Hạnh phúc với nghề

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/6/2011 | 9:43:51 AM

YBĐT - Trong sự nghiệp của người làm báo, viết báo, có lẽ chờ đợi nhất, hạnh phúc nhất là khi bài viết - đứa con tinh thần của mình lên trang đến với bạn đọc gần xa.

Nhà báo tác nghiệp.
Ảnh: Đức Hồng
Nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Đức Hồng

Mỗi tác phẩm là một sự gửi gắm, là những trăn trở, bởi vậy mà trong mỗi bài viết có thể là niềm vui - khi đó là những điển hình, những gương sáng, những thành tích cần được nêu gương nhân rộng của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị. Song, cũng có khi lại là những nỗi niềm trăn trở trước những tồn tại, nổi cộm thậm chí là cả những sai phạm trong cuộc sống đời thường ở một địa phương hay cơ quan đơn vị cụ thể...

Bởi vậy, đã là người cầm bút, chắc chắn ai cũng từng nhận được những phản hồi, những tác động xã hội sau khi ấn phẩm phát hành. Đó có thể là phản hồi tích cực là ngợi khen, khích lệ, là động viên, cảm ơn; song cũng không ít những phản hồi gay gắt, nặng nề, thậm chí là đơn thư khiếu nại... Nhưng dù phản hồi ở mặt tích cực hay trái chiều thì điều quan trọng là ở chỗ người viết đã phản ánh trung thực sự việc, vấn đề qua tác phẩm của mình. Chỉ có sự trung thực, động cơ trong sáng mới khiến tác giả vững tâm giải trình làm rõ cho dù là những phản hồi nặng nề và gay gắt nhất.

Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6), ngẫm nghĩ lại hơn chục năm với nghề cầm bút, từ một phóng viên chập chững học việc, thử việc làm tập sự ở cơ quan báo Đảng địa phương - Báo Yên Bái, đến nay quả là đã có không ít kỷ niệm với nghề. Đó là niềm vui, là ảnh hưởng tích cực từ một số bài viết mang lại. Những phản hồi tích cực đó đã mang lại sự động viên, khích lệ rất lớn đối với người cầm bút trẻ như tôi.

Còn nhớ, nhân Tháng hành động vì trẻ em năm đó, tôi được lãnh đạo phòng cử đi cùng Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (DS-GĐ&TE) tỉnh lên Trấn Yên dự Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em của tỉnh được tổ chức tại đây. Ngay sau Lễ phát động, lãnh đạo Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh cùng huyện Trấn Yên đi khởi công xây dựng trường mầm non tại xã Đào Thịnh. Lễ khởi công trang trọng, băng rôn khẩu hiệu “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”, rồi cờ hoa rực rỡ khiến người dân hết sức phấn khởi, trẻ em háo hức hát múa chào mừng...

Vậy nhưng sau một năm, hai năm trôi qua từ ngày phát động làm lễ khởi công động thổ, ngôi trường vẫn chỉ là trong kế hoạch. Thi thoảng có dịp đi công tác qua tôi vẫn ngầm để ý nhưng ngày dự kiến khánh thành trường đã trôi qua cả năm trời mà vị trí xây trường ngày diễn ra lễ động thổ trang trọng chỉ thấy cỏ mọc lên um tùm.

Từ điều trăn trở ấy, tôi đã viết bài báo ngắn gọn “Nỡ nào dối trẻ” nhắc lại sự “quên lãng” về dự án xây dựng một ngôi trường. Không lâu sau khi bài báo được đăng, ngôi trường đã được khởi công xây dựng và rồi ngày các em được đến ngôi trường mới cũng thành hiện thực. Sau này khi gặp một đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên, đồng chí đã bắt tay tôi cười rất vui và đùa một câu rằng: “Nhà báo nhớ dai quá! Bây giờ các cháu có trường rồi nhá...!”. Với một người cầm bút trẻ như tôi ngày ấy thì đó đã là một phần thưởng.

Hay năm 2006 sau khi viết phóng sự: “Nỗi bất hạnh từ cây cầu quá đát” phản ánh cây cầu treo bắc qua suối Ngòi Lâu ở xã Âu Lâu (Trấn Yên, nay là thành phố Yên Bái) quá xuống cấp gây nên nhiều vụ tai nạn ngã suối và cả nỗi bất hạnh cho người dân khi một vụ tai nạn từ cây cầu khiến một phụ nữ trong xã bị thương tật nằm liệt vĩnh viễn. Vậy nhưng cây cầu vẫn tồn tại, thực hiện sứ mệnh và mang lại những hiểm họa rình rập người dân. Xã thì đề nghị huyện đầu tư sửa chữa, huyện xuống khảo sát yêu cầu xã chủ động khắc phục.

Trong khi đó xã muốn chủ động nhưng hoàn toàn không có kinh phí, chỉ lâu lâu mới trích được một số tiền nhỏ cộng với sức đóng góp của nhân dân để gia cố cây cầu... Và tai nạn vẫn xảy ra. Sau khi bài báo được đăng tải, qua một đồng nghiệp sống trên địa bàn xã tôi được biết, ngay sau đó huyện Trấn Yên đã cho đầu tư để đại tu lại cây cầu phục vụ người dân đi lại an toàn.

Mới đây nhất (tháng 8/2010) sau khi bài viết “Chuyện người nuôi thỏ làm giàu” giới thiệu về mô hình chăn nuôi thỏ của ông Nguyễn Huy Quang thu nhập hàng trăm triệu đồng ở xã Lương Thịnh (Trấn Yên) đăng tải tôi nhận được tin nhắn khích lệ của một cán bộ Phòng Nội vụ Trấn Yên: “Cảm ơn và chúc mừng nhà báo đã giới thiệu điển hình tiên tiến nuôi thỏ trên báo. Tiếp tục phát huy để công hiến nhiều hơn cho sự nghiệp báo chí nhé!”.

Với người làm nghề - đó như một niềm vui nho nhỏ nhưng có sức lan tỏa khích lệ tinh thần của người cầm bút để tiếp tục tìm tòi, lăn lộn  để viết đúng, viết hay. Cũng từ bài báo này, không lâu sau đó tôi nhận được điện thoại từ một số máy lạ giới thiệu là bạn đọc ở Yên Lạc - Lục Yên, anh nói đã đọc bài viết giới thiệu về mô hình nuôi thỏ hiệu quả.

Anh muốn xin tác giả số điện thoại của cơ sở để liên hệ mua giống thỏ về nuôi thử nghiệm ở địa phương mình. Tất nhiên là tôi đã hoàn toàn vui vẻ cung cấp cho anh số điện thoại của ông chủ nuôi thỏ. Không hiểu từ ngày đó anh có thực hiện dự định của mình không, nhưng ít nhiều với một người cầm bút như tôi thì có nghĩa bài báo đã có tác động xã hội nhất định...

Đó chỉ là một vài những kỷ niệm nho nhỏ. Có thể với những cây bút gạo cội, những phản hồi, ảnh hưởng tích cực sau các bài viết sẽ là nhiều, nhiều lắm trong cuộc đời cầm bút, nhưng với mỗi phóng viên trẻ, nhất là khi mới vào nghề thì đó thực sự là niềm hạnh phúc, là sự khích lệ lớn lao để chúng tôi tiếp tục yêu nghề, say nghề và cống hiến hết mình vì nghề.

Ngọc Tú

Các tin khác

YBĐT - Với tinh thần mưu trí, dũng cảm và quyết tâm cao, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, kinh tế và chức vụ Công an huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã lập nhiều chiến công trên mặt trận trấn áp tội phạm về ma túy.

10 tỷ đồng là tổng kinh phí của Dự án y tế học đường năm 2011 nhằm tập trung vào việc chăm sóc, quản lý sức khỏe cho HS các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn cả nước.

Tình trạng thiếu lao động do mức lương quá thấp vẫn xảy ra ở ngành dệt may.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các khu công nghiệp hiện vẫn "khát" lao động phổ thông, trong khi đó, nghịch lý là tình trạng công nhân bỏ việc vẫn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân là do lương của người lao động quá thấp, trong khi các chi phí sinh hoạt đều tăng lên từng ngày.

Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp trong vụ dịch tả năm 2010.

Vi khuẩn E.coli mới có độc lực mạnh và nguy hiểm ở châu Âu đang khiến cả thế giới lo ngại. Ngành Y tế Việt Nam nhận định không loại trừ khả năng vi khuẩn này lây sang Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục