Nam Trung Bộ chuẩn bị đối mặt đợt lũ mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/11/2010 | 2:23:21 PM

Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay 3.11 cho biết, mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung Bộ đã làm 8 người chết, 6 người mất tích.

Trong đó, Khánh Hòa có 5 người chết, Phú Yên có 3 người chết. Mưa lũ cũng làm sập đổ 622 căn nhà, 6.100 căn nhà khác bị ngập nặng; 17.891 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập và hư hại...

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư tiếp tục cảnh báo về một đợt mưa, lũ lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng.

Theo đó, chịu ảnh hưởng mưa của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao, ngày và đêm nay 3.11, lũ các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai sẽ lên lại; các sông từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế và Kon Tum, Đắk Lắk sẽ lên. Đợt lũ này có thể kéo dài 2 - 3 ngày.

Trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn, đỉnh lũ có thể lên mức báo động 2 - 3, nhiều nơi lên trên mức báo động 3.

Lũ trên các sông ở Quảng Trị, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk lên mức báo động 1 - 2, có nơi trên mức báo động 2.

Người dân và các cấp chính quyền các tỉnh trên cần chủ động đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông, suối.

* Sáng nay 3.11, trên vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa hình thành một vùng áp thấp.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, sáng cùng ngày, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12  - 14 độ vĩ bắc; 111 - 113 độ kinh đông, trên khu vực biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Nam - Khánh Hòa.

Dự báo, trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển chậm theo hướng tây. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với đới gió đông bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao, ở khu vực bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9 - 10 và có mưa dông mạnh.

Biển động rất mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Trên đất liền, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Trước diễn biến xấu của thời tiết, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành liên quan và các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên tiếp tục triển khai các hoạt động ứng phó với mưa lũ, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời thông báo cho chủ các phương tiện có tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, kiểm đếm các tàu thuyền còn đang hoạt động trên các ngư trường để giữ liên lạc kịp thời, đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cũng yêu cầu các tỉnh nêu trên duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.  

Ninh Thuận: Ước tổng thiệt hại hơn 200 tỉ đồng

Tối 2.11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng đoàn công tác đã đến Ninh Thuận chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt tại địa phương (ảnh).

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã báo cáo với đoàn công tác tình hình lũ lụt và những thiệt hại ban đầu.

Theo đó, toàn tỉnh có 4 người bị lũ cuốn mất tích; hơn 5.000 căn nhà bị ngập và sập; 11.897ha cây trồng bị ngập lụt; hư hại gần 60ha đìa tôm; 12 chiếc ghe của ngư dân bị chìm; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở… Ước tổng thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng. Lực lượng cứu hộ đã kịp thời cấp phát mì gói và nước uống cho bà con vùng lũ ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm…

Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với địa phương ngay sáng sớm nay 3.11 dùng máy bay trực thăng tiếp tế lương thực, đồ dùng thiết yếu cho 32 người dân ở khu vực cù lao thuộc thôn Phú Thọ, phường Đông Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm) và thôn Hòa Thạnh, xã An Hải (H.Ninh Phước) đang bị mắc kẹt do lũ.

Phó thủ tướng lưu ý địa phương chăm lo cho các hộ dân ở vùng lũ, tuyệt đối không được để cho người dân nào bị đói, rét. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ liên quan phối hợp với tỉnh Ninh Thuận khắc phục hậu quả thiên tai, như phòng chống dịch bệnh, sửa chữa đường sá, giúp dân phục hồi sản xuất; tổng hợp mức độ thiệt hại để đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho địa phương.

Phú Yên: 3 người chết, 2 người mất tích do lũ 

Sáng 3.11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Phú Yên cho biết: lúc 5 giờ cùng ngày, anh Trần Văn Dương (21 tuổi, trú thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, H.Tây Hòa, Phú Yên) đã bị nước lũ cuốn trôi trong khi đang lội trên đường gần nhà.

Trước đó, em Lê Thị Thanh Hương (13 tuổi, học lớp 8 trường THCS Tây Sơn, xã Hòa Mỹ Tây, H.Tây Hòa) bị nước lũ cuốn trôi chiều 1.11 đã được tìm thấy xác vào chiều 2.11. 

Như vậy, Phú Yên hiện đã có 3 người chết và 2 người mất tích trong đợt mưa lũ đang diễn ra.


Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) ào ạt xả lũ - Ảnh: Xuân Huy

Lúc 9 giờ 30 cùng ngày, ông Nguyễn Văn Giảng, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bình 1, cho biết: Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Tây Hòa đã đưa lực lượng cứu hộ dùng ca-nô cùng địa phương tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy tung tích anh Dương.

Theo ông Giảng, nơi anh Dương bị nước cuốn nằm trong vùng ảnh hưởng của hệ thống thủy điện trên sông Ba; hiện tại, nhiều thôn trong xã Hòa Bình 1 đang bị nước lũ cô lập, người dân phải dùng ghe để lưu thông.

Trước đó, ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, cho biết: UBND tỉnh Phú Yên sẽ kiến nghị đến Tập đoàn Điện lực VN về việc xả lũ tại hồ thủy điện sông Ba Hạ.

Kể từ 14 giờ ngày 2.11, hồ thủy điện sông Ba Hạ đã xả lũ với lưu lượng 5.700m3/giây và hiện có khả năng sẽ xả lũ với lưu lượng đạt đến mức 7.000m3/giây.

Bình Định: Nước lũ tiếp tục dâng cao 

Từ tối qua đến sáng nay (3.11), tại Bình Định tiếp tục có mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng cục bộ tại một số địa phương trong tỉnh.

Nước lũ chia cắt nhiều đoạn trên tuyến tỉnh lộ ĐT 640 nối từ trung tâm huyện lỵ Tuy Phước về các xã phía đông như Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng (huyện Tuy Phước), Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng (huyện Phù Cát).

Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị chìm trong nước, có nơi ngập sâu từ 1 - 1,5m. Người dân phải dùng thuyền nhỏ hoặc xe ô tô tải để trung chuyển qua các vùng bị ngập sâu.

Nước lũ làm tuyến xe buýt từ TP Quy Nhơn đi huyện Phù Cát bị tê liệt hoàn toàn.

Hàng ngàn công nhân ở các xã khu đông huyện Tuy Phước đang làm việc tại Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) không thể đến cơ quan và gần 30.000 học sinh các cấp trên địa bàn huyện Tuy Phước phải nghỉ học trong sáng nay 3.11.


Trường THCS Phước Thắng (Tuy Phước) sáng 3.11 ngập trong lũ, học sinh phải nghỉ học.


Xe máy được xe tải chuyển qua những đoạn bị ngập sâu 

Cứu nạn thành công tàu cá và 7 ngư dân 

Tối 2.11, tàu của Hải đội 2 (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi), do thiếu tá Nguyễn Xướng làm thuyền trưởng và trung tá Huỳnh Văn Minh - Hải đội trưởng Hải đội 2 trực tiếp chỉ huy đã vượt sóng to, gió lớn ra khơi cứu nạn, lai dắt thành công tàu cá QNg-1013TS cùng 7 ngư dân ở xã Bình Đông, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) vào bờ an toàn (ảnh).

Tàu cá QNg-1013TS của ông Phạm Chí Tâm (ở xã Bình Đông), trên tàu có 7 ngư dân bị chết máy vào trưa 1.11 tại vùng biển huyện Bình Sơn, sau đó trôi dạt tự do trên biển với tốc độ gần 4 hải lý/ giờ.

Các ngư dân trên tàu đã điện cho tàu công suất lớn của ngư dân địa phương ra cứu nạn song do sóng quá lớn nên tàu này không thể ra khơi.

Nhận được lệnh của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, Hải đội 2 đã điều tàu vuợt qua sóng gió, hiểm nguy cứu nạn thành công.

(Theo TNO)

Các tin khác
Cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh quan tâm chăm sóc và dạy bảo các cháu học bài.

YBĐT - Ngày 3/11, tỉnh Yên Bái đã tổng kết tình hình thực hiện Quyết định 19/2004/QĐ - TTg ngày 12/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010.

Tham gia BHYT tự nguyện người lao động không được hưởng trợ cấp ốm đau. (Trong ảnh: Chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

YBĐT - Nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp. Đó là: người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài. Nếu tham gia BHXH tự nguyện thì người lao động tự lo cho mình khi về già, sức khỏe đã kém họ sẽ có lương hưu và được tham gia bảo hiểm y tế ...

Xã Tân Thịnh chỉ có một trạm biến áp cung cấp điện cho toàn xã.

YBĐT - Nhiều năm qua, mấy trăm hộ dân xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) có một nỗi khổ thường trực, đó là điện. Điện ở đây vừa thiếu, vừa yếu lại vừa mất an toàn.

Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân chia quà cho các cháu nhỏ ở xã Túc Đán (Trạm Tấu) trong mùa hè tình nguyện 2009.

YBĐT - Trong nhiều năm qua, phong trào thanh niên tình nguyện (TNTN) đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, một nét văn hóa tiến bộ của đông đảo thanh niên Yên Bái nói riêng, thanh niên toàn quốc nói chung. Kết thúc mùa tình nguyện sôi nổi năm 2010, phóng viên YBĐT có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Thanh Xuân - Phó bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn về vấn đề này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục