Các tỉnh Nam Trung bộ đối mặt với đợt lũ đặc biệt lớn
- Cập nhật: Thứ ba, 2/11/2010 | 7:52:55 AM
Trong khi các tỉnh Bắc Trung bộ đang tiếp tục khắc phục hậu quả do 2 trận lũ lịch sử gây ra thì trong những ngày qua, các tỉnh Nam Trung bộ lại phải gồng mình hứng chịu một đợt lũ có diễn biến hết sức phức tạp và được đánh giá là đặc biệt lớn.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nhiều nhà dân bị ngập sâu.
|
-
Vùng duyên hải ngập nặng, giao thông chia cắt
Suốt ngày 1-11, tại Ninh Thuận vẫn có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 300 - 450mm. Mực nước trên sông Cái - Phan Rang, sông Lu, đều ở mức báo động 3 và trên báo động 3. Mưa lớn kết hợp với lũ thượng nguồn, các hồ thủy lợi, thủy điện xả chảy về dẫn đến gây ngập lụt trên toàn tỉnh Ninh Thuận.
Các địa phương Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước ngập chìm trong nước lũ từ 1 - 4m; TP Phan Rang - Tháp Chàm nhiều tuyến đường ngập sâu trên 1m; một số phường bị ngập và cô lập từ 1 - 3m.
Đến trưa ngày 1-11 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 2 người mất tích, 56 ngôi nhà bị sập, 1.137 nhà bị ngập. Hồ thủy lợi Phước Trung, huyện Bác Ái đang thi công bị vỡ; hồ Ông Kinh vượt mức tràn tự do 1,2m; QL1A, QL27, đường sắt bị chia cắt, nhiều đoạn nước tràn qua mặt đường từ 0,5 - 1m.
Việc hồ Phước Trung với dung tích chứa hơn 2,3 triệu m³ bị vỡ; các hồ thủy điện lớn như hồ Đơn Dương, hồ Sông Sắt, hồ Sông Trâu, hồ Tân Giang phải xả lũ, cùng với nước từ thượng nguồn đổ về và thủy triều dâng sẽ gây ngập lụt nặng cho toàn tỉnh (dự kiến cao hơn cơn lũ lịch sử năm 2003), nguy cơ vỡ đê sông Dinh (đê bao bảo vệ TP Phan Rang - Tháp Chàm) rất lớn.
Lực lượng bộ đội, công an và người dân TP Phan Rang đắp đê sông Dinh ngăn lũ. |
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn tiếp tục mưa to, sau hơn 2 ngày mưa liên tục, lượng mưa đạt trên mức 542mm ở TP Nha Trang, 459mm ở thị xã Cam Ranh, 328mm ở huyện Ninh Hòa. Đã có 4 người chết và 1 người bị thương ở 2 huyện Diên Khánh, Ninh Hòa. tại TP Nha Trang đã có thêm 1 người mất tích.
Mưa lũ còn làm thiệt hại về nuôi trồng thủy sản khoảng 15 tỷ đồng, hoa màu hơn 500ha, 2 trụ điện cao thế ở Khánh Sơn bị đổ. Tin từ huyện Khánh Sơn, hiện tại tuyến đường liên huyện đã bị sạt lở, nhiều đập tràn nước dâng cao gây chia cắt cục bộ, hơn 2 vạn dân sống ở nhiều nơi bị cô lập.
Ngày 1-11, mưa lũ đã làm 1 người dân xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, bị cuốn trôi. Nạn nhân là anh Ya Ba (khoảng 30 tuổi, trú tại thôn Ma Bó) bị lũ cuốn khi lội qua suối Đạ Quyn. Thi thể nạn nhân được tìm thấy cách nơi bị nạn khoảng 50m về phía hạ lưu.
Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn trong nhiều ngày qua đã làm 2 cây cầu và một số đoạn đường ngập sâu trên 2m, khiến giao thông đường bộ vào 2 xã Đa Quyn và Tà Năng (huyện Đức Trọng) bị chia cắt, nhiều nhà cửa và hoa màu bị ngập. Từ ngày 1-11, toàn bộ học sinh thuộc các xã Ninh Loan, Tà In, Tà Năng, Đà Loan, Đa Quyn (huyện Đức Trọng) phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Cứu dân ra khỏi vùng ngập lũ. |
-
Thiệt hại tiếp tục gia tăng
Trong ngày 1-11, mực nước tại các sông trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã rút dần, tuy nhiên tại một số khu dân cư trên địa bàn các huyện Tây Hòa, Đồng Xuân, Tuy An… vẫn còn bị ngập cục bộ. Tại các đầm Ô Loan (huyện Tuy An), đầm Cù Mông (huyện Sông Cầu), nhiều ao hồ, lồng nuôi tôm, cá mú của ngư dân đã bị ngập trong nước do triều cường dâng cao. Đặc biệt, hàng ngàn hécta lúa vụ mùa của nông dân đã bị hư hỏng do ngã đổ hoặc bị ngập nước.
Trong ngày hôm qua (1-11), nhiều nông dân tại huyện Sông Cầu, Tuy An… đã tranh thủ gặt những diện tích lúa vụ mùa để tránh lũ. Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên cho biết, tính đến chiều 1-11, trên địa bàn tỉnh đã có 1 người chết do mưa lũ và 2 tàu bị sóng đánh chìm.
Sáng 1-11, thi thể của ông Văn Công Trãi, trú tại xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, chủ tàu BĐ 96247TS đã được tìm thấy tại xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Trước đó, trưa 30-10, ông Trãi cùng 7 ngư dân khác đang trên đường ra khơi thì tàu bị gãy bánh lái trôi dạt vào vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Khi còn cách bờ 200m, 7 thuyền viên trên tàu đã bơi vào bờ còn ông Trãi bị sóng cuốn mất tích.
Ban tác chiến Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, đến chiều ngày 1-11, tàu BĐ 50377-TS (do anh Nguyễn Hữu Quang ở xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn, làm chủ) có 10 ngư dân, bị hỏng máy đang trôi tự do ở vùng biển Trường Sa vẫn chưa thể sửa chữa được. Hiện chủ tàu BĐ 50377-TS đã liên lạc với các tàu đánh bắt gần đó đến kéo về đất liền.
Lãnh đạo Công ty Đường sắt Phú Khánh xác nhận, đường sắt Bắc - Nam vừa được thông tuyến lúc 13 giờ 30 ngày 31-10 sau khi khắc phục xong điểm sạt lở ở đèo Cả, vừa tắc lại trong buổi sáng 1-11. Do mưa lớn liên tục trên địa bàn, ở phía Nam TP Nha Trang, một số đoạn từ ga Hòa Tân đi ga Suối Cát và từ ga Suối Cát đi ga Ngã Ba bị ngập. Ở phía Bắc TP Nha Trang, đoạn đường sắt qua khu vực đèo Cả tiếp tục bị sạt lở.
Ngoài ra, đoạn đường sắt qua địa phận tỉnh Ninh Thuận thuộc Km1.382+500 và Km1.383+600 thuộc địa bàn xã Công Hải (huyện Thuận Bắc) bị hư hỏng nặng; hành khách đi tàu phải đợi tăng bo từ các ga tại Ninh Thuận ra ga Nha Trang bằng đường bộ khi tuyến giao thông này được thông tuyến.
Miền Bắc rét đậm, miền Trung lũ dồn
Hôm qua (1-11), nhiệt độ các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ tiếp tục xuống thấp, trời rét buốt. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, hiện ở phía Bắc nước ta đang có thêm một bộ phận không khí lạnh sắp tăng cường xuống phía Nam, làm thời tiết ở miền Bắc và Bắc Trung bộ chuyển sang rét đậm.
Theo nhận định, nhiệt độ miền Bắc trong đợt rét mới có thể xuống tới 11-12°C, riêng ở vùng cao Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn… có thể xuống mức 5-7°C, mưa phùn. Trước tình hình trên, sở NN-PTNT các tỉnh miền núi phía Bắc đang hướng dẫn bà con nông dân di dời các đàn trâu bò tránh rét, dự trữ cỏ khô, che chắn cây non bằng túi nylon để giảm thiệt hại do rét đậm.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cũng khẳng định, đợt không khí lạnh mới này sẽ đi sâu xuống các tỉnh ở miền Nam, trong đó có cả Nam bộ.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh tương tác với dải nhiễu động trong đới gió Đông trên cao và hoàn lưu của vùng áp thấp đang ở vào khoảng 5-7 độ vĩ Bắc, 104-106 độ kinh Đông nên sẽ tiếp tục gây ra mưa to cho các tỉnh ở cả Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Trong đó các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng và Quảng Nam đến Bình Thuận sẽ có mưa to và rất to. Mưa lớn sẽ làm xuất hiện trở lại một đợt lũ mới, gây nguy hiểm cho miền Trung. Cụ thể là lũ trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận hiện đang lên nhanh và vẫn còn lên trong ngày 2-11, riêng các sông ở Ninh Thuận đang ở mức cao.
Từ ngày 2-11, mực nước trên các sông từ Phú Yên đến Bình Định cũng sẽ lên. Sau đó, lũ sẽ xuất hiện ở các sông từ tỉnh Quảng Ngãi ra Thừa Thiên-Huế, kéo dài nhiều ngày, nhiều nơi vượt báo động 3. Riêng các sông từ Khánh Hòa đến Bắc Bình Thuận sẽ có lũ đặc biệt lớn.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Đặt quan hệ ngoại giao hợp tác với đại diện của Pháp là một trong nhiều mối quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức phi chính phủ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Ngày 1/11, Thư viện tỉnh Yên Bái tổ chức khai trương phòng đọc đa phương tiện. Dự có bà Chantal Bourvic - Tổng ủy viên đặc trách - Hội đồng tỉnh Val de Marne, Cộng hoà Pháp, đại diện Ban kinh tế đối ngoại và Sở văn hoá thể thao và du lịch tỉnh Yên Bái.
YBĐT -Trời đông. 4h sáng. Cái lạnh hiện hình trong giọt sương đêm chưa tan. Phố phường còn chìm đắm trong giấc ngủ. Nơi căn nhà đang xây dở này tiếng xì xoẹt máy trộn bê tông đã xé toạc không gian yên lặng. Những người thợ nề, thợ hồ nhộn nhịp với xi măng, cát sỏi. Người phụ hồ gồng mình lấy hết sức kéo xô bê tông từ dưới đất lên mái. Cái lạnh và nặng khiến bàn tay người thợ phụ tím tái...
YBĐT - Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 35.877 đoàn viên thuộc các đơn vị có tổ chức công đoàn do Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh quản lý, trong đó khối hành chính sự nghiệp chiếm 75,7%, sản xuất kinh doanh khu vực Nhà nước chiếm 4,9%, khu vực ngoài Nhà nước 9,3%, còn lại 0,1% thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số công đoàn cơ sở (CĐCS) là 1048 đơn vị, trong đó khu vực Nhà nước là 970 đơn vị, khu vực ngoài Nhà nước là 78 đơn vị.