Hội Đông y huyện Văn Chấn: Tích cực tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân
- Cập nhật: Thứ tư, 17/11/2010 | 2:59:32 PM
YBĐT - Văn Chấn là huyện địa bàn rộng, diện tích rừng tự nhiên lớn và thảm thực vật rất phong phú. Đặc biệt, đây còn là nơi đông đồng bào các dân tộc sinh sống, có truyền thống khai khác và bào chế các loại thảo dược để chữa bệnh. Đó cũng chính là điều kiện quan trọng để ngành y tế huyện Văn Chấn nhiều năm qua luôn chú trọng phát triển hội viên Hội Đông y và khuyến khích các hội viên bảo tồn, phát huy các bài thuốc quý, tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Các ông lang, bà mế dân tộc Mường trao đổi về các loại thuốc và công dụng chữa bệnh.
|
Hiện tại, Hội Đông y của huyện có 283 hội viên, trong đó có tới 204 hội viên nữ; hội viên có trình độ đại học y, dược là 33 người; dược sỹ trung học, y sỹ đông y 27 người; trình độ trung, sơ cấp khác 165 người; còn lại là ông lang, bà mế cơ bản đã qua đào tạo. Để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh cho nhân dân, công tác kiểm tra, theo dõi hoạt động chuyên môn được Hội triển khai thực hiện khá chặt chẽ. Hàng năm, Hội phối hợp với Hội Đông y tỉnh Yên Bái tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho hội viên.
Hầu hết các hội viên chưa qua đào tạo đã được tạo điều kiện đi học để được cấp chứng chỉ hành nghề. Đi đôi với bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, Hội Đông y huyện tích cực vận động hội viên bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu và chú trọng truyền nghề cho con, cháu. Đến nay, toàn huyện đã có 149 vườn thuốc nam, trong đó trồng mới 21 vườn. Các trạm y tế đều có vườn thuốc nam và hầu hết các trường học cũng có vườn thuốc để phục vụ chữa bệnh cũng như giúp học sinh nhận biết về cây thuốc, công dụng. Qua đó giúp các em hình thành ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống chữa bệnh bằng nam dược.
Với những giải pháp đó, kết quả công tác khám, chữa bệnh của Hội Đông y huyện Văn Chấn trong 5 năm trở lại đây rất đáng khích lệ bởi đã có khoảng 100.000 người được khám và chữa bệnh bằng phương pháp đông y. Trong đó, số người khám và điều trị lồng ghép tại các trạm khoảng 95.000 người; 5.000 người điều trị tại các cơ sở của ông lang, bà mế và có 1.200 người được điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc.
Những hội viên tiêu biểu trong những năm gần đây là hội viên Hà Thị Phòng, dân tộc Tày ở xã Thượng Bằng La với những bài thuốc thế mạnh về chữa bệnh gan, thận, khớp, dạ dày. Bà Phòng cho biết, có cả bệnh nhân từ tỉnh Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh đã đến điều trị và bình quân một ngày, có khoảng 10 người đến khám, bốc thuốc.
Ông lang Hoàng Văn Hỏi ở xã Thanh Lương, dân tộc Mường cũng có bài thuốc thế mạnh về chữa bệnh gan, dạ dày; bà Hoàng Thị Tâm, người Tày ở xã Cát Thịnh giỏi về bó gẫy xương; ông Hoàng Hữu Lộc cũng là người Tày ở Cát Thịnh rất mát tay chữa rắn độc cắn; ông Sa Minh Ngọc, dân tộc Thái ở xã Sơn A giỏi về chữa bệnh dạ dày và phong tê thấp... Các hội viên này đều đã được nhận phần thưởng của Hội Đông y huyện Văn Chấn và một số người được các cấp, ngành chuyên môn biểu dương, khen thưởng.
Thời gian tới, Hội Đông y huyện Văn Chấn tiếp tục gắn các hoạt động của Hội với nhiệm vụ thực hiện và duy trì chuẩn quốc gia về y tế xã; nâng cao tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền tại các cơ sở y tế; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân nhằm đẩy mạnh phát triển vườn thuốc nam trong các gia đình, các mẫu vườn thuốc nam tại trạm y tế, trường học. Đồng thời vận động các ông lang, bà mế tích cực duy trì, truyền, dạy nghề cho con, cháu những vị thuốc hay, những cây thuốc tốt, tránh thất truyền vốn quý y học dân gian.
Hàng năm, thực hiện ít nhất 1 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên và 1 hội thảo khoa học để phổ biến kiến thức, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các chuyên gia y, dược cũng như giữa các hội viên. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ hoạt động của Hội với hoạt động y tế ở địa phương, đặc biệt là làm tốt công tác tham mưu với cấp trên để có giải pháp tốt nhất trong việc phát triển nền y học cổ truyền của dân tộc.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Năm 2001, Hội Khuyến học xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được thành lập. Năm 2003, Trung tâm học tập cộng đồng cũng được thành lập và có đầu tư trang bị phương tiện truyền thống trị giá 15 triệu đồng. Từ khi được thành lập, Hội Khuyến học và Trung tâm học tập cộng đồng đã tích cực vận động tuyên truyền và mở ra các lớp học, tập huấn tại xã để thúc đẩy phong trào học tập và khuyến học khuyến tài của địa phương.
Mưa lũ khiến nhiều tỉnh miền Trung bị ngập lụt, hiện 11 người chết, 2 người mất tích và 3 người bị thương, hàng chục nghìn người dân bị ảnh hưởng trực tiếp…
Tối 16/11, lễ tôn vinh giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields 2010 đã diễn ra tại Khoa Toán Trường Đại học Paris 11, ở thành phố Orsay, ngoại ô Paris.
YBĐT - Theo báo cáo của Phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Sở Lao động Thương binh và Xã hội), tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong 6 năm, từ 2004 - 2010 là 167 trẻ. Trong đó trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục là 89 cháu, chủ yếu là hiếp dâm. Các vụ xâm hại xảy ra nhiều vào các năm trong giai đoạn 2003- 2007.