộc Mông. Toàn trường có 226 học sinh ở 5 khối lớp. Việc dạy học của các thầy cô giáo trong nhà trường gặp rất nhiều vất vả bởi nhiều lý do như: đường sá không thuận lợi, bất đồng ngôn ngữ, nhất là các em học sinh khối lớp 1, lớp 2, nhưng khó khăn lớn nhất được phát sinh từ vấn đề dân số, bởi hầu như gia đình nào ở đây cũng có từ 2 đến 3 con học tại trường.

Sinh đông con dẫn đến sự đói nghèo, nên những ông bố, bà mẹ không có thời gian để tâm đến việc học của con. Có trường hợp, người mẹ còn đến tận trường để xin cho con nghỉ học về đi làm nương, do đó tỷ lệ chuyên cần của các em rất thấp. Có thời điểm số nghỉ học chiếm đến 50% và những lúc như vậy, các thầy cô giáo lại phải trèo đèo lội suối đến từng nhà để vận động các em ra lớp.

Trong những năm qua, Hồng Ca đã đẩy mạnh công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình tới đông đảo người dân trên địa bàn, đặc biệt ở những thôn, bản có đông người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để tìm ra được những giải pháp thực sự có hiệu quả cho công tác này thì vẫn còn là vấn đề hết sức nan giải.

Năm 2009, tỷ lệ sinh thô của xã là 2,1%, toàn xã có 28 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có đến 24 trường hợp ở 3 thôn người Mông. Tuy có giảm 5 trường hợp so với năm 2008, nhưng đây chưa phải là tín hiệu đáng mừng đối với những tác động xấu do việc gia tăng dân số nhanh.

Hiện nay, địa phương có 215 hộ nghèo với 946 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở 3 thôn người Mông. Điển hình là thôn Hồng Lâu số hộ nghèo chiếm gần 40%, ở bản Khe Tiến lên đến 45% và số hộ thuộc diện khá, giàu chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Nhận thức rõ những ảnh hưởng xấu do dân số tăng nhanh, nên Đảng ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Ban Dân số/Kế hoạch hóa gia đình, đẩy mạnh truyền thông dân số tới mọi tầng lớp nhân dân. Năm 2009, cán bộ dân số xã cùng với 19 cộng tác viên ở 16 thôn, bản đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tới đông đảo chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, những cán bộ dân số đã không quản đường sá gập ghềnh, lặn lội hàng chục cây số đường rừng để tuyên truyền vận động. Tuy nhiên, công tác truyền thông dân số đến nay vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả, số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên ở đây vẫn cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong huyện.

Trong thời gian tới, xã Hồng Ca cần tích cực tìm ra những giải pháp phù hợp để ổn định và nâng cao chất lượng dân số. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, các cấp, ngành cần đưa chỉ tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình vào trong hương ước, quy ước của thôn, bản; cần có những hình thức thưởng, phạt nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm chính sách dân số; tăng cường phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản đối với công tác này và đối với cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục và vận động người dân và nhân dân xây dựng gia đình theo tiêu chí “ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Đồng thời, từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực khó khăn để công tác dân số thực sự đạt hiệu quả cao.

Thanh Tiến

Các tin khác

Ngày 5-5, trước thông tin Cơ quan kiểm soát thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) thông báo thu hồi hơn 40 loại thuốc siro ho dùng cho trẻ, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: Các thuốc mang các nhãn hiệu Tylenol, Motrin, Zyrtec và Benadyl được sản xuất tại Mỹ hiện chưa được cấp số đăng ký và nhập khẩu lưu hành ở Việt Nam.

Thiếu nhi huyện Yên Bình tặng quà cho mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Thanh ở khu I, thị trấn Thác Bà.

YBĐT - 109 đại biểu đại diện cho hơn 14 nghìn đội viên, thiếu niên huyện Yên Bình (Yên Bái) đã về dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện lần thứ VI. Các bạn đã dâng lên Bác kính yêu những đóa hoa ngát hương - kết quả của các chương trình công tác Đội và phong trào “Thiếu nhi Yên Bình thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, “Thiếu nhi Yên Bình làm nghìn việc tốt hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

YBĐT - Với mục đích tuyên truyền tới toàn thể nhân dân trong xã về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, năm 2009, Hội Phụ nữ xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã xây dựng thí điểm mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch” ở thôn Bảo Lâm.

YBĐT - Do làm tốt công tác chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị trong khối đoàn thể và trên các phương tiện thông tin đại chúng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của huyện Lục Yên (Yên Bái) đang ngày càng phát triển sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục