Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè
- Cập nhật: Thứ tư, 22/6/2011 | 9:45:05 AM
YBĐT - Hiện nay, hàng ngày Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái vẫn ghi nhận một số bệnh xảy ra rải rác ở các địa phương trong tỉnh như: tiêu chảy, chân tay miệng, quai bị cúm, sốt phát ban...
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm các xét nghiệm dịch bệnh.
|
Cứ vào mùa hè, tình hình dịch bệnh thường diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, thời tiết, sự ô nhiễm môi trường gia tăng, hậu quả mưa bão, lũ lụt, hạn hán... Đó là những yếu tố nguy cơ bùng phát một số bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, nhiễm liên cầu lợn ở người, tay chân miệng, các bệnh đường hô hấp và bệnh do côn trùng, súc vật truyền như: cúm gia cầm H5N1, sốt xuất huyết, dại và các dịch bệnh khác...
Năm 2009, toàn tỉnh ghi nhận 5.640 ca tiêu chảy cấp, trong đó có 3 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả, 474 ca lỵ amip, 5 ca tử vong do bệnh dại. Dịch cúm A(H1N1) bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 9/2009 với trên 20 nghìn ca mắc được ghi nhận; 37 ổ dịch cúm ghi nhận tại các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên, Văn Yên... xét nghiệm đại diện tại các ổ dịch có 47 ca dương tính với cúm A/H1N1. Năm 2010 một số dịch bệnh trên tuy có giảm, nhưng lại xuất hiện nhiều ổ dịch khác như thủy đậu, quai bị.
Trong 9 tháng đầu năm 2010 đã ghi nhận 13 ổ dịch thủy đậu với 1.277 ca, phát hiện 4 ổ dịch dịch quai bị với gần 1.000 ca; 05 ổ dịch cúm B và trên 14 nghìn trường hợp mắc được ghi nhận … Kết quả giám sát 5 tháng đầu năm 2011 tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã ghi nhận gần 4.000 ca sốt phát ban (xét nghiệm đại diện 25 mẫu, có 11 mẫu dương tính với Rubella), 12 ổ dịch Rubella được ghi nhận, 02 ổ dịch cúm tai xã Minh Tiến (Trấn Yên) và Túc Đán (Trạm Tấu) xét nghiệm 6 mẫu bệnh phẩm có 4 mẫu dương tính với cúm A/H1N1.
Như vậy, dịch cúm A/H1N1 đang có dấu hiệu quay trở lại sau 1 năm tạm lắng. Bệnh dại cũng ghi nhận có 05 ca tử vong, nguyên nhân là do người dân chủ quan, khi bị chó cắn hoặc tiếp xúc, chăm sóc chó ốm trong khi tay bị trầy xước nhưng không đi tiêm vac xin phòng dại. Bệnh tay chân miệng sau 2 năm tạm lắng, nay có dấu hiệu xuất hiện trở lại, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 17 ca (tại TP Yên Bái, huyện Văn Chấn và Trấn Yên). Ngoài ra dịch thủy đậu, quai bị cũng được ghi nhận số ca tương đương cùng kỳ năm 2010...
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát trong mùa hè, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Sở y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh hàng ngày. Đồng thời, tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ, kịp thời phát hiện và xử lý các ca bệnh, khống chế không để dịch bệnh truyền nhiễm lớn xảy ra trên địa bàn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, ngay từ đầu mùa hè, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các trung tâm y tế huyện đã phối hợp với các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, thị xã trong tỉnh giám sát các ca bệnh tại bệnh viện.
Những ngày trung tuần tháng 6/2011, chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh - nơi có khá đông người đến khám, điều trị bệnh, được biết, trong tháng 4 và tháng 5 năm 2011, Bệnh viện đã đón tiếp khám bệnh cho trên 2.426 người có triệu chứng sốt phát ban, quai bị, cúm, tiêu chảy, chân tay miệng...
Bệnh viện đã điều trị nội trú 486 ca, trong đó trẻ em 386 ca. Vào thời điểm ngày 14/6, tại Khoa Nhi và Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 54 bệnh nhân đang điều trị với các bệnh: tiêu chảy, quai bị, sốt phát ban, viêm màng não mủ, tay chân miệng...
Theo các bác sỹ ở 2 khoa này, nguyên nhân số trẻ em phải vào viện điều trị khá nhiều là do kiến thức nuôi con của các bà mẹ chưa tốt nên một số trẻ bị suy dinh dưỡng tăng nguy cơ mắc bệnh. Do vậy, các bà mẹ phải tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, vệ sinh tay chân trước khi cho trẻ ăn, không cho trẻ tiếp xúc ở những nơi đông người...
Hiện nay, hàng ngày Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái vẫn ghi nhận một số bệnh xảy ra rải rác ở các địa phương trong tỉnh như: tiêu chảy, chân tay miệng, quai bị cúm, sốt phát ban...
Để công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè hiệu quả, hạn chế mức độ lây lan dịch bệnh, việc chủ động phòng ngừa bệnh của người dân là hết sức quan trọng. Do vậy, ngành y tế cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức phòng bệnh mùa hè cho nhân dân; đa dạng hoá loại hình truyền thông chuyển tải đến người dân về nguyên nhân gây bệnh, sự nguy hiểm, các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa hè và nhất là phải chủ động các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân, đáp ứng vật tư, hoá chất, thuốc men để phòng, chống kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, không để xảy ra dịch bệnh lớn, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân.
Trường Phong
Các tin khác
YBĐT - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (CHQS) vừa tổ chức Hội thi cán bộ huấn luyện điều lệnh, kỹ thuật chiến đấu bộ binh giỏi năm 2011.
Người làm việc tại ban quản lý làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được tăng lương.
Tối 21/6, đúng dịp kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V – 2010 được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội). Đây là sự kiện báo chí lớn nhất nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc trong năm.
Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 2). Dự báo các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, trong khi đó, Bắc Bộ đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch lúa, một vụ mùa được dự báo là bội thu…